Thách thức của Phần Lan và Thuỵ Điển sau khi nộp đơn gia nhập NATO
Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thuỵ Điển có thể được hoàn tất trong vài tuần trước những diễn biến quân sự khó lường như hiện nay. Tuy nhiên, lịch sử gia nhập NATO cho thấy, các nước được phê duyệt nhanh nhất như Hy Lạp, hay Thổ Nhĩ Kỳ cũng phải mất gần 4 tháng vào thời điểm khối này chỉ có 12 thành viên.
Sau thời gian dài giữ vững thế trung lập, Đại sứ Phần Lan tại NATO Klaus Korhonen và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff đã nộp đơn xin gia nhập khối ngày 18/5 tại trụ sở NATO ở Brussels, Bỉ.
Gọi đây là một bước tiến lịch sử, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg nhiệt liệt hoan nghênh, đồng thời cam kết sẽ giải quyết mọi vướng mắc trong quá trình xét duyệt để đưa ra kết luận nhanh chóng đối với tư cách của hai quốc gia Bắc Âu này.
Năm bước quan trọng
Quá trình trở thành thành viên của NATO dù không được chính thức hóa và các bước có thể khác nhau tuỳ thuộc vào mức độ đáp ứng của từng nước, nhưng nhìn chung, quy trình này cần trải qua năm bước sau khi khối nhận được đơn xin gia nhập.
Thứ nhất, các chuyên gia của NATO và đại diện của từng nước thành viên sẽ gặp nhau tại trụ sở của khối ở Brussels để thảo luận về mong muốn gia nhập khối của những nước có mong muốn, nhằm đảm bảo những nước này có thể đáp ứng các nghĩa vụ và cam kết chính trị, pháp lý và quân sự với tư cách một thành viên NATO hay không.
Với trường hợp của Phần Lan và Thuỵ Điển, liên minh quân sự lớn nhất thế giới này thực hiện bước đi trên cũng trong ngày 18/5.
Theo giới chuyên gia, Phần Lan và Thuỵ Điển được cho là đều đáp ứng các yêu cầu để trở thành thành viên của NATO, bao gồm việc có một hệ thống chính trị dân chủ hoạt động dựa trên nền kinh tế thị trường, đối xử công bằng với các nhóm dân tộc thiểu số, cam kết giải quyết các xung đột một cách hòa bình, khả năng và sự sẵn sàng đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO và cam kết thực hiện các quan hệ và thể chế dân chủ-quân sự.
Thứ hai, sau khi được phê chuẩn và nhận thư mời gia nhập chính thức từ NATO, những nước muốn được kết nạp vào khối cần gửi một bức thư khác cho Tổng Thư ký NATO, cam kết việc chấp nhận các nghĩa vụ đối với liên minh.
Thứ ba, NATO cần chuẩn bị các nghị định thư gia nhập theo Hiệp ước Washington - văn kiện thành lập NATO - cho mỗi quốc gia được mời tham gia, để hiệp ước công nhận sự gia nhập của các thành viên mới. Thứ tư, chính phủ các nước thành viên NATO cần phải nhất trí phê chuẩn các nghị định thư, theo luật của quốc gia đó.
Cuối cùng, sau khi chính phủ của tất cả các nước thành viên chấp thuận, các thành viên NATO sẽ thông báo với chính phủ Mỹ - nơi lưu ký Hiệp ước Washington và Tổng Thư ký NATO sẽ mời các nước tham gia liên minh. Những nước này chính thức trở thành thành viên của khối khi quốc kỳ của họ được treo bên ngoài trụ sở NATO ở Brussels.
Toàn bộ thành viên NATO ủng hộ Phần Lan và Thuỵ Điển?
Khi một quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO, họ cần được toàn bộ 30 nước trong liên minh phê chuẩn theo nguyên tắc đồng thuận. Nếu vấp phải sự phản đối của một nước thành viên, cánh cửa vào NATO sẽ khép lại với Phần Lan và Thụy Điển. Ở thời điểm hiện nay, không phải toàn bộ thành viên NATO đều ủng hộ hai nước Bắc Âu này.
Tuần trước, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nêu quan ngại về việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, viện dẫn rằng hai nước này có lập trường không rõ ràng đối với các chiến binh người Kurd, những người bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố.
Đây là một trong những vấn đề gây căng thẳng nhất trong nội bộ NATO, bởi các nước thành viên đều coi đảng Công nhân người Kurd (PKK) là tổ chức khủng bố trên đất Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ủng hộ và cung cấp vũ khí cho dân quân người Kurd ở Syria trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, ông Erdogan không đe dọa hoàn toàn việc phủ quyết tư cách thành viên của hai nước này. Các quan chức NATO trước đó cho hay, không có quốc gia nào phản đối nghiêm trọng việc Phần Lan và Thụy Điển tham gia, dù ở nơi công cộng, ở nhà hay tại trụ sở NATO ở Brussels.
Bloomberg mới đây dẫn lời ba quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên tiết lộ, chính phủ nước này đang xem xét một số điều kiện được đưa ra để mặc cả, nhằm đổi lấy việc Ankara đồng ý cho NATO kết nạp Phần Lan và Thụy Điển.
Giới quan sát nhận định, ngoài vấn đề người Kurd, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ yêu cầu Washington gỡ bỏ lệnh cấm vận liên quan tới hợp đồng nước này mua S-400 của Nga và muốn quay lại chương trình tiêm kích tàng hình F-35 cũng như đặt mua thêm hàng chục tiêm kích F-16 và gói nâng cấp từ Mỹ.
Nhiều ý kiến cho rằng, quá trình gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển có thể được hoàn tất trong vài tuần trước những diễn biến quân sự khó lường như hiện nay. Tuy nhiên, lịch sử gia nhập NATO cho thấy, các nước được phê duyệt nhanh nhất như Hy Lạp, hay Thổ Nhĩ Kỳ vào những năm 1950 cũng phải mất gần 4 tháng và thời điểm đó khối này chỉ có 12 thành viên. Với những rào cản hiện tại, tờ Sky News tính toán rằng quá trình này có thể kéo dài trong khoảng một năm.
Được biết, Cao uỷ phụ trách An ninh và Đối ngoại châu Âu Josep Borrell đã hoan nghênh các quyết định xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thuỵ Điển. Ông Josep Borrell cũng cho biết, trên cơ sở điều 42.7 của Hiệp ước châu Âu, Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng đảm bảo an ninh cho bất cứ quốc gia thành viên nào của EU nếu bị tấn công, trong đó có cả Phần Lan và Thuỵ Điển. Trước đó, Mỹ và Anh cũng ra tuyên bố tương tự.
Về phía Nga, hôm 17/5, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, phản ứng của Nga về việc NATO kết nạp Phần Lan và Thuỵ Điển sẽ phụ thuộc vào mối đe doạ cụ thể mà NATO gây ra, đồng thời vạch rõ “lằn ranh đỏ” là không chấp nhận NATO triển khai cơ sở hạ tầng quân sự tại hai nước này.
Theo nhà phân tích chính trị Fabrice Pothier, Giám đốc chi nhánh Brussels của tổ chức Rasmussen Global, mặc dù phản đối hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO nhưng Nga đã có cách tiếp cận khá ôn hoà và nhiều khả năng chỉ trả đũa bằng các biện pháp kinh tế và kỹ thuật quân sự như dừng cung cấp điện, khí đốt hoặc tăng cường quân đội tại khu vực biên giới.