Thăng trầm trong quan hệ của hai đối thủ hàng đầu Trung Đông

Thứ Bảy, 11/03/2023, 10:48

Iran và Arab Saudi, hai đối thủ lớn của nhau tại khu vực Trung Đông, đã nhất trí mở lại các đại sứ quán tại mỗi nước trong vòng hai tháng, một thỏa thuận đạt được tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 10/3.

Mối quan hệ đầy thăng trầm của Iran - Arab Saudi  -0
Các quan chức Iran, Arab Saudi và Trung Quốc sau cuộc đàm phán tại Bắc Kinh. Ảnh Tân Hoa Xã/AP. 

Căng thẳng giữa Iran và Arab Saudi đã có từ lâu. Sự kiện Mùa xuân Arab năm 2011 chứng kiến các phong trào phản đối hiện trạng trên khắp Trung Đông. Arab Saudi tố Iran kích động các cuộc biểu tình tại Bahrain và đã điều động 1.000 binh sĩ để ngăn chặn các cuộc biểu tình. Iran phủ nhận các cáo buộc này.

Hai nước tiếp tục căng thẳng và bất đồng chính kiến sau khi chiến sự tại Syria nổ ra năm 2011. Trong khi Iran, do người Hồi giáo Shia lãnh đạo, ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad và cho quân ủng hộ lực lượng cũng như hỗ trợ tiền để chiến đầu với phiến quân người Sunni. Arab Saudi ban đầu ủng hộ các nhóm nổi dậy dòng Sunni, sau đó đã tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu thành lập để chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo từ năm 2014.

Khi cuộc nội chiến ở Yemen bắt đầu vào năm 2015, Arab Saudi đã ủng hộ chính phủ được quốc tế công nhận tại Yemen và nhắm mục tiêu vào các thành trì của phiến quân Houthi, được cho là có liên hệ với Iran.

Vụ giẫm đạp ở Thánh địa Mecca trong cuộc hành hương Hajj thường niên vào năm 2015 càng làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Iran cáo buộc chính phủ Arab Saudi thiếu trách nhiệm trong quản lý sự kiện quan trọng nhất trong lịch Hồi giáo. Khoảng 2.000 người hành hương đã thiệt mạng trong vụ việc, hơn 400 người trong số họ là người Iran.

4 tháng sau vụ giẫm đạp tại Mecca, Riyadh đã cắt đứt quan hệ với Tehran. Arab Saudi xử tử thủ lĩnh Shia Nimr al-Nimr, một người có quan điểm chỉ trích nước này. Sự việc như giọt nước tràn ly, khiến những người biểu tình ở Tehran xông vào đại sứ quán Arab Saudi và nhà lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei, đã cảnh báo về “sự báo thù của thần linh” sau vụ hành quyết.

Tháng 11/2017, Arab Saudi đã đánh chặn một tên lửa đạn đạo bay qua Sân bay Quốc tế Riyadh. Nước này khẳng định rằng tên lửa được là của Iran và được phóng từ lãnh thổ do phiến quân Houthi nắm giữ ở Yemen.

Vào tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, một động thái được cả Arab Saudi và Israel ca ngợi. Thái tử Saudi Mohammed bin Salman đã cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình Mỹ rằng nếu Tehran sở hữu vũ khí hạt nhân, “chúng tôi sẽ có động thái tương tự trong thời gian sớm nhất”.

Một năm sau, Arab Saudi cáo buộc Iran về một loạt cuộc tấn công vào các mục tiêu tại nước này, trong đó có một cuộc vào trung tâm ngành công nghiệp dầu mỏ của đất nước, làm giảm một nửa sản lượng dầu thô của Arab Saudi trong thời gian ngắn. Iran phủ nhận có liên quan. Nhóm phiến quân Houthi của Yemen đã nhận trách nhiệm về các vụ tấn công.

Nhưng cả hai bên gần đây đã tìm cách cải thiện quan hệ. Tháng 4/2021, Iran và Arab Saudi đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ khi hai bên cắt đứt quan hệ chính thức. Thủ đô Baghdad của Iraq là chủ nhà của các cuộc đàm phán này.

Từ tháng 4-9/2022, ít nhất 4 vòng đàm phán giữa hai nước đã được tổ chức, do Iraq và Oman làm trung gian. Sau khi hai nước tổ chức vòng đàm phán thứ 5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến thăm Arab Saudi và có cuộc hội đàm với Thái tử Mohammed bin Salman.

Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đến thăm Trung Quốc hồi tháng 2/2023. Tháng 3/2023, hai nước Iran và Arab Saudi chính thức quyết định tái thiết lập quan hệ ngoại giao.

Truyền thông nhà nước Iran đã đăng hình ảnh và video của Ali Shamkhani, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran, với cố vấn an ninh quốc gia Arab Saudi Musaad bin Mohammed al-Aiban và Vương Nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Hãng thông tấn Saudi cũng đã xác nhận thông tin về thỏa thuận này, đồng thời công bố tuyên bố chung của hai nước, trong đó nhấn mạnh hai bên nhất trí tôn trọng chủ quyền quốc gia và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.

Riyadh, Tehran và Bắc Kinh “bày tỏ mong muốn thực hiện mọi nỗ lực nhằm tăng cường hòa bình và an ninh khu vực và quốc tế”, tuyên bố cho hay.

Hãng thông tấn nhà nước IRNA của Iran dẫn lời ông Shamkhani cho biết các cuộc đàm phán ở Bắc Kinh “rõ ràng, minh bạch, toàn diện và mang tính xây dựng”.

“Xóa bỏ những hiểu lầm và quan điểm hướng tới tương lai trong quan hệ giữa Tehran và Riyadh chắc chắn sẽ dẫn đến việc cải thiện sự ổn định và an ninh khu vực cũng như tăng cường hợp tác giữa các quốc gia vùng Vịnh Ba Tư và thế giới Hồi giáo để ứng phó với những thách thức hiện tại”, IRNA trích lời ông Shamkhani cho biết.

Duy Tiến (Theo Al Jazzerra)
.
.
.