Thảm họa nhân đạo giữa vòng xoáy bạo lực ở Haiti

Thứ Năm, 21/03/2024, 08:28

Ngày 20/3, truyền thông Haiti đưa tin, Ngân hàng trung ương nước này đã bị tấn công - vụ việc mới nhất trong làn sóng bạo lực đẫm máu tại quốc gia Caribe. Mặc dù đã có những giải pháp được đưa ra, song các băng nhóm tội phạm vẫn kiểm soát tới 80% thủ đô Port-au-Prince, đẩy sự an toàn của người dân vào tình thế nguy hiểm với lo ngại về một thảm họa nhân đạo.

ABC News ngày 20/3 dẫn nguồn tin các nhóm viện trợ cho biết, khoảng 1,4 triệu người dân Haiti đang trên bờ vực của nạn đói và hơn 4 triệu người cần viện trợ lương thực, với phần lớn trong số họ chỉ được cung cấp 1 bữa ăn mỗi ngày hoặc thậm chí không có gì để ăn trong vài ngày qua. Giám đốc chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (LHQ) tại Haiti Jean-Martin Bauer nhấn mạnh quốc gia châu Mỹ này đang đối mặt với nạn đói kéo dài và xảy ra hàng loạt. Trong đó, vùng Croix-des-Bouquets ở phía Đông thủ đô Port-au-Prince "có tỷ lệ suy dinh dưỡng tương đương với bất kỳ vùng chiến sự nào trên thế giới".

Thảm họa nhân đạo giữa vòng xoáy bạo lực ở Haiti -0
Tình hình bất ổn và bạo lực ngày càng gia tăng tại Haiti. Ảnh: Getty

Trên thực tế, các tổ chức quốc tế vẫn đang nỗ lực đưa thực phẩm, nước uống và vật tư y tế đến những nơi trú ẩn tạm thời, trong bối cảnh bạo lực đẫm máu vẫn đang "bóp nghẹt" cuộc sống trên khắp thủ đô Port-au-Prince và khu vực lân cận, khiến nhiều người dân mắc kẹt trong nhà của họ. Trước đó, hồi đầu tháng 3 vừa qua, khoảng gần 4.000 tù nhân tại nhà tù chính ở thủ đô Port-au-Prince đã trốn thoát sau khi nhà tù bị các nhóm vũ trang tấn công. Trong thông báo trên mạng xã hội X, Liên hiệp cảnh sát quốc gia Haiti SNPH-17 kêu gọi tất cả các nhân viên cảnh sát và quân đội có trang bị ôtô, vũ khí và đạn dược đến yểm trợ cho lực lượng an ninh tại nhà tù. Kể từ đó đến nay, hơn 200 băng nhóm được cho là vẫn tiếp tục hoạt động ở Haiti, trong đó có gần 20 băng nhóm tập trung ở Port-au-Prince và các vùng lân cận, kiểm soát 80% thủ đô.

Điều này cũng dẫn đến các vụ phạm tội nghiêm trọng tại quốc gia nghèo khó ở Tây Bán cầu này tăng ở mức cao chưa từng thấy, theo LHQ. Mới đây, hôm 19/3, các băng nhóm tội phạm đã tấn công 2 khu dân cư thượng lưu ở Port-au-Prince. Những khu dân cư này trước đây vốn khá an toàn bất chấp bạo lực băng nhóm gia tăng. Một phóng viên ảnh của hãng tin AP đã phát hiện thi thể của ít nhất 12 người nằm rải rác trên một khu phố sầm uất thuộc khu vực nêu trên. Nhà riêng của một quan chức tòa án cấp cao cũng bị băng nhóm tội phạm tấn công. Quan chức này sống sót nhờ các vệ sỹ riêng can thiệp kịp thời.

Cùng ngày, công ty điện lực Haiti thông báo 4 trạm biến áp ở thủ đô và các khu vực khác "đã bị phá hủy và hư hỏng hoàn toàn", khiến phần lớn thủ đô Port-au-Prince mất điện, bao gồm cả một bệnh viện. Băng nhóm vũ trang đã phá hoại các cơ sở này và lấy đi nhiều tài liệu, dây cáp, bộ chuyển đổi, pin và các thiết bị khác.

Trong khi đó, bạo lực cũng đã buộc Thủ tướng Ariel Henry phải tuyên bố từ chức với tư cách là người người đứng đầu chính phủ của quốc gia Caribe. Theo một quan chức Mỹ, ông Ariel Henry đã ở Puerto Rico - vùng lãnh thổ của Mỹ - vào ngày 11/3, do không thể quay trở lại Haiti sau chuyến thăm Kenya nhằm tìm kiếm hỗ trợ khi đợt bạo lực mới đây bùng phát.

Theo đề xuất của Cộng đồng Caribe (Caricom), một Hội đồng Chuyển tiếp sẽ chịu trách nhiệm bầu ra thủ tướng lâm thời và một hội đồng bộ trưởng nhằm cố gắng vạch ra một lộ trình mới cho quốc gia Caribe này. Tuy nhiên cho đến nay, những nỗ lực này vẫn đang trì trệ. Đáng chú ý, lệnh giới nghiêm ở khu vực phía Tây Port-au-Prince do Bộ trưởng Tài chính Michel Patrick Boisvert, người đang giữ chức Thủ tướng lâm thời của Haiti ký ngày 17/3 chính thức hết hạn trong đêm 20/3, khiến an ninh tại thủ đô nói riêng và trên toàn Haiti nói chung càng trở nên bất ổn hơn.

Đối diện tình trạng bạo lực gia tăng, những người dân mới đang là nạn nhân trực tiếp chịu ảnh hưởng tiêu cực. Giám đốc chương trình Lương thực thế giới của LHQ tại Haiti cho biết thêm rằng các băng đảng đang chặn các tuyến phân phối và làm tê liệt các cảng tiếp nhận viện trợ chính, trong khi các nhà kho của Tổ chức Lương thực thế giới (WFP) cũng sắp cạn kiệt ngũ cốc, đậu và dầu thực vật để tiếp tế.

Ông Boby Sander, Giám đốc tổ chức Food for the Hungry tại Haiti thông tin, tình trạng cướp bóc và tấn công liên tục vào các ngân hàng đã làm tê liệt hệ thống viện trợ và khiến các nhân viên không thể đưa thức ăn cũng như nhu yếu phẩm đến người dân. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) hôm 17/3 cũng xác nhận một container chứa các nhu yếu phẩm cho trẻ em và vật tư y tế, các vật dụng thiết yếu cho giáo dục mầm non và nhiều thiết bị khác đã bị cướp, làm tăng thêm gánh nặng cho hệ thống y tế vốn đã sụp đổ ở Haiti.

Đại diện UNICEF tại Haiti, ông Bruno Maes tuyên bố, nếu bạo lực không được chấm dứt và các kênh hậu cần thiết yếu không được mở lại, cuộc khủng hoảng y tế sẽ trở nên tồi tệ hơn nhiều tại quốc gia này. "Chúng ta đang chứng kiến một thảm họa nhân đạo và chỉ còn rất ít thời gian để đảo ngược tình hình", ông bày tỏ. Những nỗ lực của quốc tế cả trên phương diện ngoại giao và viện trợ khẩn cấp có lẽ sẽ giúp người dân Haiti trong một lộ trình ngắn hạn, nhưng việc giải bài toán bạo lực và khủng hoảng tại quốc gia này sẽ cần một nỗ lực dài hơi.

Bảo Hân
.
.
.