Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi ra tuyên bố chung về an ninh lương thực

Thứ Bảy, 17/12/2022, 09:07

Thượng đỉnh Mỹ-châu Phi ngày 15/12 đã ra tuyên bố chung về an ninh lương thực, trong đó hai bên tái khẳng định cam kết chung nhằm thực hiện an ninh lương thực châu Phi thông qua việc thiết lập một mối quan hệ đối tác chiến lược nhằm hướng dẫn và đẩy nhanh các hoạt động liên quan.

Những cam kết

Tuyên bố chung nêu rõ, khuôn khổ chiến lược này sẽ kế thừa và phát huy các nỗ lực song phương, khu vực, đa phương và phi chính phủ hiện có nhằm thúc đẩy an ninh lương thực và huy động lĩnh vực công-tư để giải quyết các nhu cầu về lương thực và phân bón tức thời trong ngắn hạn. Các nỗ lực này cũng nhằm giải quyết các nguồn cung thực phẩm bị gián đoạn và thúc đẩy đầu tư chuyển đổi trong các hệ thống lương thực bền vững trung và dài hạn.

Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi ra tuyên bố chung về an ninh lương thực -0
Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi ra tuyên bố chung về an ninh lương thực. Ảnh: AP

Mỹ và các nước châu Phi hy vọng sẽ đạt được tiến triển trong các mục tiêu ngắn hạn và phát triển một kế hoạch hành động cho các mục tiêu dài hạn hơn tại Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) vào tháng 2/2023. Tuyên bố chung nhấn mạnh tầm quan trọng của việc củng cố, bảo vệ và đẩy nhanh tiến triển nhằm đạt được an ninh lương thực cho châu Phi để tạo điều kiện cho các nước châu Phi giao thương nhiều hơn và tăng cường kết nối với các thị trường nông nghiệp quan trọng.

Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh rằng, Mỹ và AU dự định sẽ sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao, đa phương, kỹ thuật, và tài chính nhằm xây dựng các hệ thống lương thực và chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững hơn, nâng cao năng lực sản xuất nông nghiệp của châu Phi và đầu tư vào các ngành nông nghiệp bền vững hơn. Mỹ cam kết tiếp tục huy động các tổ chức tài chính quốc tế và lĩnh vực tư nhân nhằm giúp xác định và tháo gỡ các trở ngại đối với việc châu Phi tham gia hoàn toàn vào chuỗi cung ứng và thị trường lương thực và phân bón toàn cầu. Đổi lại, AU sẽ cam kết chính trị rằng các thành viên tham gia sẽ giải quyết và tháo gỡ các trở ngại đối với các khoản đầu tư tập trung cho nông nghiệp.

Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẽ thăm tiểu vùng Sahara châu Phi trong nhiệm kỳ của mình, nhấn mạnh mong muốn tăng cường quan hệ giữa Washington với châu lục này. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, tại thượng đỉnh Mỹ-châu Phi, lãnh đạo nhiều nước châu Phi đã mời ông tới thăm đất nước họ và ông sẽ thực hiện điều này trong nhiệm kỳ của mình. Ông khẳng định, với 49 nhà lãnh đạo các nước châu Phi rằng châu lục này cần “có mặt trong tất cả các cuộc đàm phán” liên quan đến những vấn đề toàn cầu.

“Tôi mong muốn được gặp các nhà lãnh đạo châu Phi trên chính đất nước của họ”, ông cho biết. Nếu diễn ra, chuyến đi sẽ là lần công du đầu tiên của ông Joe Biden đến châu Phi trong nhiệm kỳ tổng thống và cũng là chuyến thăm đầu tiên của một lãnh đạo Mỹ đến châu lục này sau một thập niên kể từ chuyến thăm của cựu Tổng thống Barack Obama hồi năm 2013.

Tổng thống Joe Biden cũng cho biết, các quan chức Mỹ bao gồm Phó Tổng thống Kamala Harris, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen, và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cũng sẽ có các chuyến thăm tới châu Phi. Trong các cuộc thảo luận với lãnh đạo các nước châu Phi ngày 15/12, Tổng thống Joe Biden cho biết ông sẽ chỉ định Đại sứ Johnnie Carson, người từng làm Đại sứ Mỹ tại Kenya, Zimbabwe và Uganda làm đại diện đặc biệt mới của Mỹ cho việc thực hiện các kết quả của thượng đỉnh Mỹ-châu Phi. Ông đồng thời công bố kế hoạch chi 2 tỷ USD để giúp tăng cường an ninh lương thực và 165 triệu USD để giúp các quốc gia châu Phi tiến hành các cuộc bầu cử hòa bình và minh bạch vào năm tới.

Trước đó trong tuần này, Tổng thống Joe Biden cũng đưa ra chi tiết cam kết về việc chi 55 tỷ USD cho chương trình của chính phủ ở châu Phi trong 3 năm tới bao gồm 350 triệu USD hỗ trợ châu Phi tham gia nền kinh tế số và 75 triệu USD nhằm củng cố quản trị minh bạch, hỗ trợ đăng ký thông tin cử tri và cải cách hiến pháp.

Mỹ sẽ là lựa chọn tốt hơn?

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris ngày 13/12 đã dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-châu Phi. Sự hiện diện của bà tại diễn đàn là một trong một loạt các sự kiện được lên kế hoạch để thể hiện sự quan tâm và cam kết của Mỹ đối với châu Phi sau nhiều năm một số quan chức than phiền Washington thiếu gắn bó với lục địa nơi đang trở thành địa điểm tranh giành ảnh hưởng giữa Mỹ và Trung Quốc. Châu Phi rất quan trọng đối với các cường quốc vì nơi đây có sự tăng trưởng dân số tăng nhanh, nguồn tài nguyên thiên nhiên đáng kể và là khối bỏ phiếu khá lớn tại Liên hợp quốc. Châu Phi vẫn mang tầm chiến lược quan trọng lớn khi Mỹ điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của mình, tập trung nhiều hơn vào Trung Quốc.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden coi Trung Quốc là đối thủ hàng đầu về kinh tế và quân sự của Mỹ. Theo hãng tin AP, mục đích của chính quyền Tổng thống Joe Biden khi tổ chức sự kiện này là thuyết phục các khách mời châu Phi rằng Mỹ là một sự lựa chọn tốt hơn. Trong khi đó, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết Washington đã cáo buộc Bắc Kinh tạo “bẫy nợ” qua việc mở rộng các khoản vay không bền vững cho những nước nghèo, đang phát triển với mục đích thu hồi các dự án được hỗ trợ vốn vay khi những nước này không thể trả nợ. Mỹ gửi tín hiệu đến các quốc gia châu Phi rằng đầu tư của Mỹ hấp dẫn hơn Trung Quốc bởi chúng minh bạch hơn.

Giáo sư Zhu Feng tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) nhận định, Mỹ đã đi sau Trung Quốc trong đầu tư vào châu Phi do vậy qua Hội nghị Thượng đỉnh, Washington muốn đóng thêm nhiều vai trò tại châu Phi. Ông Zhu Feng nhận định: “Khi quan hệ của Trung Quốc với châu Phi ngày càng gần gũi hơn, đặc biệt là qua Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Mỹ không thể ngồi yên”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.