Nỗ lực thu hẹp bất đồng

Thứ Tư, 21/06/2023, 05:33

Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được “tiến bộ” hướng đến ổn định mối quan hệ song phương đang lao dốc. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng, quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đang đi “đúng hướng”.

Phát biểu tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh ngày 19/6 cùng Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken, Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, việc Trung Quốc và Mỹ có thể hòa thuận với nhau hay không “có ảnh hưởng đến tương lai và vận mệnh của nhân loại”.

Ông nói: “Hai nước nên xử lý đúng đắn mối quan hệ Trung – Mỹ với thái độ có trách nhiệm với lịch sử, với nhân dân và với thế giới”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết thêm rằng, hai bên đã “đạt được tiến bộ và đạt được thỏa thuận về một số vấn đề cụ thể” trong các cuộc đàm phán sâu rộng giữa các quan chức cấp cao của Trung Quốc với Ngoại trưởng Antony Blinken. Trong khi đó, đánh giá về chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Quốc, Tổng thống Joe Biden nêu rõ: “Chúng tôi đang đi đúng hướng”.

blinken_tap_can_binh.jpg -0
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại cuộc gặp hôm 19/6 ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Khi được hỏi liệu ông có nhận thấy có sự tiến triển nào trong quan hệ song phương sau chuyến thăm Trung Quốc của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ hay không, ông nói: “Tôi không cảm thấy mà điều đó đã thực sự diễn ra”. Theo người đứng đầu Nhà Trắng, hai nước đã nhất trí ổn định hóa sự cạnh tranh lẫn nhau để không dẫn đến xung đột, nhưng hiện chưa tạo ra bất cứ sự đột phá đáng kể nào. Ông cũng cho rằng, Ngoại trưởng Antony Blinken đã thực thi tốt vai trò của mình. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ cũng nhất trí với quan điểm rằng hai nước “có nghĩa vụ quản lý mối quan hệ song phương một cách có trách nhiệm”.

“Rõ ràng là mối quan hệ giữa hai nước đang ở thời điểm bất ổn và cả hai bên đều nhận ra sự cần thiết phải hành động để ổn định nó”, ông Blinken nói, đồng thời cho rằng điều này có nghĩa là cần phải thiết lập đường dây liên lạc tốt hơn để đảm bảo “cạnh tranh không dẫn đến xung đột”. “Làm điều đó là vì lợi ích của Mỹ và Trung Quốc, làm điều đó cũng là vì lợi ích của thế giới và tôi nghĩ rằng chúng tôi đã có một bước đi tích cực theo hướng đó trong vài ngày qua”, ông nói thêm.

Trước đó, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có cuộc hội đàm “thẳng thắn, thực chất và mang tính xây dựng” với người đồng cấp Trung Quốc Tần Cương tại Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nêu rõ: “Ngoại trưởng (Antony Blinken) nhấn mạnh tầm quan trọng của ngoại giao và duy trì các kênh liên lạc mở về toàn bộ các vấn đề để giảm nguy cơ nhận thức và tính toán sai lầm”, đồng thời cho biết ông Antony Blinken đã mời người đồng cấp Trung Quốc tới Washington để tiếp tục thảo luận. Theo người phát ngôn Matthew Miller, hai bên đã nhất trí sắp xếp một chuyến thăm của ông Tần Cương tới Mỹ vào một thời điểm phù hợp.

Trong khi đó, các quan chức khác của Bộ Ngoại giao Mỹ tiết lộ, hai vị Ngoại trưởng đều bày tỏ mong muốn ổn định mối quan hệ giữa hai cường quốc, cũng như ngăn chặn nguy cơ cạnh tranh dẫn đến xung đột. Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Mỹ không muốn tách rời khỏi Trung Quốc và đã có thỏa thuận để hai bên tiếp tục đàm phán nhằm đạt được tiến bộ trong một số vấn đề.

Về phần mình, Ngoại trưởng Tần Cương làm rõ lo ngại của Trung Quốc về các lợi ích trọng tâm của nước này, trong đó có vấn đề Đài Loan, đồng thời cho rằng đây là “rủi ro nổi cộm nhất” trong quan hệ Trung - Mỹ. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, hai bên cũng đã nhất trí thảo luận về tăng cường các chuyến bay thương mại qua lại cũng như trao đổi sinh viên và doanh nhân.

Về phía giới phân tích chính trị, ông John Delury, một chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Yonsei ở Seoul đánh giá, mặc dù cả Mỹ và Trung Quốc đều mô tả chuyến thăm của ông Antony Blinken bằng những ngôn từ hoa mỹ nhưng các cuộc đối thoại của Ngoại trưởng Mỹ ở Bắc Kinh là thiếu thực chất bởi không có mục tiêu quan trọng nào được hai bên đàm phán ngoài việc đồng ý đối thoại. “Đó là một chỉ dấu cho thấy mối quan hệ hai bên đã xấu đi đến mức nào khi việc ngồi lại được với nhau để nói chuyện đã là một thành tích”, vị chuyên gia chia sẻ quan điểm.

Không nhất trí với quan điểm này, nhà phân tích Qinduo Xu, thành viên cấp cao tại Viện Pangoal, một tổ chức nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc cho rằng, chuyến thăm đã diễn ra tốt đẹp hơn nhiều người mong đợi, đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa ông Tần Cương và ông Antony Blinken: “Đó thực sự là cuộc thảo luận quan trọng giữa hai bên và tôi nghĩ những người ở Trung Quốc sẽ coi đó là một khởi đầu tốt”.

Ông nói thêm rằng: “Chính sách của Mỹ nói chung và chính sách của họ đối với Trung Quốc nói riêng vẫn không thay đổi. Vì vậy, bất kỳ sự cải thiện nào hầu hết sẽ đến từ các lĩnh vực mềm như kinh doanh, trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân hoặc mở một kênh liên lạc”. Vị chuyên gia kết luận, đó là điều mà Mỹ đang tìm kiếm nhưng phía Trung Quốc mong đợi nhiều hơn để ổn định mối quan hệ này, vì vậy đó có lẽ là khoảng cách giữa hai bên.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.