“Quả bóng ngoại giao” bắt đầu lăn trên sân của Nga, Mỹ và NATO

Thứ Hai, 10/01/2022, 08:47

Ngày 10/1, Mỹ cùng với Nga và các nước châu Âu bắt đầu một loạt cuộc gặp quan trọng nhằm hóa giải căng thẳng liên quan tình hình Ukraine và kế hoạch mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Âu. “Quả bóng ngoại giao” đã bắt đầu lăn và thách thức không chỉ là giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, mà xa hơn là cân bằng cán cân quyền lực tại châu Âu.

Ngay trước thềm các cuộc gặp này, cả Mỹ và NATO đều tìm cách đá quả bóng trách nhiệm sang phía Nga khi hối thúc nước này chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine bằng con đường ngoại giao. Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho rằng, nguy cơ xung đột là có thực, thì Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh, một giải pháp ngoại giao với Nga vẫn là có thể nếu nước này lựa chọn đối thoại.

“Các hành động gây hấn của Nga là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh ở châu Âu. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả mạnh mẽ những hành động gây hấn hơn nữa của Nga. Nhưng một giải pháp ngoại giao vẫn có thể thực hiện và sẽ tốt hơn nếu Nga lựa chọn”, ông Antony Blinken nói.

Cáo buộc Nga tăng cường quân sự gần biên giới Ukraine, Mỹ và các đồng minh phương Tây từ nhiều tuần nay đã đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhằm vào Nga, cả về kinh tế, tài chính và chính trị. Hôm 8/1, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố khẳng định nước này sẽ có các biện pháp “đáp trả nghiêm khắc” trong trường hợp Nga có bất kỳ hành động gây hấn nào với Ukraine. Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Antony Blinken nhận định, điều quan trọng nhất hiện tại là phải hỗ trợ đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và bất kỳ hành động gây hấn nào của Nga cũng sẽ dẫn đến “một phản ứng nghiêm trọng”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, theo thông tin từ Nhà Trắng, Mỹ khẳng định không có kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa ở Ukraine vì đây là vấn đề an ninh quan trọng đối với Nga và 2 nước có thể đạt được tiến bộ trong lĩnh vực đó. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng cho rằng, chỉ có thể đạt được tiến bộ nếu Nga cũng thực hiện các hành động “có đi có lại”.

8-1.jpg -0
Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Joe Biden tại Geneva, Thụy Sĩ hôm 16/6/2021. Ảnh: NY Times.

Trước đó, một quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ cho biết, nước này và các đồng minh sẵn sàng thảo luận với Nga trong các cuộc đàm phán về việc hạn chế các cuộc tập trận quân sự và triển khai tên lửa trong khu vực. Còn trong cuộc điện đàm hồi đầu tháng này với người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky, Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, Mỹ và các đồng minh, đối tác sẽ “đáp trả một cách quyết đoán nếu Nga tiếp tục có hành động quân sự đối với Ukraine”. Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ sự ủng hộ thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin để giảm leo thang căng thẳng ở khu vực Donbas cũng như hoạt động ngoại giao tích cực thúc đẩy việc thực hiện Thỏa thuận Minsk và đàm phán theo Định dạng Normandy.

Cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine diễn ra chỉ vài ngày sau khi lãnh đạo Mỹ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga, chủ yếu tập trung vào căng thẳng Ukraine. Trong cuộc điện đàm này, người đứng đầu Nhà Trắng cảnh báo rằng, Mỹ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga nếu nước này có hành động quân sự chống lại Ukraine. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định, các biện pháp trừng phạt mới có thể hủy hoại hoàn toàn quan hệ Nga-Mỹ.

Về phần mình, Nga tới nay vẫn yêu cầu một cam kết mang tính ràng buộc pháp lý rằng NATO sẽ không mở rộng sang những nước cửa ngõ của nước này, bao gồm cả Ukraine. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho rằng: “Trong các cuộc đàm phán, chúng tôi sẽ tìm kiếm sự đảm bảo pháp lý vững chắc của Mỹ, NATO đối với an ninh của Nga. Cụ thể là NATO sẽ không mở rộng về phía Đông, cũng như triển khai các hệ thống vũ khí tới gần biên giới và đe dọa an ninh của Nga”. Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho hay Moscow đã bày tỏ “thất vọng” vì những tín hiệu từ Washington và Brussels trước thềm hội đàm ở Geneva.

Theo các nhà phân tích, điều Nga mong muốn hiện nay không chỉ là những đảm bảo về an ninh mà còn cả tiếng nói trong những vấn đề liên quan tới an ninh tại châu Âu. Trên thực tế, sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, NATO đã nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng quân sự của họ ra ngoài Bức màn sắt giữa Tây và Đông Âu, với việc kết nạp thêm 14 quốc gia chỉ trong vòng hơn 20 năm. Quả bóng ngoại giao đã bắt đầu lăn, song rõ ràng để viết lại các giới hạn an ninh tại châu Âu lại không hề dễ dàng và các bên đều hiểu rõ đây là thời điểm cần phải có các hoạt động ngoại giao thận trọng và chính xác.

Quan hệ giữa Nga với phương Tây thường xuyên căng thẳng liên quan đến tình hình Ukraine, nhưng gần đây các bên đã có một số động thái tích cực nhằm hóa giải các khác biệt. Nga đã đưa ra các đề xuất bảo đảm an ninh cho châu Âu, đồng thời khẳng định sẵn sàng đối thoại trực tiếp với NATO về những đề xuất an ninh nhằm ngăn liên minh quân sự này mở rộng hoạt động về phía Đông và triển khai vũ khí gần biên giới Nga. Các cuộc hội đàm giữa các nhà ngoại giao Mỹ và Nga sẽ bắt đầu tại Geneva vào ngày 10/1. Sau đó là cuộc họp Hội đồng Nga-NATO dự kiến diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào ngày 12/1.

Hồi tháng 12/2021, Bộ Ngoại giao Nga đã công bố hai bản dự thảo thỏa thuận về bảo đảm an ninh mang tính ràng buộc pháp lý với Mỹ và NATO. Với việc công khai đưa ra những yêu cầu này, Nga đang muốn gửi đi thông điệp rõ ràng rằng, an ninh của mình đang bị đe dọa sau 30 năm mở rộng không ngừng của NATO. Nga coi việc kết nạp Ukraine vào NATO là ranh giới đỏ không thể vượt qua và yêu cầu phương Tây từ bỏ hỗ trợ quân sự cho các lực lượng Ukraine, mà Moscow cho là có nguy cơ đe dọa an ninh Nga. Cho đến nay, Washington vẫn khẳng định sẽ không nhượng bộ các yêu cầu trong cuộc hội đàm sắp tới với Moscow.

Khổng Hà (tổng hợp)

.
.
.