Phép thử đầu tiên với AUKUS
Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định triệu hồi Đại sứ tại Mỹ và Australia để tham vấn về việc Canberra từ bỏ thỏa thuận mua các tàu ngầm của Pháp trị giá khoảng 40 tỷ USD để chuyển sang các tàu của Mỹ đã biến thỏa thuận an ninh ba bên giữa Mỹ, Anh và Australia (có tên gọi AUKUS) thành một cuộc khủng hoảng ngoại giao. Ngay lập tức đã xuất hiện những phản ứng trái chiều về việc này.
Phản ứng của các bên
Ngày 18/9, Australia cho biết lấy làm tiếc về động thái trên của Pháp. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Australia khẳng định nước này “coi trọng quan hệ với Pháp… Chúng tôi mong đợi can dự với Pháp trong nhiều vấn đề cùng chung lợi ích và dựa trên những giá trị chung”. Trong một tuyên bố tương tự, Nhà Trắng cũng bày tỏ lấy làm tiếc về việc Pháp triệu hồi Đại sứ tại Mỹ để tham vấn, đồng thời khẳng định Washington muốn giải quyết căng thẳng thông qua đường ngoại giao.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price khẳng định Pháp “là đối tác sống còn và là đồng minh lâu đời nhất” của Mỹ và rằng Washington “đặt giá trị cao nhất cho mối quan hệ này”. Cũng theo ông Ned Price, Washington hy vọng sẽ thảo luận với Pháp về vấn đề gây căng thẳng hiện nay ở cấp cao trong những ngày tới, kể cả trong thời gian diễn ra phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York vào tuần tới. Một quan chức của Nhà Trắng yêu cầu giấu tên nêu rõ: “Chúng tôi lấy làm tiếc rằng, họ (Pháp) đã tiến hành bước đi này, chúng tôi sẽ tiếp tục trao đổi trong những ngày tới để giải quyết những khác biệt, như đã từng làm trong các vấn đề khác trong mối quan hệ đồng minh lâu dài này”.
Trong khi đó, Nga tỏ ra ngạc nhiên trước phản ứng của Pháp về quyết định của Australia hủy bỏ thỏa thuận đóng tàu ngầm với Paris. Thông qua mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova viết: “Sự tức giận và cay đắng đến từ đâu? Việc phá vỡ hợp đồng đối với Pháp dường như là chuyện thường tình. Năm 2015, Paris đã hủy bỏ thỏa thuận với Nga về hai tàu Mistral. Hay đó chỉ là những nhát dao mà các ngài cảm thấy ở lưng mình?”.
Nga và Pháp ký hợp đồng đóng hai tàu đổ bộ lớp Mistral vào tháng 6/2011. Pháp được cho là sẽ chuyển giao con tàu đầu tiên vào tháng 11/2014, nhưng do các sự kiện ở Ukraine và việc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Nga, Tổng thống Francois Hollande đã quyết định đình chỉ hợp đồng. Mùa Hè năm 2015, hợp đồng bị chấm dứt. Kết quả là Paris đã trả lại cho Moscow 949,7 triệu euro và các con tàu sau đó được bán cho Ai Cập. Có vẻ như giờ đây, Paris đang phải hứng chịu cảm giác tương tự Moscow năm 2015.
Trước đó, Pháp đã thể hiện bất bình về thông tin Mỹ cùng Anh sẽ giúp Australia phát triển tàu ngầm. Theo đó, Australia đã rút khỏi thỏa thuận 66 tỷ USD mua tàu ngầm do Pháp thiết kế. Điều này đồng nghĩa với thất thu cho ngành công nghiệp quốc phòng Pháp nhưng lại là “mẻ lưới lớn” cho nhiều doanh nghiệp Mỹ.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian phát biểu trên đài phát thanh Franceinfo rằng thỏa thuận tàu ngầm là “quyết định đơn phương, khó đoán định và tàn bạo” của Mỹ. Ông còn cho biết động thái này gợi nhớ đến người tiền nhiệm của Tổng thống Joe Biden: “Điều khiến tôi quan tâm cũng là hành vi của người Mỹ. Quyết định không đoán được, đơn phương và tàn bạo này dường như rất giống với những gì ông Donal Trump từng làm. Các đồng minh không làm vậy với nhau. Điều đó là không thể chấp nhận”.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Pháp khẳng định Paris sẽ chống lại động thái của Canberra: “Chuyện này vẫn chưa kết thúc. Chúng ta có hợp đồng. Người Australia cần cho chúng ta biết cách họ rút khỏi nó. Chúng ta sẽ cần lời giải thích. Chúng ta có một thỏa thuận liên chính phủ được ký kết rất sôi nổi vào năm 2019, với các cam kết chính xác, kèm theo các điều khoản; làm thế nào để họ rút khỏi nó?”.
Nhấn mạnh sự giận dữ của mình, Paris đã hủy một buổi gala dự kiến tổ chức ngày 17/9 tại Đại sứ quán Pháp ở Washington. Đây vốn là sự kiện đánh dấu 240 năm chiến thắng trận chiến trên biển với sự giúp sức của Pháp trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này không hề được tham vấn về thỏa thuận.
Tờ New York Times dẫn nguồn thạo tin giấu tên cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không đề cập trước thông tin về thỏa thuận với các lãnh đạo của Pháp bởi rõ ràng là Paris sẽ không hài lòng. Do vậy, chính quyền Tổng thống Joe Biden quyết định để Australia lựa chọn về việc có trao đổi trước với Pháp hay không. Bà Nicole Bacharan tại Viện Nghiên cứu chính trị Paris dự đoán sẽ có một giai đoạn “rất khó khăn” trong “tình bạn cũ” giữa Paris và Washington.
Những điểm khác biệt của AUKUS
Đầu tiên là cam kết mức độ mới. Đây cũng được coi là bản chất của AUKUS. Thời gian qua, khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã chứng kiến sự hiện diện và phát triển của nhiều cơ chế hợp tác khu vực lớn như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) hay Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)…
Tuy nhiên, hầu hết các cơ chế này tập trung vào hợp tác chính trị-kinh tế. Cơ chế hiếm hoi về hợp tác quốc phòng là Bộ tứ, với trao đổi thường xuyên ở cấp lãnh đạo cùng vài cuộc tập trận chung. Vì thế, sự hình thành của liên minh an ninh tập trung vào hợp tác quân sự và quốc phòng rõ ràng là làn gió mới. Dự án đầu tiên của AUKUS về xây dựng tàu ngầm hạt nhân Australia sử dụng công nghệ Anh, Mỹ cho thấy cam kết cao và hành động thực chất hơn của các quốc gia trong AUKUS.
Thứ hai, AUKUS hướng tới mở rộng, củng cố ảnh hưởng của ba quốc gia, đặc biệt là Anh và Australia. Về các thành viên, dễ thấy Australia là quốc gia có vai trò đặc biệt trong AUKUS. Ngay trong ngày ra mắt cơ chế này, Thủ tướng Scott Morrison đã công bố dự án phát triển 8 tàu ngầm hạt nhân sử dụng công nghệ của Anh và Mỹ, dù duy trì cam kết không trang bị vũ khí hạt nhân. Nếu được triển khai, dự án này đóng vai trò quan trọng trong củng cố năng lực tác chiến trên biển của quân đội Australia.
Hiện Canberra có 6 tàu ngầm động cơ diesel, song trong bối cảnh căng thẳng khu vực leo thang, với nhiều quốc gia đẩy mạnh phát triển hải quân, chừng đó là chưa đủ. Củng cố năng lực tác chiến trên biển bằng một thế hệ tàu ngầm hiện đại không phải là chuyện mới. Cựu Thủ tướng Australia Tony Abbott xúc tiến nỗ lực này từ năm 2015. Bản thân nước này cũng đã ký hợp đồng mua hàng chục tàu ngầm mới của Pháp, song chi phí đội lên từ 50 tỷ USD lên 90 tỷ USD, cùng yêu cầu bảo dưỡng và thời gian chế tạo tới năm 2030 đã khiến Canberra chùn bước.
Giờ đây, khi AUKUS thành hình và dự án hợp tác xây dựng 8 tàu ngầm hạt nhân với Anh và Mỹ được công bố, Australia đang đứng trước cơ hội trở thành thế lực biển mới tại khu vực. Một điểm nhấn khác nằm ở sự xuất hiện ở Anh trong cơ chế an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trong bối cảnh quan hệ với châu Âu không còn như trước, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ là điểm đến mới của Anh. Cụ thể, với chiến lược “Nước Anh toàn cầu”, chính phủ Thủ tướng Boris Johnson đã đẩy mạnh hoạt động ngoại giao và hợp tác tại khu vực, từ tăng tần suất thực hiện quyền tự do hàng hải trên các vùng biển khu vực, thúc đẩy đối thoại với nhiều quốc gia, tới đặt mục tiêu hoàn tất đàm phán gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cuối năm 2022. Khi đó, hiện diện với tư cách thành viên trong một liên minh an ninh tại khu vực cùng Australia và Mỹ sẽ phản ánh cam kết lớn của Anh đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Cuối cùng, dù không đề cập, song đối tượng mà AUKUS hướng đến là Trung Quốc, trong bối cảnh quan hệ giữa Bắc Kinh và các quốc gia trong bộ ba này đang ngày một căng thẳng. Trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường hiện diện ở Biển Đông và eo biển Đài Loan, AUKUS chính là một tín hiệu rõ ràng tới Trung Quốc. Bắc Kinh rõ ràng không thích điều này. Người phát ngôn của Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington Lưu Bằng Vũ cho rằng các nước “không nên xây dựng một liên minh nhằm vào hoặc gây tổn hại cho lợi ích của các bên thứ ba” và từ bỏ định kiến cùng kiểu tâm lý Chiến tranh Lạnh.
Theo bà Orina Skylar Mastro, chuyên gia về chính sách an ninh và quân sự Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli, Đại học Stanford (Mỹ), AUKUS còn cho thấy sự đổi mới trong cách Mỹ và đồng minh hợp tác nhằm đạt mục tiêu chung. Trong khi đó, ông Charles Edel, chuyên gia về an ninh Ấn Độ-Thái Bình Dương, xem tuyên bố thành lập AUKUS là ví dụ mới nhất cho thấy chính quyền Mỹ của Tổng thống Joe Biden không hề đi theo hướng tiếp cận “cô độc” của người tiền nhiệm khi đối phó với Trung Quốc.
Đồng thời, đây là “tín hiệu cho thấy Mỹ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn cho các đồng minh, so với trước đây”. Tuy nhiên, liệu khoản đầu tư đắt đỏ này có giúp Mỹ, Australia và Anh đạt mục tiêu xây dựng liên minh quân sự, mở rộng ảnh hưởng hay đối trọng với Trung Quốc? Chỉ thời gian mới có thể trả lời.