Những “ông lớn” trên thị trường vũ khí

Thứ Bảy, 10/12/2022, 15:17

Theo đánh giá của tờ The Straits Times mới đây, thị trường vũ khí toàn cầu vẫn là một ngành kinh doanh béo bở. Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Sipri) ước tính từ năm 2012 đến 2021, các công ty vũ khí xuất khẩu 280 tỷ USD trang thiết bị cho các nước trên toàn thế giới. Và Đông Nam Á là một phần quan trọng của thị trường này.

Câu chuyện lòng tin

Đánh giá chung cho thấy, các quốc gia ở khu vực này thiếu các công ty quốc phòng lớn của riêng mình và phụ thuộc phần lớn vào các nhà sản xuất nước ngoài, bất chấp những nỗ lực trong nhiều năm nhằm phát triển các công ty bản địa. Khi cạnh tranh nước lớn leo thang và những tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải vẫn khó giải quyết, các quốc gia Đông Nam Á đều muốn loại bỏ các hệ thống vũ khí cũ kỹ và thay thế bằng các loại vũ khí tối tân hơn. Trong thập kỷ qua, thống kê cho hay 10 nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhập khẩu lượng vũ khí trị giá gần 24 tỷ USD, chiếm 8,6% tổng giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, kinh doanh vũ khí không chỉ là để kiếm tiền. Các chính phủ khuyến khích các công ty vũ khí của họ bán cho nước khác để củng cố hay tạo dựng mối quan hệ đối tác chiến lược mới. Nếu lực lượng vũ trang của hai quốc gia vận hành các trang thiết bị giống nhau, nó sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn cho quân đội hai nước huấn luyện và nếu cần thiết, là chiến đấu cùng nhau.

Những “ông lớn” trên thị trường vũ khí -0
Doanh số của Mỹ ở Đông Nam Á có thể thay đổi nếu Singapore đặt hàng chiến cơ tàng hình F-35 LightingII.

Lòng tin có ý nghĩa quan trọng sống còn. Khi một nước mua trang thiết bị quân sự từ nước kia, họ trở nên phụ thuộc vào nước đó về phụ tùng thay thế, đạn dược và việc nâng cấp trong các thập kỷ tiếp theo. Bởi vậy, đôi khi các đối thủ địa chính trị còn tìm cách chia rẽ hai nước đồng minh bằng việc đưa ra cho đối tác những gói mời chào bán vũ khí hấp dẫn khó có thể từ chối, đặc biệt là nếu có những căng thẳng trong nội bộ liên minh đó.

Điểm mặt các “ông lớn”

Thị trường vũ khí toàn cầu từ lâu đã bị Mỹ và Nga chi phối. Theo Sipri, từ năm 2012 đến năm 2021, Mỹ ở vị trí số 1 với doanh thu gần 100 tỷ USD trên toàn thế giới. Nga ở vị trí thứ 2 với 60 tỷ USD. Riêng ở Đông Nam Á, Nga ở vị trí số 1 với doanh thu 5,7 tỷ USD và Mỹ ở vị trí thứ 2 với 4 tỷ USD. Tuy nhiên, doanh số bán vũ khí ở khu vực này của cả các công ty quốc phòng Nga và Mỹ đều đang giảm xuống.

Sự hấp dẫn của vũ khí Nga đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi cuộc chiến Ukraine nổ ra. Các lệnh trừng phạt và kiểm soát xuất khẩu của phương Tây đã tác động mạnh đến lĩnh vực quốc phòng của Nga cũng như danh tiếng của trang thiết bị do Nga sản xuất. Ngoài ra, còn có mối đe dọa về các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào các nước mua vũ khí từ Nga. Vì lời đe dọa này mà năm 2021, Indonesia hủy đơn đặt hàng mua máy bay chiến đấu phản lực của Nga và vào đầu năm 2022, Manila đã chấm dứt hợp đồng với Moscow về việc cung cấp máy bay trực thăng quân sự.

Doanh số bán vũ khí của Mỹ cho Đông Nam Á cũng giảm - 51% từ giai đoạn 2012- 2016 đến giai đoạn 2017-2021. Nguyên nhân chủ yếu là do khách hàng lớn nhất của Mỹ trong khu vực là Singapore không mua nhiều trang thiết bị do Mỹ sản xuất như trước nữa.

Tuy nhiên, tình hình này có thể thay đổi nếu Singapore có đơn đặt hàng lớn đối với máy bay phản lực tiên tiến nhất của Mỹ - chiến cơ tàng hình F-35 Lighting II. Mỹ cũng có những khách hàng khác trong khu vực, trong đó có Indonesia đang mua máy bay chiến đấu F15 và Philippines sẽ mua máy bay trực thăng do Mỹ sản xuất thay vì của Nga.

Năm 2021, Trung Quốc là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 5 toàn cầu, sau Mỹ, Pháp, Nga và Italy. Trong năm này, các công ty Trung Quốc đã đạt doanh số bán hàng trị giá 1 tỷ USD ở hơn 40 quốc gia trên toàn thế giới. Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất của châu Phi.

Việc Trung Quốc trở thành bên tham gia lớn trên thị trường vũ khí toàn cầu không phải là điều ngạc nhiên. Trung Quốc có ngân sách quốc phòng lớn thứ 2 thế giới sau Mỹ và trong vài thập kỷ qua, Bắc Kinh đã rót nhiều tỷ USD vào ngành quốc phòng của riêng mình để giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài - đặc biệt là Nga - và tạo ra nguồn thu ngoại tệ mạnh.

Như đã đề cập ở trên, việc kinh doanh vũ khí không chỉ là tiền bạc, mà còn là việc giành được bạn bè và các nước đang suy yếu từ tay các đối thủ. Việc mua hàng từ Trung Quốc được đánh giá là có những lợi thế của nó, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển có ngân sách hạn chế. Các tập đoàn quốc phòng lớn của Trung Quốc có thể được chỉ đạo bán vũ khí với giá rất rẻ để có thể cạnh tranh. Chất lượng có thể không thật sự xuất sắc nhưng vẫn đủ tốt.

Chẳng hạn, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã bán xe tăng và tàu ngầm cho Thái Lan với mức giá mà các đối thủ cạnh tranh như Nga đơn giản không thể so được. Trong trường hợp tàu ngầm, Bangkok đã không thể từ chối đề nghị của Bắc Kinh, theo đó mua 3 chiếc với giá chỉ bằng 2 chiếc.

Tuy nhiên, bất chấp những thuận lợi này, doanh số bán vũ khí toàn cầu của Trung Quốc cũng sụt giảm - gần 30% từ giai đoạn 2012-2016 đến giai đoạn 2017-2021. Xu hướng sụt giảm này cũng thể hiện rõ ràng ở khu vực Đông Nam Á, nơi doanh số bán vũ khí của Trung Quốc giảm 40%, từ 1,36 tỷ USD xuống chỉ còn 844 triệu USD.

Vậy, nếu doanh số của cả Nga, Mỹ và Trung Quốc đều giảm thì vũ khí của nước nào đang được bán chạy ở Đông Nam Á? Câu trả lời lại là Hàn Quốc. Trong gần 2 thập kỷ, Hàn Quốc đã trở thành nước xuất khẩu vũ khí lớn, tăng từ vị trí thứ 31 năm 2000 lên vị trí thứ 8 năm 2001 và đang vững chắc tiến vào top 5. Trong 5 năm qua, Hàn Quốc có doanh thu bán vũ khí đạt 1,9 tỷ USD. Và Đông Nam Á là thị trường quan trọng nhất của Hàn Quốc, chiếm 44% doanh số bán vũ khí ra nước ngoài của nước này kể từ năm 2012, trong đó Indonesia là khách hàng toàn cầu số 1, Philippines số 2 và vị trí số 3 là Thái Lan.

Câu chuyện vẫn là sự hỗ trợ của nhà nước và giá cả phải chăng cũng như thái độ sẵn sàng chuyển giao công nghệ.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.
.