Nước Mỹ tiếp tục đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

Thứ Hai, 08/05/2023, 06:14

Bất đồng giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về mức trần nợ công đang khiến xứ sở cờ hoa đối mặt với nguy cơ vỡ nợ. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen hồi tuần trước cho biết, đến đầu tháng 6, Chính phủ có thể không còn tiền để trang trải các hóa đơn. Nếu kịch bản này xảy ra, hơn 8 triệu người sẽ mất việc làm. Còn với thế giới, tác động của việc Mỹ vỡ nợ sẽ đến đâu là câu hỏi được quan tâm lúc này.

Các kịch bản có thể xảy ra

Khác với năm 2021 khi đảng Dân chủ kiểm soát cả lưỡng viện của Quốc hội Mỹ, ở thời điểm hiện tại, đảng Cộng hòa đang nắm thế đa số tại Hạ viện và đang tận dụng yếu tố này để gây sức ép trong đàm phán vấn đề trần nợ công với Tổng thống Joe Biden. Tuần trước, Hạ viện đã thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia, nhưng đi kèm với các biện pháp cắt giảm mạnh chi tiêu.

jj.jpg -0
Nếu đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ không tìm được tiếng nói chung, nước Mỹ có thể sẽ vỡ nợ.

Điều kiện "thắt lưng, buộc bụng" này của phe Cộng hòa đã vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Tổng thống Joe Biden và phe Dân chủ. Theo giới phân tích, các nghị sĩ đảng Cộng hòa quyết tâm thúc đẩy thông qua dự luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng tại Hạ viện để củng cố vị thế của đảng này trong các cuộc đàm phán với người đứng đầu Nhà Trắng.

Tuy nhiên, nếu hai đảng không tìm được tiếng nói chung, nước Mỹ có thể sẽ vỡ nợ. Việc này sẽ khiến quá trình suy thoái kinh tế diễn ra nhanh hơn đặc biệt là trong bối cảnh các đợt nâng lãi suất liên tiếp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhằm kiềm chế lạm phát đã làm tăng chi phí đi vay đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp, đồng thời làm chậm hoạt động cho vay của ngân hàng.

Tình hình này đã làm suy yếu nền kinh tế và có thể bắt đầu làm tăng tỷ lệ thất nghiệp, hiện đang ở mức thấp lịch sử 3,5%. Nhiều nhà hoạch định chính sách kinh tế hàng đầu hồi tháng 12 năm ngoái đã dự đoán đến cuối năm 2023, tỷ lệ thất nghiệp có thể tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm.

Bà Kathy Bostjancic, chuyên gia kinh tế trưởng của công ty dịch vụ tài chính và bảo hiểm Nationwide cho rằng một cuộc khủng hoảng nợ và một lần vỡ nợ, dù chỉ với một số khoản thanh toán lãi đến hạn mỗi ngày, sẽ đẩy nhanh quá trình này, vì để thực hiện những nghĩa vụ thanh toán này, chính phủ sẽ phải cắt giảm chi tiêu.

Điều này sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến dòng tiền dành cho các cá nhân hay các doanh nghiệp, từ đó củng cố khả năng suy thoái kinh tế. Tác động này sẽ nặng nề và kéo dài đến đâu còn phụ thuộc nhiều vào việc các khoản thanh toán bị "câu giờ" trong bao lâu, mà điều này lại tùy thuộc vào phản ứng của các thị trường tài chính.

Chẳng hạn như, vào cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Quốc hội Mỹ ban đầu đã bác bỏ đề xuất chi để giải cứu các ngân hàng của Bộ Tài chính, nhưng sự tuột dốc kỷ lục của giá cổ phiếu và sự gia tăng trong lợi suất trái phiếu sau đó đã khiến Quốc hội thay đổi ý định nhanh chóng và thông qua kế hoạch giải cứu nói trên chỉ vài ngày sau đó.

Ông Mark Zandi, chuyên gia kinh tế trưởng của Moody's Analytics, dự đoán kể cả khi phản ứng của thị trường tài chính không thể khiến Quốc hội nâng mức trần nợ công, vì việc quá hạn thanh toán nghĩa vụ nợ kéo dài có thể khiến nền kinh tế suy thoái nhẹ, với khoảng 1 - 2 triệu người mất việc làm và tỷ lệ thất nghiệp lên mức khoảng 5%.

Tình huống xấu nhất mà xứ sở cờ hoa phải đối mặt là vỡ nợ kéo dài. Nếu xảy ra kịch bản này, chuyên gia kinh tế của Nhà Trắng cho biết khoảng 8,3 triệu người sẽ mất việc, GDP giảm 6,1 điểm phần trăm và thị trường chứng khoán "bốc hơi" gần một nửa giá trị. Tỷ lệ thất nghiệp trong trường hợp này có thể sẽ nhảy vọt lên 5 điểm phần trăm.

Báo cáo nhấn mạnh kịch bản vỡ nợ kéo dài sẽ khiến Mỹ rơi vào tình trạng bế tắc suốt 3 tháng. Đối với trường hợp vỡ nợ ngắn hạn, nền kinh tế sẽ mất khoảng nửa triệu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng 0,3 điểm phần trăm. Ở kịch bản khả quan nhất là nước Mỹ tránh được vỡ nợ. Tuy nhiên, ngay cả vậy, khoảng 200.000 người vẫn bị mất việc làm và GDP trong năm vẫn bị suy giảm 0,3 điểm phần trăm.

Trước cảnh báo Mỹ có nguy cơ vỡ nợ ngày từ đầu tháng 6 tới, Tổng thống Joe Biden ngày 9/5 sẽ có cuộc gặp với các lãnh đạo hàng đầu của quốc hội bao gồm Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy, thành viên đảng Cộng hòa, lãnh đạo đảng Dân chủ tại Hạ viện Hakeem Jeffries, lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer và lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell.

Mặc dù cả hai bên đều khá cứng rắn trong đàm phán thời gian qua, tuy nhiên, trước sự cấp bách của tình hình hiện nay, có khả năng cuộc họp này sẽ có kết quả khả quan khi hai bên có thể sẽ có những thỏa hiệp và nhượng bộ nhất định để tránh tình trạng chính phủ vỡ nợ, điều có thể sẽ mang lại những hậu quả to lớn. 

Tác động đối với thế giới

Mặc dù khả năng nước Mỹ vỡ nợ, dù là vỡ nợ kỹ thuật hay vỡ nợ thực sự trên lý thuyết là có thể xảy ra và việc này sẽ gây ra tác động lớn đến kinh tế Mỹ cũng như kinh tế thế giới với hậu quả chưa thể lường trước.

Các tác động từ việc vỡ nợ sẽ ảnh hưởng trước hết đến nước Mỹ sau đó là nền kinh tế toàn cầu và cuối cùng là ảnh hưởng đến các nền kinh tế khác, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển có nợ công cao. Việc nước Mỹ vỡ nợ có thể tàn phá hệ thống tài chính toàn cầu, vốn trong thời điểm nhạy cảm khi đang mất ổn định hậu khủng hoảng do đại dịch COVID-19 và tác động tiêu cực từ các vụ đổ vỡ ngân hàng vừa qua.

Vì Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới và hơn một nửa số dự trữ ngoại tệ của thế giới là đồng đô la Mỹ nên bất kỳ tác động nào đến niềm tin vào nền kinh tế Mỹ, cho dù do vỡ nợ hay mất ổn định, rơi vào suy thoái đều có thể khiến các nhà đầu tư bán trái phiếu kho bạc Mỹ và do đó làm suy yếu đồng USD. Việc giá trị của đồng tiền này giảm đột ngột sẽ khiến các nền kinh tế kém và đang phát triển có nợ công cao phải trả nợ nhiều hơn, các khoản nợ bằng ngoại tệ khác cũng tăng lên khiến các nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng nợ.

Đối với giới đầu tư và các nước đang nắm giữ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ, nếu Chính phủ Mỹ vỡ nợ, thì các trái phiếu này sẽ mất giá nghiêm trọng, kéo theo giá trị tài sản của các bên nắm giữ thông qua trái phiếu Mỹ vì vậy cũng giảm theo. Ngoài ra, số tiền phải trả cho bảo hiểm vỡ nợ trái phiếu dài hạn chính phủ Mỹ hiện đang ở mức 0,34%, tăng gần gấp đôi so với mức 0,2% từ đầu năm, có thể tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong giới kinh tế cũng cho rằng, mặc dù vẫn có nguy cơ vỡ nợ nhưng khả năng này không cao cộng với các tác động từ việc này có thể sẽ không nghiêm trọng như những gì mà giới chức Mỹ cảnh báo. Theo thông lệ trên thị trường tài chính quốc tế, vỡ nợ được định nghĩa là người đi vay không thể trả đầy đủ và đúng loại tiền giá trị khoản nợ đến hạn.

Trong lịch sử, nước Mỹ đã từng bị coi là vỡ nợ ít nhất 5 lần, gần đây nhất là năm 1979 khi Chính phủ và Quốc hội Mỹ tranh chấp nâng trần nợ công như hiện nay khiến Bộ Tài chính Mỹ không thể trả các khoản nợ đến hạn. Hay nói cách khác, những cảnh báo nghiêm trọng mà giới chức Mỹ đưa ra chỉ nhằm gây sức ép trong nội bộ liên quan đến tranh cãi ngân sách là chính chứ không phải thực tế sẽ diễn ra như vậy.

Dù nghe có vẻ nghiêm trọng nhưng trong lịch sử nước Mỹ, việc nâng trần nợ là một thủ tục tương đối thường xuyên đối với Quốc hội. Kể từ năm 1960, Quốc hội Mỹ đã tăng mức trần nợ 78 lần, với lần tăng gần đây nhất vào năm 2021, lên mức 31.400 tỷ USD hiện nay.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.