Những trở ngại đối với Phần Lan và Thụy Điển khi gia nhập NATO

Chủ Nhật, 22/05/2022, 10:08

NATO tuyên bố rằng Phần Lan và Thụy Điển sẽ được “chào đón với vòng tay rộng mở”, trong khi Tổng Thư ký Jens Stoltenberg cam kết quá trình gia nhập của họ sẽ “diễn ra nhanh chóng”. Tuy nhiên, con đường gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu này vẫn có thể gặp trở ngại, bất chấp các qui trình nội bộ của các nước xin gia nhập vào NATO đang được đẩy nhanh.

Những trở ngại lớn

Thứ nhất, câu hỏi lớn đặt ra là Nga sẽ phản ứng như thế nào trên thực tế, vì Moscow đã nhiều lần cảnh báo về những hậu quả, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí hạt nhân. “Rất có thể, Nga sẽ có hành động ngăn chặn tiến trình gia nhập của Phần Lan và Thụy Điển, hoặc triển khai lực lượng gần biên giới của họ trong tương lai.

Thật thiếu thực tế nếu cho rằng việc các nước này gia nhập NATO sẽ diễn ra dễ dàng”, Đại tá Andrus Merilo, chỉ huy Lữ đoàn bộ binh đầu tiên của Estonia tại căn cứ chiến đấu của NATO, nhận định. Nhưng một số nhà phân tích quân sự cho rằng Nga có thể không tấn công Phần Lan hoặc Thụy Điển nếu họ xin gia nhập NATO. Điều này một phần là do Moscow dường như không còn đủ nguồn lực ở thời điểm hiện tại, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Những trở ngại đối với Phần Lan và Thụy Điển khi gia nhập NATO -0
Tổng Thư ký Jens Stoltenberg nhận đơn xin gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan.

Trở ngại lớn hơn là vấn đề mang tính chính trị vì bất kỳ quốc gia nào muốn gia nhập NATO đều cần sự ủng hộ của các thành viên hiện tại. Và hiện NATO đang bất đồng trong đàm phán để Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối. Khi đại diện của các quốc gia thành viên NATO nhóm họp để tìm cách mở cuộc đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ được cho là đã chặn cuộc bỏ phiếu về việc bắt đầu đàm phán. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO, cáo buộc các nước Bắc Âu này hỗ trợ các nhóm mà Ankara coi là “khủng bố”.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cáo buộc hai nước nhắm mắt làm ngơ trước các hoạt động của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), mặc dù nhóm này nằm trong danh sách đen chống khủng bố của Liên minh châu Âu. “Phần Lan và Thụy Điển sẽ không giao những kẻ khủng bố cho chúng tôi, nhưng hai nước yêu cầu chúng tôi đồng ý với việc họ gia nhập NATO. NATO là một thực thể an ninh… do đó, chúng tôi không thể nói có để tước bỏ quyền an ninh của tổ chức an ninh này”, ông nói.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ không hoàn toàn "đóng cửa NATO" với hai nước trên. “Chúng tôi không đóng cửa. Nhưng về cơ bản chúng tôi đang nêu vấn đề này như một vấn đề an ninh quốc gia của Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Ibrahim Kalin, cố vấn chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu quan điểm.

Tuy nhiên, có thể trở ngại này chỉ là tạm thời và vấn đề thực sự có liên quan đến việc mua vũ khí của Mỹ mà Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt. Hồi tháng 10 năm ngoái, Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị mua 40 máy bay chiến đấu F-16 do Lockheed Martin sản xuất và gần 80 thiết bị hiện đại hóa cho các máy bay chiến đấu hiện có của họ, điều mà Washington cho đến nay vẫn chưa đáp ứng.

Việc bán vũ khí của Mỹ cho đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ gây tranh cãi sau khi Ankara mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 do Nga sản xuất, dẫn đến các lệnh trừng phạt của Mỹ khiến Thổ Nhĩ Kỳ bị loại khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35. Một nguồn tin trong NATO cho biết nếu rào cản bán hàng của Mỹ được dỡ bỏ, gần như chắc chắn quyền phủ quyết của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giảm.

Theo chân Thổ Nhĩ Kỳ, Croatia cũng có động thái tương tự. Tổng thống Croatia Zoran Milanovic ngày 18/5 cho biết, ông có kế hoạch chỉ thị cho Đại sứ Mario Nobilo, đại diện thường trực của nước này tại NATO, ngăn Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh quân sự này. Ông nói rằng, việc từ chối chấp thuận sẽ chuyển sự chú ý của dư luận quốc tế sang những vấn đề mà cộng đồng Croat ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina đang phải đối mặt. Bất bình lớn nhất của Croatia là hệ thống bầu cử hiện tại ở nước láng giềng Bosnia-Herzegovina, nơi có cộng đồng sắc tộc Croat được công nhận bình đẳng theo hiến pháp năm 1995. Croatia cho rằng, cần phải cập nhật luật bầu cử để người Croatia ở Bosnia-Herzegovina có thể bầu ra đại diện của chính họ, trái ngược với thông lệ hiện tại là để các đại diện này được bầu bởi cộng đồng người Hồi giáo Bosnia, còn được gọi là Bosniaks. Croatia đang muốn thúc đẩy Bosnia-Herzegovina sửa đổi luật bầu cử này.

“Như tôi nói trước đó, người Croat ở Bosnia-Herzegovina đối với tôi quan trọng hơn toàn bộ biên giới Nga-Phần Lan”, ông Zoran Milanovic nhấn mạnh. Tổng thống Croatia cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã “chỉ ra cách đấu tranh vì lợi ích quốc gia”, đồng thời nói rằng Ankara đã phản đối bất kỳ thỏa thuận nào nhằm kết nạp Thụy Điển và Phần Lan vào NATO cho đến khi họ từ bỏ hỗ trợ các lực lượng liên hệ với PKK”. “Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không thay đổi quyết định cho đến khi họ đạt được điều mình muốn”, ông lưu ý.

Ngoài Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia, không có quốc gia thành viên nào khác bày tỏ phản đối việc mở rộng NATO. Tuy nhiên, những ràng buộc về mặt lập pháp có thể là rào cản tiếp theo vì tất cả 30 quốc hội nước thành viên phải tranh luận và bỏ phiếu về vấn đề này và sau đó phê chuẩn đơn đăng ký tham gia của họ. Yêu cầu đồng thuận có nghĩa là chỉ cần “một phiếu không” duy nhất cũng có thể cản trở toàn bộ quá trình gia nhập NATO, một điều kiện tương tự như phương pháp mở rộng EU, nhưng dài hơn và phức tạp hơn nhiều. Các nhà ngoại giao NATO cho biết trên bình diện kỹ thuật, trở ngại nào cũng khó giải quyết khi cả hai nước đều tham gia, nhưng kỳ vọng cả hai nước có thể tham gia vào cuối năm nay.

Ý nghĩa của việc Phần Lan, Thụy Điển gia nhập NATO

Các chuyên gia Nga cho rằng, sự gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu nói trên sẽ thay đổi cơ bản liên kết chính trị ở châu Âu. “Với việc kết nạp hai quốc gia này vào Liên minh do Mỹ đứng đầu, NATO sẽ có lợi ở khu vực Tây Bắc châu Âu. Về cơ sở hạ tầng, Na Uy cũng sẽ được tăng cường, nước này tham gia khá tích cực vào các hoạt động của Liên minh”, người đứng đầu Trung tâm Nghiên cứu Bắc Cực tại Viện châu Âu của Viện Hàn lâm Khoa học Nga Valery Zhuravel nói.

Trong khi đó, Tổng Giám đốc Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế Andrey Kortunov nhấn mạnh rằng: “Biên giới Nga-Phần Lan cũng có thể đòi hỏi một số tăng cường và hiện đại hóa. Nhìn chung, hai quốc gia này tham gia liên minh sẽ dẫn đến sự thay đổi cán cân lực lượng ở biển Baltic”. Về phần mình, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tuyên bố rằng việc tiếp tục mở rộng NATO sẽ không mang lại an ninh lớn hơn cho châu Âu vì NATO đã mang tính chất “gây hấn”. Ông cũng lưu ý rằng ông không coi khả năng gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan như một mối đe dọa hiện hữu đối với Nga.

Đánh giá về việc phần lớn công dân Phần Lan ủng hộ việc gia nhập NATO, chuyên gia Andrey Kortunov nhận định: “Sự thay đổi mạnh mẽ trong dư luận Phần Lan gắn liền với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Đó là một cú sốc đối với xã hội và tầng lớp chính trị Phần Lan. Sự không chắc chắn đang gia tăng đối với nước này. Phần Lan đang thay đổi thái độ đối với NATO và theo một nghĩa nào đó, họ đang biện minh cho nhu cầu đảm bảo an ninh của mình trong bối cảnh địa chính trị biến động”.

Vị chuyên gia đặt nghi vấn: Câu hỏi đặt ra là quan điểm này ổn định như thế nào? Không rõ liệu sự ủng hộ gia nhập NATO sẽ tiếp tục ở Phần Lan trong vài tháng hay vài năm nữa. Tuy nhiên, giới lãnh đạo chính trị nước này đã quyết định không thể chờ đợi. Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Phần Lan Sauli Niinist cho rằng việc từ bỏ chính sách trung lập quân sự truyền thống sẽ là sai lầm.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.