Sau 20 năm chiến tranh, tương lai nào đang chờ đợi Afghanistan?

Thứ Hai, 16/08/2021, 21:40

Sau 2 thập kỷ chiến tranh, Afghanistan trở thành cuộc chiến “hao người tốn của” nhất cho cả Mỹ và các đồng minh, đồng thời khiến quốc gia Tây Nam Á này chìm trong bất ổn. Liệu hòa bình và ổn định cho Afghanistan có thể được thiết lập lại sau khi Taliban lên nắm quyền?

20 năm trong “vũng sình” chiến tranh

Ngày 11/9/2001, 19 tên không tặc thuộc nhóm khủng bố Hồi giáo Al-Qaeda do Osama bin Laden cầm đầu đã chiếm quyền điều khiển của 4 máy bay thương mại cỡ lớn lao thẳng vào tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới tại thành phố New York và Lầu Năm Góc tại Washington. Thảm hoạ kinh hoàng này đã khiến 2.996 người thiệt mạng, gần 10.000 người bị thương và là vụ tấn công đẫm máu nhất do thế lực bên ngoài gây ra tại Mỹ.

Sau 20 năm chiến tranh, tương lai nào đang chờ đợi Afghanistan? -0
 Khói lửa bao trùm tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại thế giới. (Ảnh: Reuters).

Vài tuần sau đó, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush thông báo, tiến hành mang quân sang chiến đấu ở Afghanistan, thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào nhóm khủng bố Al-Qaeda và lật đổ chính quyền Taliban, lực lượng chính trị và quân sự Hồi giáo điều hành quốc gia này, mở đầu là chiến dịch Tự do Bền vững được bắt đầu ngày 7/10/2001 với các đợt ném bom vào các lực lượng của Taliban.

“Những hành động được nhắm mục tiêu cẩn thận này được thiết lập để ngăn chặn việc sử dụng Afghanistan làm căn cứ hoạt động của bọn khủng bố và tấn công khả năng quân sự của chế độ Taliban”, Tổng thống W.Bush nói, đồng thời cho biết Taliban đã từ chối yêu cầu của ông về việc giao nộp người cầm đầu Osama bin Laden. Khi đó, tổng thống W.Bush cũng cảnh báo rằng Chiến dịch Tự do Bền vững sẽ là “một trận chiến dài hơi” và “không giống bất kỳ chiến dịch nào của Mỹ trước đó”.

Đến tháng 12/2001, thủ lĩnh Al-Qaeda Osama bin Laden cùng các chỉ huy hàng đầu khác đã bị truy lùng gắt gao và phải lẩn trốn ở Pakistan. Tại Afghanistan, quân đội Mỹ khi đó nhanh chóng lật đổ chính phủ Taliban và ông Hamid Karzai được chỉ định làm người đứng đầu chính quyền mới.

Tháng 3/2002, các đơn vị quân đội Mỹ và Afghanistan đã tiến hành Chiến dịch Anaconda. Hơn 800 tay súng Taliban và Al Qaeda đã bị đánh bật khỏi Thung lũng Shah-i-Kot trong chiến dịch này.

Tháng 5/2003, Tổng thống Mỹ George W. Bush tuyên bố “nhiệm vụ đã hoàn thành” ở Iraq.

Sau khi lật đổ Taliban, Mỹ và NATO đã xoay trục và chi hàng tỷ USD để nỗ lực tái thiết một Afghanistan nghèo đói và bị tàn phá bởi hai thập kỷ chiến tranh.

Họ đã có những thành công ban đầu: Một chính phủ thân phương Tây đã được thành lập. Trường học mới, bệnh viện và các cơ sở công cộng được xây dựng. Từng bị cấm đi học dưới thời Taliban, hàng nghìn trẻ em gái đã có thể đến trường. Những người phụ nữ cũng đã được đi học đại học, được tham gia lao động và phục vụ trong quốc hội và chính phủ. Các hạn chế báo chí đã dần được nới lỏng và phương tiện truyền thông đa dạng.

Thế nhưng tình trạng tham nhũng lại nổi cộm trong thời gian này, với hàng trăm triệu USD tiền tái thiết và tiền đầu tư bị đánh cắp hoặc chiếm đoạt. Chính phủ tỏ ra không thể đáp ứng được những nhu cầu cơ bản nhất của công dân. Năm 2003, sau khi triển khai 8.000 binh lính ở Afghanistan, Mỹ bắt đầu chuyển nguồn lực chiến đấu sang cuộc chiến ở Iraq.

Taliban đã khôi phục khả năng chiến đấu của mình, bất chấp các cuộc tấn công đều đặn của quân đội Mỹ và NATO. Trong bối cảnh Taliban gia tăng mối đe dọa quân, Tổng thống Barack Obama đã triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ tới Afghanistan, nâng quân số lên gần 100.000 người vào giữa năm 2010. Tuy nhiên, Taliban không ngừng lớn mạnh, gây thương vong nặng nề cho lực lượng an ninh Afghanistan bất chấp sự hỗ trợ và các cuộc không kích của Mỹ.

Vào tháng 5/2011, đặc nhiệm SEAL thuộc Hải quân Mỹ đã tiêu diệt Osama bin Laden trong một khu nhà ở Abbottabad, Pakistan, đánh dấu một bước ngoặt trong cuộc chiến ở Afghanistan. Tổng thống Obama đã ca ngợi chiến thắng này như “một thành quả quan trọng nhất trong nỗ lực của Mỹ chống lại Al-Qaeda”. Một tháng sau đó, ông Obama tuyên bố sẽ bắt đầu đưa lực lượng Mỹ về nước và giao trách nhiệm đảm bảo an ninh cho người Afghanistan vào năm 2014.

Sau 20 năm chiến tranh, tương lai nào đang chờ đợi Afghanistan? -0
 Trùm khủng bố Osama bin Laden. (Ảnh: RT).

Khi đó, Lầu Năm Góc kết luận rằng, cuộc chiến tại Afghanistan rất khó giành thắng lợi về mặt quân sự và chỉ có một giải pháp đàm phán mới có thể chấm dứt xung đột. Khi cuộc chiến đi vào bế tắc, ông Obama đã kết thúc các hoạt động tác chiến lớn vào ngày 31/12/2014 và chuyển sang huấn luyện và hỗ trợ lực lượng an ninh Afghanistan.

Vào tháng 2/2020, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một thỏa thuận với Taliban, theo đó tất cả các lực lượng Mỹ sẽ rời khỏi Afghanistan trước ngày 1/5/2021. Đổi lại, Taliban cam kết cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố như Al-Qaeda và tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, giảm bạo lực và đàm phán với chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.

Thế nhưng, thỏa thuận trên không bao gồm các điều khoản nghiêm ngặt để buộc Taliban thực hiện cam kết của mình, cộng với việc chính phủ Afghanistan bị “đứng ngoài” trong thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban. Bên cạnh đó, chính quyền Trump cũng gây áp lực buộc Tổng thống Ghani phải thả 5.500 tù nhân Taliban trong khi nhận về ít quyền lợi, tất cả đã khiến quan hệ giữa chính phủ Afghanistan với Mỹ trở nên căng thẳng.

Những mục tiêu chính của thỏa thuận năm 2020 là để các nhà lãnh đạo Afghanistan và Taliban đàm phán về lộ trình chính trị cho một chính phủ và hiến pháp mới, giảm bạo lực và cuối cùng là tạo ra một lệnh ngừng bắn lâu dài. Tuy nhiên, chính phủ Afghanistan cáo buộc Taliban ám sát các quan chức chính phủ và thành viên lực lượng an ninh.

Lợi dụng việc Mỹ rút quân để củng cố sức mạnh trên chiến trường, Taliban đã duy trì thế thượng phong trong các cuộc đàm phán với chính phủ Afghanistan, tại Doha, Qatar, nhưng sau đó đã bị đình trệ.

Lầu Năm Góc cho biết, Taliban không thực hiện các cam kết giảm bạo lực hoặc cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố. Chính quyền Biden cho biết, tiếp tục ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình, nhưng Taliban không nói rõ sẽ đồng ý với một chính phủ chia sẻ quyền lực, mà thay vào đó lại thể hiện tham vọng “độc quyền quyền lực”.

Quyết định rút quân cương quyết của Tổng thống Joe Biden

Khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, ông lên kế hoạch chấm dứt sự can dự của Mỹ vào cuộc chiến nhưng trì hoãn việc rút quân.

Ban đầu, ông Biden cho biết, sẽ rút toàn bộ lực lượng Mỹ trước ngày 11/9/2021, đúng dịp kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9. Sau đó, ông đổi ngày rút quân thành ngày 31/8. Quân đội Mỹ bắt đầu rút khỏi Afghanistan theo thỏa thuận từ ngày 1/5/2021. Cho tới ngày đó, chính phủ Afghanistan còn đang kiểm soát toàn bộ 34 thủ phủ cấp tỉnh, và Taliban chưa chiếm được thủ phủ nào.

Chỉ trong vòng một tuần qua, Taliban đã chiếm được một loạt thành phố lớn mà không tốn nhiều công giao tranh. Tới hôm 15/8, Taliban đã nắm quyền kiểm soát thủ đô Kabul của Afghanistan và tiến vào dinh tổng thống nước này, sau khi tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước sang Uzbekistan.

Sau 20 năm chiến tranh, tương lai nào đang chờ đợi Afghanistan? -0
 Chỉ trong vòng một tuần qua, Taliban đã chiếm được một loạt thành phố lớn và thủ đô Kabul mà không tốn nhiều công giao tranh. (Ảnh: Reuters).

Nói về nguyên nhân Tổng thống Joe Biden cương quyết rút quân khỏi quốc gia Tây Nam Á này, tờ New York Times tiết lộ, Lầu Năm Góc đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng đối với ông Biden ngay cả trước khi ông nhậm chức về khả năng Taliban đánh bại quân đội Afghanistan. Tuy nhiên tình báo Mỹ lại “xem nhẹ” những khả năng khi cho rằng nó chỉ có thể xảy ra trong 18 tháng chứ không phải vài tuần.

Bên cạnh đó, quân đội Afghanistan còn đang gặp phải một loạt vấn đề như tham nhũng sâu sắc, chính phủ không trả lương cho nhiều binh sỹ và cảnh sát Afghanistan trong nhiều tháng, tình trạng đào ngũ, những người lính được đưa ra mặt trận mà không có đủ thức ăn và nước uống. Mỹ nắm rõ điều này và các trợ lý của ông Biden nói rằng, sự tồn tại dai dẳng của chúng đã không thể chống đỡ cho Afghanistan. Theo ông Biden, sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ chỉ làm chính phủ Afghanistan càng phụ thuộc Washington.

Tổng thống nói với nhóm an ninh quốc gia của mình, bao gồm Ngoại trưởng Antony J. Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan rằng, bất kể Mỹ làm gì, Afghanistan gần như chắc chắn sẽ rơi vào một cuộc nội chiến khác.

Tương lai nào cho Afghanistan dưới thời Taliban?

Taliban từng nổi tiếng về sự tàn bạo và hà khắc trong việc áp đặt luật Hồi giáo trong 5 năm cầm quyền ở Afghanistan cho đến khi bị lật đổ vào năm 2001.

Giới chuyên gia nhận định, sau khi khôi phục lại quyền lực, Taliban sẽ khiến Afghanistan trở thành một điểm nóng về vấn đề nhân quyền. 

Sau 20 năm chiến tranh, tương lai nào đang chờ đợi Afghanistan? -0
 Người dân Afghanistan lo sợ nhiều quyền cơ bản sẽ bị tước đoạt dưới sự kiểm soát của Taliban. (Ảnh: UN News).

Husain Haqqani, cựu đại sứ Pakistan tại Mỹ nói rằng, không có gì để đảm bảo chính phủ mới do Taliban nắm quyền sẽ không gây ra các vấn đề nhân đạo khác. 

Ronald Neumann, cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan trong chính quyền của Tổng thống George W. Bush, nhận định “có lẽ là hàng trăm nghìn người Afghanistan” tin vào Mỹ đang đột nhiên thấy mình là mục tiêu trong các cuộc trả đũa của Taliban. “Những người này đã bị ám sát trong nhiều năm qua”, ông nói.

Bên cạnh đó, Taliban một lần nữa có thể biến Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ cực đoan. Các chuyên gia nhận định, sau sự kiện 11/9 và , không có gì đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không một lần nữa trở thành nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố - những kẻ có ý định gây tổn hại cho Mỹ hoặc các cường quốc khác.

Ghulam Isaczai, đại diện của Afghanistan tại Liên Hợp Quốc, đưa ra một cảnh báo tương tự vào tuần trước, nói rằng “Taliban được mạng lưới khủng bố xuyên quốc gia hỗ trợ trong các hành động man rợ có chủ ý”.

Một Afghanistan do Taliban nắm quyền có thể gây bất ổn cho Pakistan. Cơ quan Tình báo liên quân Pakistan (ISI) được nhiều người cho là đã hỗ trợ Taliban trước khi nhóm lên nắm quyền ở Afghanistan vào năm 1996. Đặc biệt, quân đội Pakistan từ lâu đã coi Afghanistan như “một bức tường thành cần thiết" để chống lại đối thủ truyền thống của họ là Ấn Độ.

Tuy nhiên, biên giới lỏng lẻo giữa Pakistan với Afghanistan đã mang lại nhiều rắc rối. Trong nhiều năm, Pakistan đã giam giữ hàng chục nghìn người tị nạn Afghanistan trong các trại biên giới như Jalozai, gây căng thẳng về tài chính và chính trị cho chính quyền nước này.

Taliban ở Afghanistan đã truyền cảm hứng cho Tehrik-i-Taliban Pakistan, thường được gọi là Taliban Pakistan, song nhà lãnh đạo của hai nhóm được cho là mâu thuẫn và không có chung mục tiêu. Thế nhưng, dù có khác biệt, nếu Taliban nắm quyền tại Afghanistan thì chắc chắc điều này sẽ gia tăng thanh thế cho Taliban Pakistan, Madiha Afzal, chuyên gia chính sách đối ngoại tại Viện Brookings nhận định.

Haqqani, giám đốc khu vực Nam Á và Trung Á tại Viện Hudson, cho rằng “Chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã chia rẽ xã hội Pakistan và việc Taliban nắm quyền tại Afghanistan sẽ càng tăng sức mạnh cho những kẻ cực đoan tại Pakistan. “Trò chơi mạo hiểm mà Pakistan thực hiện khi vừa hỗ trợ Taliban, vừa cố gắng duy trì quan hệ tốt với Mỹ sẽ không bền vững về lâu dài”, ông nói.

Sau khi Taliban lên nắm quyền tại Afghanistan, giới phân tích cũng lo ngại việc Trung Quốc có thể giành được chỗ đứng trong khu vực. Trong những tuần gần đây, các nhà lãnh đạo Taliban đã tăng cường tìm kiếm đồng minh và gây ảnh hưởng ở nước ngoài, và những nỗ lực này đang dần có hiệu quả.

Thời gian qua, các thủ lĩnh hàng đầu của Taliban đã tới thăm Iran, Nga và Trung Quốc. Trung Quốc được cho là đã cam kết đầu tư lớn vào các dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng, bao gồm việc xây dựng mạng lưới đường bộ ở Afghanistan, đồng thời cũng đang để mắt đến các mỏ đất hiếm lớn và chưa được khai thác tại đây.

Sau 20 năm chiến tranh, tương lai nào đang chờ đợi Afghanistan? -0
 Người đồng sáng lập Taliban Mullah Abdul Ghani Baradar và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong cuộc gặp hôm 28/7. (Ảnh: Xinhua).

Trong một diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 16/8 khẳng định, Bắc Kinh tôn trọng sự lựa chọn của người dân Afghanistan và sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ tốt đẹp với quốc gia này. “Trung Quốc tôn trọng quyền tự quyết của người dân Afghanistan đối với vận mệnh và tương lai của mình, sẵn sàng tiếp tục phát triển quan hệ láng giềng tốt đẹp và hữu nghị với Afghanistan, cũng như đóng vai trò xây dựng trong hòa bình và tái thiết ở Afghanistan”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh.

Laurel Miller, giám đốc chương trình khu vực châu Á của Nhóm Khủng hoảng Quốc tế cho rằng Taliban đang “thực hiện một chiến dịch để đảm bảo tính hợp pháp trong mắt các nước tại khu vực và có thể là các nước ở Vịnh Ba Tư”.

Đầu tuần trước, đặc phái viên Mỹ phụ trách tiến trình hòa giải ở Afghanistan Zalmay Khalilzad cho biết, Mỹ sẽ không công nhận một chính phủ Taliban lên nắm quyền thông qua vũ lực.

Chuyên gia Miller nhận định để tránh nguy cơ bị Mỹ và đồng minh cô lập, Taliban có thể nỗ lực xích lại gần các quốc gia khác.

Theo Wall Street Journal, “Taliban coi Trung Quốc có thể giúp họ được quốc tế thừa nhận, là nước hỗ trợ kinh tế tiềm năng và là phương tiện gây ảnh hưởng đối với Pakistan, quốc gia từng hỗ trợ nhóm này”. Trong khi đó, Taliban có thể đang đẩy Trung Quốc và Nga xích lại gần nhau hơn khi hai nước tìm cách thiết lập hàng rào chống lại nguy cơ bất ổn ở Afghanistan.

Hồ Thiên (Tổng hợp)
.
.
.