Thế giới phản ứng trái ngược trước "cơn bão" Omicron
Trong bối cảnh biến chủng mới Omicron lan nhanh và mối đe dọa từ chủng Delta còn cao, hàng loạt quốc gia đã cương quyết siết chặt các biện pháp phòng dịch, song cũng có nhiều nước quyết định chờ đợi và tiếp tục cân nhắc tình hình trước khi hành động để tránh tổn hại nền kinh tế.
Một tháng từ thời điểm những ca nhiễm Omicron đầu tiên được báo cáo ở miền Nam châu Phi, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 22/12 cho biết, biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2 đến nay đã xuất hiện ở ít nhất 106 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Theo WHO, 96% mẫu bệnh phẩm COVID-19 được giải trình tự gen toàn cầu tuần qua có sự hiện diện của chủng Delta, giảm so với tỷ lệ 99,2% của tuần trước đó. Tỷ lệ này của Omicron là 1,6%, tăng từ mức 0,4% sau 7 ngày. "Những dữ liệu mới nhất cho thấy biến chủng Omicron có lợi thế tăng trưởng so với chủng Delta và đang lây lan nhanh chóng, thậm chí ở cả những nước có tỷ lệ miễn dịch trong dân số cao", Reuters trích báo cáo của WHO nhấn mạnh.
Dữ liệu về độc lực của Omicron hiện còn hạn chế, song các nhà khoa học chỉ ra rằng, Omicron có khoảng 60 đột biến so với chủng sơ khai được phát hiện ở Vũ Hán cuối năm 2019, bao gồm nhiều đột biến giúp virus né tránh miễn dịch và lây lan nhanh hơn. "Omicron có thể làm giảm lượng kháng thể trung hòa ở người đã tiêm vaccine và người từng mắc COVID-19. Đó là dấu hiệu cho thấy chủng này có thể né một phần miễn dịch", báo cáo của WHO nhấn mạnh. Đánh giá rủi ro chung do Omicron là "rất cao", WHO cảnh báo, khi số ca nhiễm mới tăng nhanh thì chỉ với một tỷ lệ nhập viện nhỏ cũng có thể khiến hệ thống y tế tại các quốc gia một lần nữa phải đối mặt với tình trạng quá tải.
Cùng ngày, AP dẫn lời ông Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, xác nhận khu vực này tiếp tục là "điểm nóng" khi 38/53 quốc gia đã ghi nhận các ca nhiễm Omicron. "Vài tuần tới, Omicron sẽ trở thành chủng virus lây lan mạnh nhất ở nhiều quốc gia khu vực châu Âu, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải tại các nước", ông Kluge cảnh báo. "Chúng ta có thể thấy một cơn bão khác đang ập đến". Vẫn theo AP, Omicron đang lây lan nhanh nhất ở Anh, Bồ Đào Nha và Đan Mạch - quốc gia từng tự tin tuyên bố đã đẩy lùi được dịch COVID-19. Bộ Y tế Đan Mạch ngày 21/12 xác nhận thêm khoảng 13.500 ca nhiễm mới, mức cao nhất từng được ghi nhận. Giới chuyên gia y tế lo ngại nước này mới chỉ bắt đầu bước vào làn sóng dịch bệnh mới và tình hình sẽ còn xấu đi.
Trong bối cảnh thế giới đang bước vào mùa lễ hội Giáng sinh và năm mới 2022, thời điểm mọi người thường gặp gỡ hay tổ chức tiệc mừng, cộng với nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông được cho là điều kiện lý tưởng để virus phát tán, WHO gần đây kêu gọi các nước siết chặt các biện pháp phòng dịch. Hôm đầu tuần, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đề nghị người dân trên thế giới hủy bỏ một số kế hoạch cho kì nghỉ lễ cuối năm. "Một sự kiện bị hủy bỏ tốt hơn là một cuộc sống mất đi. Tất cả chúng ta đều quá mệt mỏi với đại dịch này. Ai cũng muốn dành thời gian cho bạn bè, người thân, cũng muốn trở lại một cuộc sống bình thường cả", ông Tedros nói.
Tuy vậy, phản ứng của các nước trước "cơn bão" mới mang tên Omicron vẫn còn nhiều điểm trái ngược: Trong khi một số quốc gia nhanh chóng áp đặt hạn chế nghiêm ngặt để đối phó với đà lây lan của Omicron, nhiều nước đã áp đặt các biện pháp mềm mỏng hơn hoặc lựa chọn chờ đợi, đánh giá tình hình trước khi đưa ra các hành động cứng rắn để tránh tổn hại nền kinh tế.
Mỹ, nơi có số ca nhiễm cao nhất toàn cầu, mới đây đã áp lệnh cấm nhập cảnh với người từ châu Phi. Một số thành phố đã tái thiết lập hạ tầng xét nghiệm, trong khi nhiều địa phương yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian công cộng trong nhà tới hết tháng 1/2022. Israel, quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao hàng đầu thế giới, thì đưa Mỹ cùng một loạt quốc gia vào danh sách cấm đi lại để ngăn Omicron xâm nhập. Tại châu Âu, Hà Lan trở thành quốc gia đầu tiên tái phong tỏa toàn quốc vì lo ngại số lượng giường chăm sóc đặc biệt không đủ đáp ứng. Đan Mạch hôm 20/12 thì quyết định đóng cửa rạp phim, công viên và các cơ sở công cộng ngay trước dịp lễ hội. Đức từ 21/12 ban hành lệnh buộc cách ly đối với mọi người đến từ Anh, đồng thời yêu cầu xuất trình kết quả xét nghiệm âm tính khi vào Đức. Giới chức Ireland ngày 20/12 tuyên bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm…
Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez hôm 20/12 lại thông báo rằng chính phủ sẽ chờ đợi thêm trước khi đưa ra biện pháp mới. Ông lưu ý, tỷ lệ nhập viện trong nước thấp hơn nhiều nơi ở châu Âu và vaccine vẫn có công hiệu tốt. "Dù có số ca nhiễm cao hơn, chúng ta có tỷ lệ nhập viện và cần chăm sóc đặc biệt thấp hơn năm ngoái", ông nói. Ở Pháp, dù việc bắn pháo hoa giao thừa vẫn bị cấm, song giới chức Paris cho biết sẽ không tái áp đặt phong tỏa hay lệnh giới nghiêm. "Pháp là ngoại lệ", trang nhất của báo Le Parisien viết hôm 20/12.
Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng xác nhận ông sẽ không siết chặt hạn chế COVID-19 trước thềm Giáng sinh. Đặc biệt, Australia, nơi từng có các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, vẫn tiếp tục dỡ bỏ các biện pháp hạn chế dù số ca nhiễm tăng. Thủ tướng nước này Scott Morrison ngày 22/12 nhấn mạnh chính phủ của ông thậm chí sẽ không bắt buộc người dân đeo khẩu trang và rằng việc hạn chế sự lây lan của virus là trách nhiệm của cá nhân.
Theo truyền thông quốc tế, việc các nước ban bố các biện pháp phòng dịch khác nhau đã tiếp tục ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân. Tại Liên minh châu Âu (EU), nơi đường biên giới giữa các nước rộng mở với công dân của khối, nhiều người Hà Lan vài ngày qua đã tràn qua biên giới Đức và Bỉ do họ không thể mua sắm và ăn uống trong nước vì lệnh phong tỏa, gây ra những cuộc tranh cãi không hồi kết. Với Omicron, dù biến chủng này được cho là có thể né tránh miễn dịch, song việc tiêm chủng đầy đủ vẫn giúp người nhiễm giảm nguy cơ nhập viện và tử vong.
Giới chuyên gia y tế kêu gọi các chính phủ tận dụng thời gian để gia tăng độ phủ vaccine trên toàn cầu trước khi xuất hiện thêm những biến chủng mới thậm chí còn nguy hiểm hơn Delta và Omicron.