Quan hệ với Nga phủ bóng thượng đỉnh EU - Trung Quốc

Thứ Bảy, 02/04/2022, 06:43

Diễn ra trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Liên minh châu Âu (EU) đang rạn nứt vì một loạt mâu thuẫn về ngoại giao, địa chính trị và thương mại, Hội nghị Thượng đỉnh EU – Trung Quốc lần thứ 23, diễn ra ngày 1/4 theo hình thức trực tuyến, được đánh giá là một “phép thử” nữa cho mối quan hệ hai bên, khi châu Âu không hài lòng và muốn gây sức ép buộc Bắc Kinh phải có quan điểm rõ ràng cho vấn đề Ukraine và quan hệ với Nga.

Việc châu Âu lên tiếng cảnh báo Trung Quốc rằng nước này sẽ phải trả giá đắt nếu như ủng hộ Nga trong vấn đề Ukraine có thể hiểu là một lời cảnh cáo, một lời răn đe rằng nếu Trung Quốc có các động thái rõ ràng như trợ giúp quân sự, trợ giúp tài chính hay giúp Nga né tránh các lệnh trừng phạt từ phương Tây thì Trung Quốc cũng sẽ trở thành mục tiêu của những trừng phạt đó.

Đây là thông điệp được các nước phương Tây, bao gồm Mỹ và châu Âu, đưa ra từ nhiều tuần qua, ngay khi nổ ra xung đột tại Ukraine. Trong cuộc gặp Thượng đỉnh Mỹ-Trung cách đây hơn 10 ngày, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhắc lại lời cảnh cáo đó với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. GDP của Trung Quốc hiện lớn hơn cả 27 quốc gia thành viên EU cộng lại. Trung Quốc là cường quốc số 1 thế giới về thương mại và là đối tác thương mại lớn nhất của Liên minh châu Âu. Kim ngạch thương mại giữa EU và Trung Quốc năm 2021 đạt mức gần 700 tỷ euro. Trung Quốc là nhà nhập khẩu lớn nhất các sản phẩm của EU, chiếm đến 22,4% giá trị xuất khẩu của EU.

Trung Quốc cũng giữ vai trò quan trọng hàng đầu, nếu không nói là lớn nhất, trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nói cách khác, Trung Quốc là một siêu cường kinh tế mà nếu châu Âu có ý định dùng lá bài kinh tế để “trừng phạt” Trung Quốc thì khối này cũng sẽ phải gánh hậu quả vô cùng nặng nề. Vì thế, lời cảnh cáo từ châu Âu rằng “Trung Quốc sẽ phải trả giá đắt” nếu ủng hộ Nga chỉ nên xem xét một cách tương đối. Tất nhiên, sẽ còn các lá bài khác về chính trị-ngoại giao mà châu Âu có thể vận dụng để khiến Trung Quốc lắng nghe nhiều hơn.

Về phía Trung Quốc, trước tiên, phải khẳng định rằng, Bắc Kinh rất coi trọng cuộc gặp Thượng đỉnh lần này với EU. Theo tuyên bố hôm 30/3 của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong bối cảnh tình hình quốc tế bất ổn và nhiều thay đổi với các yếu tố không chắc chắn ngày càng tăng như hiện nay, Trung Quốc và EU nên là những lực lượng bảo vệ hòa bình thế giới và thúc đẩy sự phát triển chung của thị trường Trung Quốc và châu Âu.

Hai bên nên tăng cường trao đổi chiến lược và tin cậy lẫn nhau, tiến hành đối thoại trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và các bên cùng có lợi, tiếp thêm năng lượng tích cực và sự ổn định cho tình hình toàn cầu đang có nhiều xáo trộn.

Trung Quốc luôn cho rằng việc cố gắng liên kết vị thế của nước này trong cuộc khủng hoảng Ukraine với tương lai của mối quan hệ Trung Quốc-EU là không phù hợp, vì vấn đề Ukraine không phải là vấn đề có thể giải quyết trong khuôn khổ quan hệ Trung Quốc-EU, do vậy Bắc Kinh sẽ cố gắng để EU hiểu rằng cần phải tìm ra những mối quan tâm chung giữa hai bên trong vấn đề này để nó không tác động tiêu cực đến sự phát triển của quan hệ song phương. Trung Quốc cũng hiểu rằng dù quan hệ với Nga đã rạn nứt thì EU vẫn cần phải liên lạc với Nga, như vậy Bắc Kinh có thể đóng vai trò như một cầu nối để hai bên tiếp xúc với nhau.

imrs.jpg -0
Dù còn nhiều bất đồng lớn nhưng giữa EU và Trung Quốc có nhiều không gian đối thoại và hợp tác hơn so với quan hệ Mỹ-Trung.

Theo giới quan sát, quan hệ với Nga hay cuộc khủng hoảng Ukraine không phải là vấn đề cần phải và có thể giải quyết hay xử lý trong khuôn khổ quan hệ Trung Quốc-EU, mà chỉ có thể được coi là một yếu tố ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai bên.

Bắc Kinh ý thức rất rõ rằng Hiệp định đầu tư song phương mà nước này đã rất cố gắng để ký với EU hồi cuối năm 2020 đang bị đình trệ, khúc mắc giữa hai bên trong vấn đề Đài Loan hay các lệnh trừng phạt lẫn nhau liên quan đến vấn đề Tân Cương..., mới là những trở ngại thực sự mà hai bên cần vượt qua.

Tuy nhiên, cũng cần nhận ra rằng, bất chấp những khó khăn trong quan hệ chính trị, ngoại giao, hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc và châu Âu vẫn tiếp tục mở rộng trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và căng thẳng gia tăng. Hai tháng đầu năm 2022, EU đã vượt qua ASEAN trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc sau khi mất vị trí này vào năm 2021.

Thương mại song phương giữa Trung Quốc và EU đã tăng 14,8% so với cùng kỳ, đạt 137,16 tỷ USD. Do vậy, Trung Quốc sẽ cố gắng chỉ cho EU thấy rằng, bằng cách thiết lập các cơ chế hợp tác thực dụng, hai bên có thể hợp tác cùng nhau để đối phó với một số tác động mà cuộc khủng hoảng Ukraine và các biện pháp trừng phạt có thể gây ra cho trật tự quốc tế hoặc nền kinh tế toàn cầu.

Tuy vậy, giới chuyên gia Trung Quốc không đặt quá nhiều kỳ vọng vào kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này với EU. Châu Âu đang chịu nhiều sức ép từ phía Mỹ và các nhóm cứng rắn tại châu lục này, đặc biệt tại Nghị viện châu Âu, trong việc phải gây áp lực với Trung Quốc, buộc Trung Quốc từ bỏ chính sách được giới học giả châu Âu gọi là “trung lập thân Nga” hiện nay.

Trong khi đó, nhiều nhà ngoại giao châu Âu cho rằng trong cuộc họp Thượng đỉnh lần này, châu Âu phải bày tỏ rõ quan điểm rằng nếu Trung Quốc tiếp tục ủng hộ Nga thì nước này sẽ phải chịu thiệt hại trong quan hệ với châu Âu. Tuy nhiên, qua những gì đã diễn ra trong Thượng đỉnh Mỹ-Trung có thể thấy, châu Âu khó có thể hy vọng tạo được đột phá trong chiến lược này và Trung Quốc cũng sẽ không dễ dàng từ bỏ chính sách đối ngoại hiện nay của mình bởi đó là các chính sách được tính toán trên lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Về tổng thể, dù còn nhiều bất đồng lớn nhưng giữa EU và Trung Quốc có nhiều không gian đối thoại và hợp tác hơn so với quan hệ Mỹ-Trung. Cả hai phía cùng đều coi trọng quan hệ song phương hiện nay, đặc biệt là về mặt kinh tế.

Châu Âu chắc chắn không muốn mở thêm một trận chiến kinh tế-ngoại giao nữa với Trung Quốc khi khối này đang trong tình thế đối đầu toàn diện với Nga và Trung Quốc có lẽ cũng không mong muốn tổn hại một đối tác thương mại lớn hàng đầu như EU, càng không muốn thực thi một chính sách cực đoan có thể khiến châu Âu ngả hoàn toàn về phía Mỹ trong cuộc cạnh tranh chiến lược lâu dài với Trung Quốc.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.