Quốc gia nào sẽ đứng ra bảo vệ Ukraine?

Thứ Năm, 24/02/2022, 07:04

NATO phớt lờ yêu cầu của Nga xung quanh Ukraine, nhưng cũng không có kế hoạch kết nạp Kiev làm một thành viên của liên minh, đẩy quốc gia Đông Âu này vào cảnh có rất ít lựa chọn để ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay.

Lệnh trừng phạt “cầm chừng”

Đúng như dự báo của các bên, hai ngày sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kí sắc lệnh công nhận hai nước cộng hòa ly khai tự xưng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR), Mỹ cùng các nước đồng minh phương Tây đã ban bố loạt lệnh trừng phạt đầu tiên nhắm vào phe ly khai Đông Ukraine cũng như các thực thể và cá nhân người Nga.

Ai sẽ bảo vệ Ukraine trước nước Nga của ông Putin? -0
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters

Theo CNN, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 23/2 thông báo Mỹ sẽ trừng phạt hai ngân hàng của Nga là VEB và ngân hàng quân đội Nga Promsvyazbank. Ngoài ra, các nhân vật nổi tiếng như Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang Alexander Bortnikov, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Promsvyazbank Petr Fradkov và gia đình của họ cũng bị đưa vào danh sách đen.

Cùng ngày, Anh nhắm mục tiêu vào 3 tỷ phú và 5 ngân hàng Nga, gồm hai cái tên nổi bật nhất là ngân hàng Rossiya và Promsvyazbank. Australia, Canada, Nhật Bản ban hành lệnh cấm đi lại và trừng phạt tài chính đối với một số cá nhân, thực thể Nga. Từ Brussels, Liên minh châu Âu (EU) thông báo đưa hơn 300 nghị sĩ, nhiều chính trị gia Nga vào danh sách bị đóng băng tài sản ở châu Âu, đồng thời cấm nhà đầu tư EU giao dịch trái phiếu nhà nước Nga.

Trong số các động thái khác từ phương Tây, giới truyền thông đặc biệt chú ý đến việc Đức tuyên bố dừng phê duyệt dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc - Nord Stream 2 đưa khí đốt từ Nga đến Đức. Đây là dự án tiêu tốn hàng chục tỷ USD của các bên và từ lâu gây tranh cãi ở phương Tây do Đức muốn hoàn thành nó, còn Mỹ nhất quyết phản đối.

Ai sẽ bảo vệ Ukraine trước nước Nga của ông Putin? -0
Nord Stream 2 bị Đức đình chỉ việc phê duyệt. Ảnh: Getty Images

Dù Mỹ và đồng minh lặp lại thông điệp là các biện pháp trừng phạt mới áp đặt sẽ khiến Nga gặp thiệt hại nặng nề, giới chuyên gia vẫn đánh giá các gói lệnh trên mới ở mức độ “cầm chừng” và mang tính biểu tượng, bởi phương Tây hiểu rằng các biện pháp trừng phạt luôn là con dao hai lưỡi. Chúng gây tổn thương Nga nhưng cũng khiến phương Tây chịu thiệt hại, buộc họ phải cân nhắc cẩn trọng trước khi áp đặt.

Ví dụ, theo AFP, Mỹ đã trì hoãn việc loại Nga khỏi hệ thống giao dịch ngân hàng toàn cầu SWIFT, vốn có thể đóng băng hầu hết dịch tài chính từ quốc tế với Nga. Washington cũng chưa áp các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đến Nga các sản phẩm công nghệ cao khác.

Cần lưu ý rằng, Nga hiện là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới nhiều mặt hàng như titan, palladium - kim loại dùng trong công nghiệp ôtô và điện thoại, niken, nhôm…. Những kim loại này đang trên đà tăng giá kỷ lục. Trong trường hợp Nga trả đũa các lệnh trừng phạt tiềm tàng bằng việc áp đặt lệnh cấm xuất khẩu titan sang Mỹ, các tập đoàn sản xuất máy bay như Boeing sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng

Từ phía châu Âu, việc cấm vận các quan chức và đóng băng tải sản của nhiều cá nhân, thực thể Nga ở châu Âu rất khó tác động đến kinh tế Nga, bởi nguồn vốn của Nga đã được hồi hương đáng kể như một biện pháp phòng ngừa từ sau khi các gói lệnh trừng phạt đầu tiên được ban bố năm 2014 sau sự kiện Moscow sáp nhập Crimea.

Nord Stream 2 bị đóng băng, nhưng rốt cuộc nó vẫn là một dự án chưa được vận hành thực tế. EU hiện vẫn nhập khẩu đến 40% khí đốt từ Nga và điều này gần như không thể thay đổi trong tương lai gần.

EU không muốn áp đặt thêm các lệnh cấm vận nhằm vào ngành năng lượng, bởi chúng có thể khiến giá dầu tiếp tục leo thang. “Các biện pháp trừng phạt vẫn chưa đi đến đâu. Chúng vẫn được tính toán chặt chẽ nhằm bảo vệ cả các lợi ích kinh tế của châu Âu”, Olivier Dorgans, luật sư chuyên về các biện pháp trừng phạt kinh tế tại công ty luật toàn cầu Ashurst nói với AFP.

Ai sẽ bảo vệ Ukraine trước nước Nga của ông Putin? -0
Nông nghiệp là điểm sáng kinh tế Nga trước "bão" trừng phạt. Ảnh: Moscow Times

Andrew Lohsen, một chuyên gia về Nga tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington thì nhận định, một khi các gói lệnh trừng phạt không khắc nghiệt như Mỹ vẫn đe dọa, chúng rõ ràng “sẽ không thể buộc Nga thay đổi cách hành xử”.

Chuyên gia William Jackson của Capital Economics đánh giá, nếu Iran bị trừng phạt tương tự, kinh tế nước này đã sụt giảm đến 7%. Nhưng với Nga, con số này cùng lắm có thể rơi vào khoảng 4-5% GDP. Nền kinh tế Nga đã thích ứng với các lệnh trừng phạt khá tốt. Hiện nay, cơ cấu nền kinh tế Nga cũng có nhiều thay đổi, nông nghiệp rất phát triển. Nước này có nợ công thấp, ít phụ thuộc vào vốn vay nước ngoài, đồng thời tích cực tìm kiếm các cơ hội thương mại mới từ những thị trường khác như Trung Quốc.

Hôm 21/2, ngay sau khi quyết định công nhận LPR và DPR được công bố, Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin tuyên bố: “Chúng tôi đã chuẩn bị nhiều tháng cho phản ứng có thể xảy ra với việc công nhận LPR và DPR”. Theo ông Mishustin, tất cả rủi ro có thể xảy ra đã được xem xét một cách kỹ lưỡng. “Chúng tôi hiểu các vấn đề, đặc biệt là về nhập khẩu công nghệ cao và một số vấn đề khác”, người đứng đầu nội các Nga khẳng định.

Giúp đỡ đối đầu hay bảo vệ?

Dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ ra rằng Ukraine từ năm 2019 đã “vượt” Moldova để trở thành quốc gia nghèo nhất châu Âu, với tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp trong nhiều năm. Về quân sự, sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Ukraine đã nỗ lực cải tiến quân đội, song vấn đề thiếu hụt ngân sách khiến chiến lược này không gặt hái nhiều kết quả.

Đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng như hiện nay, Ukraine có nguồn lực tương đối hạn chế để ứng phó và dường như phụ thuộc nhiều vào phương Tây.

Ai sẽ bảo vệ Ukraine trước nước Nga của ông Putin? -0
Bản đồ khu vực Donbass (màu nâu thẫm) và khu vực do phe ly khai kiểm soát (màu xanh). Đồ họa: BBC

Tuy nhiên, phương Tây cũng đã thể hiện quan điểm rõ ràng, họ không bảo vệ Ukraine mà chỉ giúp đỡ nước này đối đầu Nga. Và cả sự trợ giúp đó cũng có giới hạn.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksiy Reznikov hôm 13/2 nói rằng Kiev đã nhận khoảng 1.500 tấn vũ khí từ phương Tây cùng khoản tiền lên đến hơn 1,5 tỷ USD chỉ trong vài tháng qua. Các vũ khí mà Mỹ cùng đồng minh chuyển đến Kiev chủ yếu gồm các mẫu tên lửa chống tăng loại Javelin, NLAW của Mỹ, Anh; máy bay không người lái Bayraktar do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất; cùng đạn dược từ Ba Lan, Séc…

Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố, Washington sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine, nhưng cho biết chúng sẽ là những loại vũ khí phòng thủ. Những thứ này không đủ để Ukraine đứng vững trước bất cứ cuộc xung đột quân sự nào với quốc gia láng giềng – một siêu cường quân sự sở hữu những loại khí tài tối tân nhất thế giới.

Ai sẽ bảo vệ Ukraine trước nước Nga của ông Putin? -0
Tên lửa chống tăng là loại vũ khí chủ đạo được Mỹ viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters

Về mặt con người, khối quân sự NATO gần đây đưa thêm thêm binh sĩ và khí tài tới các quốc gia Đông Âu nhằm tăng cường khả năng phòng thủ tập thể, nhưng cả Mỹ lẫn châu Âu đều loại trừ khả năng đưa lính đến Ukraine chiến đấu.

Trước viễn cảnh được tự Mỹ vẽ ra về việc Nga có thể đưa xe tăng tới Kiev chỉ sau thời gian ngắn nếu chiến tranh nổ ra, Washington đã lập tức rút sạch nhân viên ngoại giao và hối thúc công dân về nước để đảm bảo an toàn, kéo theo phản ứng tương tự từ các nước châu Âu.

Trả lời phỏng vấn báo RBK-Ukraine, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Rostislav Shurma cho rằng, những phản ứng và tuyên bố từ phương Tây xung quanh khả năng Nga tấn công Ukraine đã khiến nền tài chính của nước này tệ liệt, thiệt hại lên đến 2-3 tỷ USD, tức nhiều hơn nguồn tiền mà Washington viện trợ.

Theo nhận định của giới quan sát, sở dĩ căng thẳng leo thang đến mức độ hiện tại cũng có có một phần nguyên nhân bởi phương Tây đã phớt lờ mối lo an ninh của Nga, trong đó có đề nghị về việc NATO cam kết không bao giờ kết nạp Ukraine.

Một mặt gieo hi vọng cho Kiev, phương Tây mặt khác thừa nhận họ chẳng có kế hoạch nào trong tương lai gần về việc chấp nhận Ukraine gia nhập liên minh, bởi để trở thành một thành viên NATO không hề dễ dàng. Ukraine hiện chưa đáp ứng được yêu cầu của khối do tình trạng tham nhũng, khả năng đóng góp tài chính kém, mức độ hiện đại hóa quân đội kém.

Ai sẽ bảo vệ Ukraine trước nước Nga của ông Putin? -0
Ông Zelensky đứng cạnh Thủ tướng Đức Olaf Scholz sau cuộc gặp ngày 14/2 ở Kiev. Ảnh: Getty Images

Trên thực tế, Ukraine từng mong muốn gia nhập NATO từ lâu. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest năm 2008, Tổng thống Mỹ khi đó George W. Bush ủng hộ ý tưởng kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên NATO trong tương lai, nhưng không được châu Âu ủng hộ.

Châu Âu thừa nhận bất cứ kế hoạch kết nạp Ukraine nào cũng sẽ vấp phải phản kháng của Nga, giống như tình huống với Gruzia. “An ninh của châu Âu không được đảm bảo nếu không đảm bảo an ninh cho Nga”, Tổng thống Pháp Macron nói sau cuộc gặp với Tổng thống Nga Putin hồi giữa tháng.

Chuyên gia Benjamin H. Friedman, giám đốc chính sách của Defense Priorities, nhận định: “Mỹ và châu Âu đã phát tín hiệu rằng ‘chúng tôi sẽ giúp bạn nhưng không bảo vệ bạn’… Tôi không chắc Kiev đã nhận được thông điệp đó, nhưng Ukraine có lẽ đã xem phương Tây như vị cứu tinh. Điều đó đã làm kéo dài cuộc chiến ở miền Đông và khiến họ trì hoãn giải quyết các yêu cầu của Nga”.

Ngày 14/2, sau thời gian dài đối đầu với Moscow, chính Tổng thống Ukraine Zelensky cũng từng thừa nhận mục tiêu gia nhập NATO trong những năm qua của Ukraine có thể không hơn gì “một giấc mơ”. “Ukraine nên tiếp tục con đường này bao lâu nữa?”, ông Zelensky nói về nỗ lực theo đuổi tư cách thành viên NATO. “Ai sẽ ủng hộ chúng ta?”. Câu hỏi của Tổng thống Ukraine cho thấy nỗi thất vọng của nhà lãnh đạo quốc gia khao khát đi theo con đường của những nước từng thuộc khối phía Đông cũ như Ba Lan, hiện là một thành viên NATO.

Ai sẽ bảo vệ Ukraine trước nước Nga của ông Putin? -0
Gia nhập NATO không phải con đường duy nhất mà Ukraine có thể đi. Ảnh minh họa: ITN

Tuy nhiên, theo giới quan sát, gia nhập NATO không phải con đường duy nhất để Ukraine có được sự thịnh vượng. Ukraine vẫn có thể lựa chọn con đường khác.

Trong một bài đăng trên tờ Financial Times, ông Jeffrey Sachs, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững tại Đại học Columbia nhận định, “những người bạn thật sự của Ukraine và hòa bình trên toàn cầu nên kêu gọi Mỹ và NATO thỏa hiệp với Nga – một thỏa hiệp tôn trọng các lợi ích an ninh hợp lý của Nga trong khi ủng hộ chủ quyền của Ukraine”.

Ông Sachs lập luận, Mỹ chắc chắn sẽ không “khoanh tay đứng nhìn” nếu Mexico tham gia một liên minh quân sự do Trung Quốc dẫn đầu, cũng giống như khi Cuba xích lại gần Liên Xô hơn vào những năm 1960. Có lý do để hiểu vì sao Nga quyết liệt như vậy khi Kiev muốn gia nhập NATO. Cả Mỹ và Nga đều không muốn quân đội của bên kia xuất hiện “trước cửa nhà họ”.

“Cam kết không mở rộng NATO không phải thỏa hiệp. Nó không những không làm suy yếu mà còn bảo vệ chủ quyền của Ukraine”, ông nói, đồng thời cho rằng Ukraine nên noi gương các thành viên EU không thuộc NATO, gồm Áo, Síp, Phần Lan, Ireland, Malta và Thụy Điển. Đây đều là các quốc gia thịnh vượng, với nền kinh tế phát triển.

Thiện Nhân
.
.
.