"Nước cờ đầy toan tính” của Belarus nhằm đối phó phương Tây

Chủ Nhật, 05/12/2021, 13:55

Mới đây, Tổng thống Alexander Lukashenko đã ký một chỉ thị về phát triển quan hệ giữa Belarus và Trung Quốc. Giới chuyên gia nhận định, cùng với những cuộc tập trận quân sự quy mô và hợp tác kinh tế với Nga, việc Minsk "bắt tay" với Bắc Kinh được cho là nhằm đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Truyền thông quốc tế hôm 4/12 đồng loạt đưa tin về sự kiện Tổng thống Belarus đã ký một chỉ thị về phát triển quan hệ giữa Belarus và Trung Quốc. Văn phòng báo chí thuộc Phủ Tổng thống Belarus nêu rõ, văn kiện này củng cố quan hệ đối tác chiến lược giữa Minsk và Bắc Kinh cho giai đoạn 2021-2025, tập trung vào hợp tác chính trị, giữ gìn các giá trị hữu nghị và ủng hộ lẫn nhau, củng cố hợp tác thương mại, kinh tế, tài chính và đầu tư, thực hiện sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Bước đi của ông Lukashenko diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Belarus và các nước phương Tây ngày càng leo thang, được cụ thể hoá bằng một loạt lệnh trừng phạt và đáp trả gay gắt.

Ông Lukashenko hôm 3/12 đã ký chỉ thị về phát triển quan hệ với Trung Quốc. Ảnh: Asia News.

Hồi giữa tuần, Mỹ, Anh, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã ra một tuyên bố chung về việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt Belarus với cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng di cư để thực hiện mục đích chính trị. Tuyên bố nhấn mạnh: "Các lệnh trừng phạt nhằm phản ứng trước những hành vi vi phạm nhân quyền và các quyền tự do cơ bản và coi thường các chuẩn mực quốc tế của Belarus".

Cụ thể, lệnh trừng phạt nhằm vào các quan chức an ninh và tư pháp cấp cao, các nhân vật truyền thông nổi tiếng, một người con trai của ông Lukashenko, các công ty liên quan đến quốc phòng và một nhà xuất khẩu phân bón lớn của Belarus.

Ngoài ra, lệnh trừng phạt cũng được áp dụng với hãng hàng không quốc gia Belavia, các công ty lữ hành và khách sạn bị cáo buộc đã hợp tác với chính phủ Belarus để đưa hàng nghìn người di cư Trung Đông đến các khu vực gần biên giới Ba Lan và Lithuania, gây ra cuộc khủng hoảng di cư và nhân đạo.

Phương Tây tiếp tục áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt với Belarus vì cuộc khủng hoảng di cư. Ảnh: AP.

Giới chuyên gia phân tích, năm 2020, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Belarus, chỉ đứng sau Nga. Do đó, cùng với những cuộc tập trận quân sự quy mô và hợp tác kinh tế với Nga, việc phát triển mối quan hệ với Trung Quốc là hướng đi đối phó với phương Tây “dễ hiểu” của Belarus.

Ông Brian Whitmore, học giả cao cấp tại Trung tâm Âu Á của Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) cho hay, bằng việc tăng cường mối quan hệ với Nga, ông Lukashenko đã biến Belarus thành một mặt trận "tiềm năng" trong căng thẳng Nga - Ukraine, đe dọa phá vỡ chuỗi cung ứng thương mại giữa châu Âu và châu Á. Trong khi đó, việc Belarus "bắt tay" với Trung Quốc, cường quốc vốn đang thúc đẩy mở rộng ảnh hưởng trên thế giới, sẽ càng khiến phương Tây lo ngại.

Một số nhà nghiên cứu quốc tế nhận xét, Tổng thống Alexander Lukashenko là người khó đoán định và rất biết cách nâng giá trị của mình. Do đó, hợp tác với Trung Quốc sẽ giúp các nhà lãnh đạo Belarus giảm nhẹ những khó khăn do vướng phải loạt các lệnh trừng phạt từ phương Tây. Đặc biệt, với những phản ứng “không khoan nhượng” của châu Âu trước vấn đề người di cư, bước đi này có thể dẫn Belarus đến một bàn đàm phán "dễ thở" khi đối mặt với các nước phương Tây.

Theo Aljazeera, Belarus đang lên kế hoạch đáp trả các lệnh trừng phạt mới từ phương Tây. Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko hôm 4/12 thông báo, Minsk sẽ công bố một loạt biện pháp trừng phạt kinh tế đáp trả trong tuần tới. Bên cạnh đó, Belarus cũng đang cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng di cư trước cuối năm nay.

Trước đó, Bộ Ngoại giao Belarus đã gay gắt lên án các biện pháp trừng phạt từ phương Tây: “Quyết định của EU áp dụng lệnh trừng phạt đối với Belarus là phi lý và các nội dung mà khối này đưa ra rất khó hiểu”. Cơ quan này cũng cáo buộc phương Tây đang làm xấu đi hình ảnh của Belarus trong khi gánh nặng trách nhiệm được đặt lên vai họ và lờ đi nguyên nhân thực sự của cuộc khủng hoảng di cư trên toàn cầu.

Linh Đan
.
.
.