Sri Lanka chật vật vì xăng: Lo ngại khủng hoảng "chồng" khủng hoảng?
Các nhân viên y tế Sri Lanka đã lên kế hoạch biểu tình trong ngày 29/6, theo Reuters, nhằm yêu cầu chính phủ giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu trầm trọng - hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất đất nước Nam Á này trong nhiều thập kỷ.
Những "kịch bản" không khả thi
Hôm 28/6, chính phủ Sri Lanka tuyên bố chỉ còn đủ nhiên liệu để hoạt động trong khoảng một tuần, đồng thời ra lệnh ngừng bán mọi nhiên liệu và hạn chế nguồn cung cấp nhiên liệu cho các dịch vụ thiết yếu như xe lửa, xe buýt và thậm chí là ngành y tế trong hai tuần tới.
Động thái này vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của lực lượng y bác sĩ và nhân viên y tế Sri Lanka, những người làm trong lĩnh vực thiết yếu nhưng vẫn phải chật vật chắt bóp nhiên liệu.
“Đây là một kịch bản bất khả thi, chính phủ phải đưa ra giải pháp cho chúng tôi”, H. M. Mediwatta, thư ký của một trong những công đoàn điều dưỡng lớn nhất Sri Lanka, All Island Nurses Union, nói.
Theo Mediwatta, các nhân viên y tế thường sẽ có một mã thông báo đặc biệt để được ưu tiên mua nhiên liệu tại các trạm xăng, song giờ các mã thông báo này không còn tác dụng. "Ngay cả khi có mã đặc cách, chúng tôi vẫn không được ưu tiên bơm xăng", nhân viên y tế này cho biết.
Cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất của Sri Lanka kể từ năm 1948 xảy ra sau khi đại dịch COVID-19 "hạ gục" nền kinh tế phụ thuộc phần lớn vào du lịch, Reuters nhận định. Giá dầu tăng, cắt giảm thuế cùng lệnh cấm nhập khẩu phân bón hóa học kéo dài 7 tháng đã tàn phá ngành nông nghiệp nước này.
Trong khi đó, quốc đảo này gần như cạn kiện nguồn dự trữ ngoại hối để chi trả ngay cho những mặt hàng nhập khẩu thiết yếu nhất, gồm thực phẩm, thuốc men và xăng dầu, và quốc gia này đang kêu gọi các khoản tài trợ quốc tế.
Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo
Những gì đang xảy ra ở quốc đảo 22 triệu dân Nam Á này còn tồi tệ hơn các cuộc khủng hoảng tài chính thường thấy ở các nước đang phát triển: đó là sự suy sụp hoàn toàn về kinh tế khiến người dân bình thường phải vật lộn để mua thực phẩm, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, đồng thời gây ra bất ổn chính trị và bạo lực.
AP dẫn lời Scott Morris, một thành viên cấp cao tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu ở Washington, cho biết: “Những gì diễn ra tại Sri Lanka thực sự đang nhanh chóng chuyển sang một cuộc khủng hoảng nhân đạo". Liên Hiệp Quốc cũng nhận định Sri Lanka có nguy cơ xảy ra tình trạng khẩn cấp nhân đạo toàn diện.
Theo AP, người dân Sri Lanka đã phải xếp hàng chờ đợi nhiều ngày để mua được gas và xăng, với những dòng người xếp hàng dài tới hơn 2km.
"Tôi quá chán nản và kiệt sức. Tôi không biết còn phải xếp hàng thế này trong bao lao", bà mẹ hai con Chamila Nilanthi chia sẻ sau khi xếp hàng 3 ngày để lấy dầu hỏa ở thị trấn Gampaha, phía đông bắc thủ đô Colombo. Hai tuần trước đó, cô cũng đã dành ba ngày để xếp hàng mua gas, nhưng chẳng mua được gì cả.
Còn với tài xế Madhura Chinthaka, việc không thể mua được bất kỳ nhiên liệu nào khiến anh bế tắc, khi anh là chỗ dựa kinh tế duy nhất của cả gia đình, nhưng nghề taxi không được coi là dịch vụ thiết yếu. "Các con tôi không đi học, và tôi cũng đã không làm việc trong nhiều ngày. Tôi chưa từng nghĩ tình cảnh này sẽ đến", anh nói với EFE.
Theo số liệu của chính phủ, lạm phát giá lương thực tại Sri Lanka đang ở mức 57% và 70% hộ gia đình Sri Lanka được UNICEF khảo sát vào tháng trước cho biết đã phải cắt giảm tiêu thụ thực phẩm. Nhiều gia đình trông chờ việc phát gạo của chính phủ và sự đóng góp của các tổ chức từ thiện.
Đối đầu hay đối thoại?
Những người dân Sri Lanka tức giận vì tình trạng thiếu nhiên liệu đã tổ chức các cuộc biểu tình, chặn đường và đối đầu với cảnh sát. Các cuộc biểu tình quy mô lớn liên tục lan rộng tại Sri Lanka hồi tháng trước, với đỉnh điểm là việc Thủ tướng Sri Lanka Rajapaksa từ chức vào đầu tháng 5 sau các vụ đụng độ giữa phe ủng hộ và chống chính phủ khiến hai người chết, 139 người bị thương.
Trong một nỗ lực tháo gỡ khủng hoảng, Bộ trưởng Điện lực và Năng lượng Sri Lanka Kanchana Wijesekera hôm 28/6 đã có cuộc đối thoại với Bộ trưởng Năng lượng Qatar Saad Sherida Al-Kaabi để thương lượng các vấn đề về năng lượng cũng như đề nghị đảm bảo nhiên liệu.
Ông Kanchana Wijesekera cũng cho biết nước này sẽ cho phép các công ty từ các nước sản xuất dầu mỏ nhập khẩu và bán lẻ nhiên liệu tại Sri Lanka, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu xăng dầu đang khiến cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng hơn.
Theo Đại sứ Mỹ tại Sri Lanka Julie Chung, Mỹ cũng cam kết gửi thêm khoản viện trợ trị giá 20 triệu USD như một phần trong cam kết về “an ninh lương thực, sức khỏe cộng đồng và phúc lợi kinh tế của tất cả người dân Sri Lanka”.
Tuy nhiên, Công ty đầu tư Asia Securities cho biết, tình trạng thiếu nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác, cùng với việc dự trữ ngày càng cạn kiệt sẽ vẫn là những lo ngại chính mà chính phủ Sri Lanka phải đối mặt trong nửa cuối năm nay.