Thỏa thuận hạt nhân Iran hết cách cứu vãn?
Liên minh châu Âu (EU) và Iran vẫn kì vọng có thể cứu vãn thỏa thuận hạt nhân kí năm 2015 thông qua các cuộc đàm phán, nhưng Mỹ khẳng định rất khó đạt thỏa thuận và rằng Washington không còn coi đây là chủ đề ưu tiên.
Trong thông điệp phát đi sau cuộc tiếp xúc hiếm hoi với Ngoại trưởng Iran Hossein Amirabdollahian ở Jordan bên lề Hội nghị Hợp tác và Đối tác Baghdad, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell khẳng định, khối sẽ tiếp tục liên lạc một cách cởi mở với Iran nhằm mục tiêu khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran kí năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), Reuters ngày 21/12 đưa tin. Ông Borrell nhấn mạnh thêm, việc hai bên có thể duy trì đối thoại là điều "cần thiết", dù "quan hệ Iran-EU đang xấu đi" liên quan đến cách Iran đối phó làn sóng biểu tình lan rộng từ tháng 9/2022, hay cáo buộc từ phương Tây rằng Tehran đã cung cấp vũ khí để Nga sử dụng trong chiến dịch quân sự ở Ukraine, vốn bị Nga-Iran nhiều lần bác bỏ.
Ngoại trưởng Iran Amirabdollahian cùng ngày cho hay, nước này ủng hộ việc hồi sinh JCPOA, miễn là các bên còn lại tham gia thỏa thuận có cách tiếp cận "thực tế" và tôn trọng những "giới hạn đỏ" của Iran. Bộ Ngoại giao Iran sau đó thông báo, Iran muốn hoàn tất đàm phán hạt nhân với phương Tây "dựa trên bản dự thảo là kết quả của nhiều tháng thương lượng khó khăn và chuyên sâu". Dù chưa được xác nhận, nhưng truyền thông khu vực nói đây là dự thảo thỏa thuận cứu vãn JCPOA do EU đưa ra hồi tháng 8/2022. Mỹ và Iran đã từng có một số trao đổi về văn kiện này, nhưng tiến trình đó bế tắc khi cả hai cáo buộc đối phương đòi hỏi thái quá.
Trước đó, hôm 19/12, ông Kamal Kharazi, cố vấn cấp cao của nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei cũng phát đi tín hiệu tích cực khi nêu rõ, Iran có thể trở lại tuân thủ các cam kết trong JCPOA, hãng tin Mehr của Iran dẫn lời. Theo vị quan chức, nhiều khúc mắc xung quanh JCPOA giữa Iran và phương Tây đã được tháo gỡ thông qua đối thoại. Ông nhấn mạnh, Iran có đủ năng lực chế tạo vũ khí hạt nhân nhưng chưa từng có ý định làm vậy vì muốn ngăn một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông. Ông Kharazi cũng đánh giá, vấn đề giám sát hạt nhân là vướng mắc duy nhất còn lại, đồng thời hi vọng "điểm nghẽn" này được giải quyết trong chuyến công du của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) đến Tehran. Theo kế hoạch, IAEA cử một nhóm chuyến gia đến Iran vào ngày 18/12 để xem xét 3 cơ sở được cho là có liên quan đến hoạt động hạt nhân của Iran.
JCPOA được Iran kí với các cường quốc nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức) cùng EU hồi tháng 7/2015, trong đó, Tehran hạn chế hoạt động hạt nhân để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế. Tuy nhiên, năm 2018, Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận rồi tái áp đặt trừng phạt chống Iran, còn Tehran trả đũa bằng cách từ bỏ các cam kết trong JCPOA, gồm việc làm giàu uranium ở độ tinh khiết 60%, cao gấp nhiều lần mức 3,67% mà JCPOA cho phép, khiến cộng đồng quốc tế quan ngại.
Hơn 4 năm qua, Nga, Trung Quốc và EU đã tìm nhiều cách cứu vãn JCPOA thông qua ngoại giao. Theo sáng kiến của EU, Mỹ và Iran nhất trí tham gia các cuộc đàm phán gián tiếp ở Vienna (Áo) từ tháng 4/2021 nhưng tiến trình đã đình trệ mà chưa nhất trí với thỏa thuận nào.
Mỹ hiện chưa bình luận về cuộc tiếp xúc mới nhất của Iran và EU. Hai ngày qua, trên truyền thông Mỹ lan truyền đoạn video ngắn, được cho là ghi lại cuộc trao đổi ngắn của Tổng thống Mỹ Joe Biden với đám đông bên lề một sự kiện ở California đầu tháng 11/2022, trong đó, ông Biden mô tả thỏa thuận hạt nhân Iran "đã chết", Euronews tiết lộ. Khi báo chí đề nghị bình luận về phát biểu của ông chủ Nhà Trắng, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby trả lời: "Nhận xét của Tổng thống hoàn toàn phù hợp với những gì chúng tôi đang nói về JCPOA, vốn không phải là ưu tiên của chúng tôi lúc này". "Chúng tôi không trông đợi một thỏa thuận sẽ đạt được trong tương lai gần", quan chức Mỹ nói thêm, đồng thời úp mở rằng Washington sẽ tiếp tục có những biện pháp mạnh mẽ nhằm vào Iran.
Vài tuần gần đây, viện dẫn tình hình bất ổn xung quanh các cuộc biểu tình ở Iran và cáo buộc Tehran cung cấp vũ khí cho Nga, Mỹ và EU đã ban bố một loạt biện pháp trừng phạt mới chống Iran, kéo theo các biện pháp đáp trả từ Tehran. Dù Mỹ và châu Âu có cách tiếp cận khác nhau về JCPOA, nhưng cả hai đưa ra những đòi hỏi tương đồng với Iran liên quan đến tình hình chiến sự Ukraine và vấn đề người biểu tình. Giới quan sát lo ngại, những mâu thuẫn đan cài trong quan hệ giữa Iran và phương Tây không chỉ xóa nhòa nỗ lực 18 tháng đàm phán ở Vienna mà còn có thể dẫn đến sự sụp đổ toàn diện của JCPOA, văn bản pháp lý duy nhất ngăn Iran phát triển vũ khí hạt nhân, từ đó làm gia tăng nguy cơ đụng độ ở Trung Đông với những tác động lâu dài về an ninh và kinh tế toàn cầu.