Tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu

Chủ Nhật, 04/06/2023, 22:36

Trong bài phát biểu ngày 4/6 tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc cho rằng, tâm lý Chiến tranh Lạnh đang trỗi dậy ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Mặc dù vậy, Bắc Kinh luôn tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu, song sẽ không ngần ngại bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc đã làm rõ "Sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc", trong đó, đề cao tầm nhìn về an ninh chung, toàn diện, hợp tác và bền vững; ủng hộ một lộ trình mới cho an ninh và đối thoại thay vì đối đầu, hợp tác thay vì liên minh và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi.

Ông nêu rõ: "Châu Á Thái Bình Dương là khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh nhất, tiềm lực lớn nhất, hợp tác năng động nhất trên thế giới. Đối mặt với tình hình an ninh thế giới phức tạp như hiện nay, điều chúng ta cần là một châu Á - Thái Bình Dương phát triển ổn định, bền vững chứ không phải là một châu Á - Thái Bình Dương bất ổn. Trung Quốc sẵn sàng cùng các bên tăng cường cộng đồng chung vận mệnh châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác an ninh khu vực phát triển lành mạnh và ổn định, nỗ lực cùng xây dựng khung hợp tác an ninh khu vực mở cửa, bao dung, minh bạch và bình đẳng, cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp cho an ninh khu vực châu Á  - Thái Bình Dương".

Tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu -0
Phiên thảo luận với chủ đề "Xây dựng một khu vực châu Á-Thái Bình Dương ổn định và cân bằng" trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La 2023 tại Singapore.  Ảnh: IISS.

Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Trung Quốc khẳng định, Bắc Kinh ủng hộ vai trò trung tâm và quyền tự chủ chiến lược của ASEAN. Là Đối tác Chiến lược Toàn diện của ASEAN, Trung Quốc mong muốn ASEAN đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng trong khu vực. Trung Quốc cam kết thúc đẩy hợp tác an ninh tập thể trong khu vực trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau.

Liên quan tới vấn đề Đài Loan, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc nhấn mạnh, Đài Loan là vấn đề nội bộ của Trung Quốc và nước này sẽ không ngần ngại bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Ông đồng thời cảnh báo mọi sự can thiệp của nước ngoài vào vấn đề này. Về quan hệ Mỹ- Trung, một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại Đối thoại Shangri-La năm nay, Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc cho rằng, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, chia rẽ sâu sắc về nhiều vấn đề. Theo ông Lý Thượng Phúc, xung đột với Mỹ sẽ là một "thảm họa" đối với toàn thế giới và Trung Quốc luôn tìm kiếm đối thoại thay vì đối đầu.

Ông nói: "Quan hệ Trung - Mỹ chi phối ổn định chiến lược của toàn cầu đồng thời cũng là tiêu điểm mà các nước quan tâm. Trung Quốc cho rằng, hai bên Trung Quốc và Mỹ không nên phụ sự kỳ vọng, thuận theo trào lưu của thời đại. Ý nghĩa của Quan hệ Trung - Mỹ từ lâu đã sớm vượt qua tầm song phương mà có tầm ảnh hưởng toàn cầu. Cộng đồng quốc tế đều hy vọng quan hệ Trung - Mỹ phát triển ổn định, lành mạnh. Không thể phủ nhận một điều là nếu Trung Quốc và Mỹ xảy ra xung đột, đối kháng, các bên sẽ không gánh vác được hậu quả của điều này. Trung Quốc cho rằng, nước lớn nên có phong thái của nước lớn, không chỉ vì suy nghĩ nhất thời mà phát động đối kháng, xung đột, mà nên nhìn về đại cục, tăng cường giao lưu hợp tác để giải quyết mâu thuẫn bất đồng, đáp ứng sự kỳ vọng của các nước".

Trước đó, hôm 3/6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ba nội dung trọng tâm: kêu gọi Trung Quốc quay lại bàn đàm phán quốc phòng; đưa ra các cam kết quân sự của Washington trong khu vực như một biện pháp ngăn chặn xung đột mở; và tái khẳng định cam kết hỗ trợ với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Cho rằng việc Trung Quốc từ chối tổ chức đàm phán bên lề cuộc họp ở Singapore lần này đã làm suy yếu nỗ lực duy trì hòa bình trong khu vực, ông kêu gọi Bắc Kinh tham gia đối thoại với Washington với tư cách là các nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm. "Đối với các nhà lãnh đạo quốc phòng có trách nhiệm, thời điểm thích hợp để đàm phán là bất cứ lúc nào", Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin nhấn mạnh trong bài phát biểu đưa ra tầm nhìn của Mỹ về vai trò lãnh đạo ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Bày tỏ quan ngại về việc Bắc Kinh không sẵn sàng hợp tác quốc phòng sâu hơn, ông Lloyd Austin hy vọng tình hình sẽ sớm thay đổi. Đáp lại, một quan chức quân sự cấp cao của Trung Quốc cho rằng, chính Mỹ phải chịu trách nhiệm về việc phá vỡ đối thoại khi tăng cường trừng phạt các quan chức Trung Quốc và gây bất ổn ở châu Á-Thái Bình Dương với sự hiện diện quân sự của họ.

Các quan chức Trung Quốc tại diễn đàn cho biết nước này sẽ không đàm phán với Mỹ, chừng nào Washington vẫn trừng phạt Bộ trưởng Quốc phòng Lý Thượng Phúc. Họ nói rằng bất kỳ cuộc gặp nào cũng phải được tiến hành trên cơ sở bình đẳng và việc tạo điều kiện phù hợp để cuộc gặp diễn ra là tùy thuộc vào Mỹ.

Trung tướng Cảnh Kiến Phong nói: "Mối quan hệ quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ đang gặp khó khăn và trách nhiệm hoàn toàn thuộc về phía Mỹ". Ông nhấn mạnh: "Trung Quốc coi trọng việc phát triển quan hệ quân sự Trung - Mỹ, và các tương tác và liên lạc của chúng tôi chưa bao giờ bị đình chỉ". Liên quan tới vấn đề này, Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Singapore Ng Eng Hen nhận định, cả hai cường quốc trên dường như đều mong muốn thiết lập các đường dây liên lạc cởi mở: "Chưa ai nói rằng: Tôi không muốn nói chuyện. Họ có thể nói rằng, các điều kiện tiên quyết chưa được đáp ứng, nhưng điều đó rất khác biệt".

Đối thoại Shangri-La năm nay, các quan chức quốc phòng đều nhấn mạnh sự cần thiết phải tuân thủ luật pháp quốc tế và tăng cường đối thoại, hợp tác để duy trì ổn định và an ninh ở khu vực. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Carlito Galvez Jr. cho rằng, cạnh tranh gia tăng trong khu vực đã cho thấy sự cần thiết phải duy trì trật tự dựa trên luật lệ và tăng cường đối thoại.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace cũng khẳng định: "Luật lệ áp dụng với tất cả chúng ta, bất kể người tham gia cuộc chơi có là ai và yếu tố địa lý có như thế nào. Chúng ta đều bình đẳng trước luật pháp. Việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ giúp tạo ra một sân chơi bình đẳng, bảo vệ quyền lợi cho tất cả các bên, dù đó có là quốc gia nhỏ bé nhất đang muốn bảo vệ các quyền lợi được đánh bắt cá, hay là quốc gia quyền lực nhất đang tìm kiếm thị phần lớn hơn trong hệ thống thương mại toàn cầu".

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Anita Anand kêu gọi xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ổn định và cân bằng, dựa trên các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, nơi tất cả các bên tham gia có trách nhiệm, các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình, hướng đến một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương "tự do, rộng mở và bao trùm".

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.