Peru tìm cách hạ nhiệt khủng hoảng chính trị

Thứ Sáu, 16/12/2022, 08:35

Chính phủ Peru ngày 15/12 ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc trong 30 ngày, theo đó đình chỉ các quyền hội họp, quyền bất khả xâm phạm về nhà ở và quyền tự do đi lại, trong một nỗ lực trấn an cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng có.

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Quốc phòng Peru Luis Alberto Otarola thông báo, các biện pháp này được áp dụng nhằm “ngăn chặn các hành vi bạo lực và phá hoại”, đảm bảo an ninh và kiểm soát trật tự trên toàn lãnh thổ đối với tài sản cá nhân và trên hết là cơ sở hạ tầng chiến lược cũng như sự an toàn và phúc lợi của tất cả người dân. Quan chức này cũng cho biết Peru đang xác định các khuôn khổ pháp lý để cân nhắc ban bố lệnh giới nghiêm.

qt.png -0
Đụng độ giữa người dân và cảnh sát đã khiến 6 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương tại Peru. Ảnh: AP.

Động thái này được đưa ra sau khi các cuộc biểu tình bạo lực khởi xướng bởi những người ủng hộ cựu Tổng thống vừa bị phế truất Pedro Castillo lan rộng tại thủ đô Lima cũng như nhiều thành phố khác tại Peru, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, nơi ông Castillo được ủng hộ mạnh mẽ nhất, theo Al Jazeera. Đụng độ giữa người dân và cảnh sát đã khiến 6 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương. Hôm 13/12, quân đội Peru đã được điều động tới bảo đảm an ninh tại các sân bay và cơ sở hạ tầng quan trọng như đập thủy điện, sau khi sân bay Cusco phải đóng cửa ngày thứ ba liên tiếp.

Bộ trưởng Quốc phòng Peru cho biết, Cảnh sát Quốc gia và Lực lượng Vũ trang Peru đã giành lại quyền kiểm soát nhiều tuyến cao tốc và đường giao thông huyết mạch bị những người biểu tình bạo lực phong tỏa. Bộ trưởng Quốc phòng Peru nhấn mạnh, các biện pháp sẽ được triển khai triệt để nhằm đảm bảo an ninh và kiểm soát trật tự nội bộ, từ đó đảm bảo tự do đi lại và hòa bình cho người dân, đồng thời cho biết Peru đang xác định các khuôn khổ pháp lý để cân nhắc ban bố lệnh giới nghiêm.

Những ngày qua, Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị, xã hội nghiêm trọng khi cựu Tổng thống nước này Pedro Castillo bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội, thành lập chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Hành động của ông Castillo bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao và các nghị sĩ quốc hội phản đối mạnh mẽ, coi đây là động thái “đảo chính”. Quốc hội Peru ngay lập tức bỏ phiếu phế truất nhà lãnh đạo này.

Sau nỗ lực giải tán Quốc hội không thành công, ông Castillo bị bắt giữ trên đường tới Đại sứ quán Mexico để tị nạn. Sau đó, Phó Tổng thống Peru Dina Boluarte đã tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời, dẫn đến làn sóng phản đối trên cả nước.

Các cuộc biểu tình phản đối chính quyền của tân Tổng thống Dina Boluarte leo thang cuối tuần qua khi đám đông đụng độ cảnh sát, kêu gọi triệu tập hội đồng lập hiến, đóng cửa Quốc hội, yêu cầu Tổng thống Dina Boluarte từ chức, trả tự do cho cựu Tổng thống Castillo, tiến hành bầu cử sớm và ban hành Hiến pháp mới. Trong khi đó, các hiệp hội nông dân và các tổ chức đại diện cho người dân kêu gọi "đình công vô thời hạn" bắt đầu từ ngày 13/12 để ủng hộ ông Castillo, người sinh ra trong một gia đình nông dân.

Trên thực tế, đây không phải lần đầu Peru rơi vào tình trạng khủng hoảng. Trong những năm gần đây, Peru đã trải qua những đợt bất ổn chính trị dữ dội. Chỉ trong 5 năm qua, 5 tổng thống đã nhậm chức và không thể hoàn thành nhiệm kỳ. Song, làn sóng biểu tình diễn ra trong một tuần vừa qua cho thấy mức độ nghiêm trọng sâu rộng của cuộc khủng hoảng lần này.

Phản ứng trước tình trạng bất ổn trong nước, tân Tổng thống Dina Boluarte ngay khi tuyên thệ nhậm chức đã cho biết sẽ phục vụ đến hết nhiệm kỳ của ông Castillo, kết thúc vào tháng 7/2026. Đến ngày 12/12, bà Boluarte đề xuất tổ chức bầu cử trước hai năm - vào tháng 4/2024. Hai ngày sau đó, bà lại đề nghị tổ chức bầu cử sớm hơn, vào tháng 12/2023.

Ưu tiên của bà Boluarte sẽ là dập tắt các cuộc biểu tình nổ ra kể từ khi bà nắm quyền, kêu gọi các bên bình tĩnh để đối thoại không bạo lực. Tuy nhiên, nỗ lực của bà vẫn khiến Peru sa lầy sâu trong khủng hoảng chính trị, với bạo lực tiếp tục xảy ra. AP dẫn lời người đứng đầu văn phòng thanh tra Peru Eliana Revollar nhận định, tình thế vẫn có thể trở nên tồi tệ hơn. “Đây là một chấn động xã hội rất nghiêm trọng. Chúng tôi sợ rằng nó sẽ dẫn đến một cuộc nổi dậy vì có những người đã kêu gọi điều đó, những người đang yêu cầu dùng vũ khí”, ông Revollar nói.

Trong một diễn biến có liên quan, lãnh đạo 4 quốc gia hàng đầu Mỹ Latinh gồm Mexico, Argentina, Bolivia và Colombia đã ra tuyên bố chung, trong đó bày tỏ quan ngại về những diễn biến gần đây dẫn tới việc phế truất và tạm giam cựu Tổng thống Peru Pedro Castillo, đề nghị Chính phủ Peru đặt mong muốn của người dân nước này lên làm ưu tiên hàng đầu.

Song, giới quan sát lo ngại, sự phẫn nộ của những người ủng hộ ông Castillo có thể sẽ leo thang hơn nữa nếu có thêm người biểu tình thiệt mạng khi đụng độ với lực lượng an ninh. Trong khi đó, những người “ngoài cuộc” cũng có thể mất kiên nhẫn khi công việc của họ bị ảnh hưởng từ các cuộc biểu tình. Với sự bất mãn ngày càng tăng, Tổng thống Boluarte khó có thể có không gian và thời gian để gắn kết đất nước, điều mà bà đã tuyên bố khi nhậm chức.

An Nhiên
.
.
.