Quan hệ Trung Quốc – Australia bước vào “một mùa Xuân mới”

Thứ Tư, 08/11/2023, 07:15

Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 7/11 đã kết thúc chuyến thăm bốn ngày tới Trung Quốc. Chuyến thăm được đánh giá thành công khi chính thức đưa mối quan hai nước quay trở lại quỹ đạo bằng quyết định nối lại đối thoại lãnh đạo cấp thường niên.

Hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy

Trong ngày làm việc cuối cùng tại Trung Quốc, Thủ tướng Anthony Albanese đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp nước chủ nhà Lý Cường tại Bắc Kinh. Tại sự kiện này, hai nhà lãnh đạo tái khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ song phương và cho biết sẽ thúc đẩy hợp tác trong những lĩnh vực có mối quan tâm chung trong lúc không để cho các khác biệt định hình mối quan hệ.

auschina.jpg -0
Chủ tịch Tập Cận Bình hội kiến Thủ tướng Anthony Albanese hôm 6/11. Ảnh: Tân Hoa Xã

Thủ tướng Lý Cường cho biết Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Australia để tăng cường hơn nữa các mối liên lạc, đối thoại và làm sâu sắc thêm lòng tin, mở rộng hợp tác thực tế và giải quyết hợp lý những khác biệt nhằm hiện thực hóa sự phát triển ổn định và bền vững của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Australia, mang lại nhiều lợi ích hơn cho hai nước cũng như người dân Trung Quốc và người dân Australia.

Trong khi đó, Thủ tướng Anthony Albanese cho biết ông thấy “có những dấu hiệu đầy hứa hẹn” trong mối quan hệ song phương này. Khẳng định sẽ thúc đẩy lợi ích quốc gia trong quan hệ với Trung Quốc, Thủ tướng Anthony Albanese nhấn mạnh, đây là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất của Australia. Đáng chú ý, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại một loạt đối thoại song phương vốn bị đình trệ trong những năm gần đây sau khi đối thoại giữa cấp Bộ trưởng và các cuộc đối thoại về kinh tế và chính sách ngoại giao được nối lại vào năm ngoái. Đồng thời, Thủ tướng hai nước cũng cam kết sẽ thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, biến đối khí hậu, kết nối người dân, trao đổi sinh viên, khách du lịch.

Trước đó, tại buổi hội kiến với Thủ tướng Anthony Albanese hôm 6/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, với sự nỗ lực chung của Trung Quốc và Australia, hai bên đã nối lại trao đổi trên nhiều lĩnh vực, cùng bước trên con đường đúng đắn để cải thiện và phát triển quan hệ.

Trung Quốc và Australia đều là các nước trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, là thành viên quan trọng của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), hai nước không có xung đột lợi ích cơ bản và hoàn toàn có thể trở thành đối tác tin cậy lẫn nhau. Trong bối cảnh xu hướng thế giới có những thay đổi sâu sắc, Bắc Kinh và Canberra cần nắm bắt đúng hướng phát triển của quan hệ song phương, cần đi theo xu hướng của thời đại, xuất phát từ lợi ích chung của hai nước, cùng xây dựng mối quan hệ song phương bình đẳng, tìm kiếm điểm chung, bảo lưu sự khác biệt và hợp tác cùng có lợi, thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – Australia không ngừng phát triển.

Điều này phù hợp với lợi ích chung của hai nước và nhân dân hai nước, phù hợp với mong đợi chung của các nước trong khu vực; đồng thời sẽ giúp cộng đồng quốc tế ứng phó tốt hơn với các rủi ro, thách thức do những thay đổi trong thế kỷ qua của thế giới mang lại. Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Australia cần tăng cường hiểu biết, tin cậy lẫn nhau cùng tồn tại hòa bình và đạt được phát triển chung. Bên cạnh đó, hai bên cần cảnh giác và phản đối những hoạt động gây rối ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.

Đáp lại, Thủ tướng Anthony Albanese cũng đánh giá cao những thành tựu của Trung Quốc trong những năm gần đây, nhất là việc xóa đói giảm nghèo và phát triển, đồng thời cho rằng, sự phát triển lâu dài, ổn định và bền vững của Trung Quốc đã mang lại lợi ích cho Australia và thế giới. Hai bên cần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, duy trì liên lạc, tăng cường hiểu biết, hợp tác cùng có lợi. Theo ông, Australia và Trung Quốc có hệ thống chính trị khác nhau và có sự khác biệt là điều bình thường, nhưng không để sự khác biệt xác định mối quan hệ giữa hai nước. Australia tuân thủ chính sách “Một Trung Quốc”, sẵn sàng hợp tác với nước này thúc đẩy sự phát triển ổn định quan hệ song phương, tăng cường trao đổi kinh tế, thương mại và nhiều lĩnh vực khác.

Bước vào “một mùa Xuân mới”

Ông Benjamin Herscovitch, nhà nghiên cứu về các vấn đề an ninh quốc tế tại Trường Đại học quốc gia Australia, đánh giá sau nhiều năm căng thẳng trong quan hệ kinh tế và mối quan hệ ngoại giao “băng giá”, Australia và Trung Quốc hiện bước vào “một mùa Xuân mới” của mối quan hệ song phương. Cùng chung nhận định, nhà nghiên cứu Trần Hồng - Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Australia tại Trường Đại học Sư phạm Hoa Đông (Trung Quốc) - cho rằng, chuyến thăm của Thủ tướng Anthony Albanese là “chuyến đi phá băng và chuyến đi của sự hy vọng”.

“Chuyến đi phá băng” vì quan hệ Trung Quốc  -Australia vừa trải qua giai đoạn khó khăn nhất và hiện tại, quan hệ giữa hai nước về cơ bản đã ổn định, đang chuyển từ hòa hoãn sang “ấm lên”. Chuyến thăm mang ý nghĩa tiếp nối quá khứ, hướng tới tương lai, tạo động lực và mở ra chương mới trong quan hệ Trung Quốc - Australia trong 50 năm tới. Chính vì lẽ đó, đây cũng là “chuyến đi của sự hy vọng”.

Thực tế là ngay sau khi lên nắm quyền vào năm 2022, ông Anthony Albanese đã thể hiện quyết tâm “cài đặt” lại quan hệ với Trung Quốc, mối quan hệ dưới thời chính phủ bảo thủ của người tiền nhiệm Scott Morrison đã xấu đi vì một loạt vấn đề từ tranh chấp thương mại đến đại dịch COVID-19. Có thể thấy Thủ tướng Australia đặt nhiều tham vọng vào chuyến thăm chính thức kéo dài 4 ngày tới Trung Quốc (từ ngày 4-7/11), một trong số đó chính là mong muốn tạo ra mối quan hệ “không có những bất ngờ” với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo ông, đó là mối quan hệ mà trong đó hai bên sẽ duy trì các cuộc đối thoại “thẳng thắn, chân thành và cởi mở” nhưng vẫn linh hoạt, bởi đây sẽ là những tín hiệu tượng trưng cho sự bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Mặc dù vậy, trước chuyến thăm, nhà lãnh đạo Australia vẫn nhắc lại Australia “sẽ hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực có thể, không đồng tình với Bắc Kinh trong những vấn đề cần phải làm như vậy”. Điều đáng nói, quan điểm đó của Thủ tướng Anthony Albanese đã được giới chuyên gia và các nhà phân tích ủng hộ bởi họ cho rằng, để có thể duy trì sự ổn định và lâu dài của mối quan hệ song phương, Australia và Trung Quốc cần thảo luận một cách cởi mở về những khác biệt.

Ông Bec Strating, Phó Giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học La Trobe, lưu ý không ai hy vọng một chuyến thăm có thể giải quyết mọi khác biệt giữa lãnh đạo hai nước. Đồng tình với ý kiến đó, ông Andrew Forrest - cựu cố vấn chính sách về Trung Quốc thuộc Văn phòng Thủ tướng và Nội các Australia – chỉ rõ rằng việc đánh giá cao sự khác biệt, chứ không phải lợi ích chung, là điều cần thiết để duy trì hầu hết các mối quan hệ có ý nghĩa theo thời gian. Rủi ro và hậu quả là rất lớn nếu hai bên không tìm ra cách giải quyết những khác biệt.

Chính vì vậy, hai bên cần thẳng thắn, cởi mở và chân thành nói lên suy nghĩ của mình, đó là điều cần thiết để xây dựng sự hiểu biết lẫn nhau. Dù khó khăn, song Australia và Trung Quốc cần phải nhìn xa trông rộng hơn. Trong khi đó, hai nhà nghiên cứu Hiro Armstrong và Peter Drysdale của Đại học Quốc gia Australia nhận định ngay từ đầu, quan hệ ngoại giao giữa Australia và Trung Quốc đã dựa trên 6 nguyên tắc là “tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không xâm lược lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi và chung sống hòa bình”.

Với hệ thống chính trị, truyền thống và lịch sử khác nhau, hai nước sẽ không thể tránh khỏi những bất đồng, nhưng 6 nguyên tắc làm cơ sở cho mối quan hệ vẫn tạo khuôn khổ để đảm bảo hợp tác kinh tế và chính trị sâu sắc trong tương lai. Vì vậy, sẽ không thể có sự ổn định trong mối quan hệ trừ khi Australia và Trung Quốc đi theo con đường chiến lược toàn cầu và đặt những mục tiêu cũng như nguyên tắc này lên hàng đầu trong mối quan hệ song phương.

Có thể nói, 50 năm trôi qua, mối quan hệ Australia - Trung Quốc đã trưởng thành hơn và hiện đang ở vào thời điểm quan trọng để đạt đến điểm khởi đầu lịch sử mới. Các nhà quan sát và giới phân tích tin rằng chuyến thăm của Thủ tướng Albanese tới Trung Quốc là “chuyến đi phá băng”, mở ra một chương mới trong quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, sự phát triển của mối quan hệ Australia - Trung Quốc vẫn phải đối mặt với nhiều lực cản, đòi hỏi cả hai bên phải hướng tới tương lai, có tầm nhìn dài hạn, duy trì quyết tâm cũng như sự sáng suốt trong việc giải quyết các khác biệt một cách đúng đắn dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.  

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.