Tại sao Mỹ duy trì hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương?
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin chỉ ra rằng, bất chấp những cuộc xung đột ở châu Âu và Trung Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là khu vực ưu tiên của Washington. Ông nêu rõ: “Mỹ chỉ có thể được an toàn nếu châu Á được an toàn. Đó là lý do vì sao Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện ở khu vực này”.
Hội nghị Thượng đỉnh quốc phòng hàng đầu châu Á - Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 ngày 31/5 đã chính thức khai mạc tại Singapore và kéo dài đến hết ngày 2/6. Sự kiện quan trọng về an ninh khu vực này thu hút sự tham dự của khoảng 600 đại biểu từ gần 50 quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ, lãnh đạo, quan chức và chuyên gia quốc phòng.
Các phiên họp toàn thể của Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 đã bắt đầu vào sáng 1/6 bằng bài phát biểu của ông Lloyd Austin, trong đó người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nêu bật những tiến triển đạt được trong việc tăng cường an ninh, ổn định và tương lai của khu vực. Ông khẳng định cam kết của Washington đối với sự tăng trưởng và thịnh vượng của khu vực, đồng thời nhấn mạnh nhu cầu hợp tác trong việc giải quyết các thách thức an ninh và đầu tư vào các năng lực thúc đẩy an ninh và ổn định lâu dài.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Lloyd Austin nêu bật chiến lược hội tụ mới của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo đó tập hợp các quốc gia xung quanh các nguyên tắc và giá trị chung để đối phó với các mối đe dọa và thách thức, từ biến đổi khí hậu đến bóng ma của bệnh dịch, từ mối nguy hiểm hạt nhân đến chủ nghĩa khủng bố và bất ổn ở Trung Đông...
Ông nêu rõ: “Bất chấp những cuộc xung đột ở châu Âu và Trung Đông, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là khu vực ưu tiên của chúng tôi. Những gì xảy ra ở châu Âu và Trung Đông cũng quan trọng đối với khu vực này. Những hành động mà chúng ta cùng nhau thực hiện ở đây sẽ tiếp tục định hình thế kỷ 21 cho toàn thế giới. Việc bảo vệ, an ninh và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vẫn là nguyên tắc tổ chức cốt lõi trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ. Hãy để tôi nói rõ rằng, Mỹ chỉ có thể được an toàn nếu châu Á được an toàn. Đó là lý do vì sao Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện ở khu vực này”.
Trong bài phát biểu, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết các tranh chấp bất đồng giữa các nước trong khu vực thông qua giải pháp ngoại giao, hòa bình. Đề cập đến cuộc gặp đầu tiên với người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân trước đó một ngày bên lề Đối thoại, ông khẳng định hai bên đã có cuộc trao đổi thẳng thắn và quan trọng. Theo ông, việc duy trì liên lạc quốc phòng giữa các quốc gia sẽ giúp các bên tránh những hiểu lầm và tính toán sai lầm.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Tôi đã nói nhiều lần rằng, những gì chúng tôi tìm kiếm và đang có trong mối quan hệ với Trung Quốc là mối quan hệ dựa trên sự cạnh tranh. Chúng tôi không tìm kiếm một mối quan hệ gây tranh cãi. Nếu hai bên có một cuộc đối thoại cởi mở, chúng tôi có thể giải quyết những vấn đề khác biệt đó. Hôm qua, chúng tôi đã có cơ hội đó. Tôi mong muốn được làm điều đó trong tương lai”.
Bên cạnh đó, ông cũng đề cập tới những hợp tác đang có với các đối tác trong khu vực, bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Australia, các nước ASEAN thời gian gần đây. Liên quan đến những căng thẳng ở Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định, Washington đang nỗ lực để căng thẳng ở biển Đông không vượt khỏi tầm kiểm soát và sẽ tiếp tục đóng một vai trò quan trọng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do và rộng mở”, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả các quốc gia khu vực cùng phát triển.
Bộ trưởng Lloyd Austin nhấn mạnh đến Đạo luật CHIPS và Khoa học, được Tổng thống Joe Biden ký năm 2022, và coi đó là định nghĩa về một kỷ nguyên an ninh mới ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo ông, mô hình “trung tâm và nan hoa” cho an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương giờ đây sẽ được thay thế bằng “sự hội tụ mới” của “tập hợp các sáng kiến và thể chế chồng chéo và bổ sung cho nhau, được thúc đẩy bởi một tầm nhìn chung và ý thức chung về nghĩa vụ chung”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế, cởi mở, minh bạch và trách nhiệm giải trình, phẩm giá bình đẳng cho mọi người và giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đối thoại.
Trước đó, tối 31/5, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. đã trở thành nguyên thủ quốc gia Philippines đầu tiên phát biểu khai mạc tại Đối thoại Shangri-La. Bài phát biểu của ông bao trùm nhiều vấn đề, nêu bật những thách thức đối với an ninh của khu vực ASEAN và thế giới nhìn từ quan điểm của Philippines. Trong bài phát biểu, Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. nêu lập trường của Chính phủ Philippines về việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong khu vực, trong đó có việc tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, coi đây là vấn đề không thể tách rời trong lĩnh vực quốc tế. Ông nhấn mạnh lợi ích chung của các quốc gia tuân thủ luật pháp và hướng tới hòa bình là tiếp tục đối thoại với sự tôn trọng lẫn nhau và cởi mở để tìm ra cách tốt nhất nhằm duy trì một trật tự an toàn, an ninh và thịnh vượng dựa trên luật lệ.
Tổng thống Philippines cũng nhấn mạnh vai trò của Mỹ là “rất quan trọng đối với hòa bình khu vực” ở Đông Nam Á. Theo Tiến sĩ Bastian Giegerich - Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS), Tổng thống Ferdinand R. Marcos Jr. được ghi nhận vì đã nâng cao những đóng góp của Philippines cho sự ổn định và an ninh khu vực, và những nỗ lực của ông đã “mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược của Philippines trên khắp Châu Á - Thái Bình Dương và xa hơn nữa trong thời điểm bất ổn địa chính trị”.
Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức thường niên và là nơi lãnh đạo quốc phòng các nước thảo luận về những thách thức an ninh cấp bách nhất của khu vực, tham gia các cuộc đàm phán song phương quan trọng và cùng nhau đưa ra những cách tiếp cận mới.