Thủ tướng Liz Truss từ chức, chính trường Anh lại khủng hoảng

Thứ Sáu, 21/10/2022, 06:51

Sáng 20/10, trong một động thái đầy bất ngờ, nữ Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức, chỉ sau hơn một tháng đảm nhiệm chức vụ này. Chính trường Anh một lần nữa đối diện khủng hoảng, trong bối cảnh nền kinh tế nước này vẫn đang gặp phải bất ổn lớn.

Trong bài phát biểu từ chức, Thủ tướng Anh Liz Truss chia sẻ: "Tôi nhậm chức vào thời điểm kinh tế và quốc tế có nhiều bất ổn. Các gia đình và doanh nghiệp lo lắng về những khoản thanh toán hóa đơn, còn cuộc chiến của Nga ở Ukraine đe dọa an ninh cả lục địa và đất nước chúng ta bị tình trạng tăng trưởng kinh tế thấp kìm hãm quá lâu". "Tôi được Đảng Bảo thủ bầu ra với nhiệm vụ phải thay đổi điều này", bà Truss phát biểu trước Văn phòng Thủ tướng ở Số 10 Phố Downing, London.

Thủ tướng Liz Truss từ chức, chính trường Anh lại khủng hoảng -0
Nữ Thủ tướng Anh Liz Truss tuyên bố từ chức. Ảnh: Reuters

Mặc dù đã đặt ra những tầm nhìn dài hạn cùng các nỗ lực nhất thời để vực dậy nền kinh tế, song Thủ tướng Liz Truss thừa nhận, bà đã không thể hoàn thành nhiệm vụ mình được giao phó. "Do đó, tôi đã nói chuyện với Nhà vua để thông báo rằng tôi sẽ từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Tôi cũng đã gặp Chủ tịch Ủy ban năm, ngài Graham Brady, và cùng đồng ý rằng sẽ có một cuộc bầu cử lãnh đạo trong tuần tới. Điều này sẽ đảm bảo chúng tôi tiếp tục thực hiện các kế hoạch tài chính của mình và duy trì sự ổn định kinh tế và an ninh quốc gia của đất nước", nữ Thủ tướng Anh nêu rõ. Ủy ban 1922 là cơ quan giám sát việc bầu lãnh đạo Đảng Bảo thủ. Với quyết định này, bà Truss trở thành thủ tướng cầm quyền thời gian ngắn nhất trong lịch sử Anh. Theo The Guardian, bà Truss sẽ tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng tạm quyền cho tới khi nước Anh chọn được thủ tướng tiếp theo.

Tuyên bố từ chức của nữ Thủ tướng Anh được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ trưởng Nội vụ nước này Suella Braverman cho biết bà đã đệ đơn từ chức vì sử dụng email cá nhân để gửi các tài liệu chính thức tới một đồng nghiệp trong Quốc hội, vi phạm các quy tắc của chính phủ. Trong bức thư gửi Thủ tướng Liz Truss, được đăng trên mạng Twitter, bà Braverman viết: "Tôi đã phạm sai lầm, tôi xin nhận trách nhiệm; tôi xin từ chức". Bà Braverman là một trong ba bộ trưởng chủ chốt của nội các Anh, bên cạnh Bộ trưởng Tài chính và Ngoại trưởng.

Reuters nhận định, sự chia tay của bà Braverman là đòn giáng mạnh vào quyền lực của Thủ tướng Liz Truss. Đáng chú ý, trong thư từ chức, nữ quan chức này không ngại chỉ trích khả năng lãnh đạo của Thủ tướng Truss, đồng thời chỉ ra những rạn nứt sâu sắc ngay trong nội bộ Chính phủ Anh. "Tôi lo ngại về hướng đi của chính phủ này. Chúng ta không chỉ phá vỡ các cam kết đã hứa với cử tri mà tôi còn lo ngại về cam kết của Chính phủ trong việc tôn trọng các cam kết của cả một đảng", cựu Bộ trưởng Nội vụ Braverman viết, nhắm thẳng vào người đứng đầu nội các Anh.

Nhà phân tích Patrick English của YouGov nhận định, nữ Thủ tướng Truss đang phải đối mặt với mức độ không được tín nhiệm chưa từng có, sau khi gói kích thích kinh tế và chương trình cắt giảm thuế trị giá 45 tỷ được bà công bố tháng trước nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi trạng thái trì trệ bất ngờ tạo hiệu ứng ngược. Các chính sách này đã gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải can thiệp khẩn cấp và dẫn đến việc bà sa thải Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng, người mới chỉ vừa nhậm chức 38 ngày.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính mới Jeremy Hunt ngay khi vừa nhậm chức hôm 17/10 đã tuyên bố đảo ngược gần như toàn bộ chính sách mà bà Truss đã thông qua trước đây. Phát biểu trên truyền hình, ông Jeremy Hunt cho biết những thay đổi này, bao gồm việc rút lại chính sách giảm thuế và rút ngắn hộ trợ chi phí năng lượng, sẽ giúp chính phủ thu về 32 tỷ bảng Anh mỗi năm. Bất ngờ thay, những tuyên bố của tân Bộ trưởng Tài chính Anh ngay lập tức mang lại những hiệu quả tích cực, khiến thị trường tài chính Anh dần ổn định trở lại, Bloomberg nhận định.

Ông Michael Hewson, Trưởng nhóm phân tích thị trường, Công ty CMC Markets cho biết: "Các thị trường đã phản ứng tích cực với những tuyên bố của Bộ trưởng Tài chính Anh. Tôi nghĩ việc đảo ngược phần lớn các biện pháp cắt giảm thuế là dấu hiệu ổn định mà giới đầu tư đang rất cần". Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sự ổn định thị trường dù chỉ trong ngắn hạn là điều rất tích cực giữa lúc nền kinh tế Anh vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn từ tỷ lệ lạm phát cao cho tới nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Và việc không thể giải được bài toán kinh tế của Anh có lẽ chính là lý do khiến Thủ tướng Liz Truss phải rời ghế. Tuyên bố ngày 20/10 có phần bất ngờ và đi ngược lại những gì bà Truss từng khẳng định trước đó, rằng sẽ "hành động vì lợi ích quốc gia để đảm bảo rằng chúng ta có được sự ổn định kinh tế". Điều này cũng cho thấy áp lực rất lớn từ phía các nghị sĩ đối lập và từ chính nội các đã buộc bà Truss phải đưa ra quyết định này.

Ngay sau khi tuyên bố từ chức của bà Truss được đưa ra, các nhà lãnh đạo Công đảng đối lập đã kêu gọi tiến hành một cuộc tổng tuyển cử ngay lập tức. Theo Reuters, đây sẽ là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với nước Anh, khi việc lựa chọn một người thủ lĩnh "giải vây" tình thế khủng hoảng kinh tế là không hề dễ dàng, trong khi chính trường vẫn tồn tại những bất đồng rối ren. Cuộc khủng hoảng Anh sẽ đi về đâu, có lẽ chỉ khi Thủ tướng mới được bổ nhiệm, người dân và cộng đồng quốc tế mới có câu trả lời.

An Nhiên
.
.
.