Những ngã rẽ mới khó lường trong bầu cử Tổng thống Mỹ

Thứ Bảy, 03/08/2024, 06:28

Chỉ còn 3 tháng nữa là đến cuộc tổng tuyển cử tháng 11, đường đua vào Nhà Trắng bất ngờ rẽ hướng với sự xuất hiện của ứng cử viên là đương kim Phó Tổng thống Kamala Harris. Bước ngoặt này đang khiến cuộc đua vào Nhà Trắng trở nên kịch tính và bất ngờ hơn bao giờ hết, đồng thời đẩy không chỉ chiến dịch tranh cử của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ mà còn cả ứng cử viên Donald Trump đến trước những ngã rẽ mới khó lường trước.

Lợi thế của bà Kamala Harris…

Vị nữ Phó Tổng thống này dường như có sức hấp dẫn hơn đối với các cử tri da màu và cử tri trẻ tuổi so với Tổng thống Joe Biden trước khi ông rời khỏi cuộc đua tái cử. Đây có thể là một lợi thế cho bà trong cuộc đối đầu dự kiến với đối thủ Donald Trump.

Cuộc thăm dò mới nhất của CNN/SSRS cho thấy bà Kamala Harris dẫn trước ông Donald Trump trong số các cử tri da mầu với tỷ lệ 78% so với 15%. Xu hướng tương tự cũng diễn ra trong số các cử tri Mỹ gốc Tây Ban Nha. Phó Tổng thống Kamala Harris có sự ủng hộ với tỷ lệ 47% so với 45% của ứng cử viên Donald Trump. Những cử tri dưới 35 tuổi cũng cho thấy sự thay đổi tương tự, với bà Kamala Harris nhận được 47% so với 43% của cựu Tổng thống Donald Trump.

Những ngã rẽ mới khó lường trong bầu cử Tổng thống Mỹ -0
Cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới quyết liệt trở lại khi tỷ lệ ủng hộ đối với hai ứng cử viên là ngang nhau. Ảnh: Getty Images.

Thực tế này cho thấy, Phó Tổng thống Kamala Harris dường như không có lựa chọn nào khác ngoài việc tập hợp những nhóm cử tri này. Khi bà tiếp tục khẳng định mình tách biệt với vai trò Phó Tổng thống trong chính quyền Tổng thống Joe Biden, rất có khả năng bà có thể tạo dựng bản sắc chính trị riêng và thu hút nhiều cử tri da màu và cử tri trẻ tuổi hơn.

Việc bà vượt trội hơn đương kim chủ nhân Nhà Trắng trong số các cử tri da màu cũng mang đến cho bà nhiều cơ hội hơn trong Đại cử tri đoàn. Bên cạnh đó, với lợi thế là tuổi trẻ và sự khác biệt, điều mà cả ông Donald Trump và ông Joe Biden đều không thể có được, bà Kamala Harris đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo các cử tri độc lập và những người không muốn chọn ai giữa ông Joe Biden và ông Donald Trump.

Vị nữ Phó Tổng thống cũng đã nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của đa số trong nội bộ cũng như cử tri đảng Dân chủ. Bà đã giải đáp được câu hỏi lớn nhất mà cử tri dành cho đương kim Tổng thống xứ sở cờ hoa, đó là khả năng đảm nhiệm chức vụ Tổng thống trong 4 năm tới.

Ngoài ra, với lợi thế là phụ nữ, gia đình nhập cư gốc Ấn và Jamaica, bà Kamala Harris cũng dễ dàng nhận được sự ủng hộ của các nhóm cử tri quan trọng, từng giúp đảng Dân chủ giữ được thế giằng co với đảng Cộng hòa trong bầu cử giữa kỳ năm 2022. Hiện bà Kamala Harris đã thu hẹp khoảng cách với ông Donald trên toàn quốc và tại các tiểu bang chiến trường quan trọng.

Cuộc thăm dò của Bloomberg News/Morning Consult đối với những cử tri đã đăng ký cho thấy bà Kamala Harris hiện dẫn trước đối thủ Donald Trump ở 4 tiểu bang chiến trường quan trọng (Michigan, Arizona, Wisconsin, Nevada), trong khi cựu Tổng thống Donald Trump dẫn trước ở hai tiểu bang (Pennsylvania, Bắc Carolina).

Hai đối thủ có tỷ lệ ủng hộ ngang nhau ở bang Georgia. Theo kết quả những lần bầu cử trước, ứng cử viên giành chiến thắng ở bang Georgia sẽ có khả năng được bầu làm tổng thống. Còn cuộc thăm dò do Quỹ Hành động tiến bộ của Siêu Ủy ban Hành động chính trị (PAC) Dân chủ ủy quyền, bà Kamala Harris đang dẫn trước đối thủ với tỷ lệ sít sao 48%-47% ở bang Georgia, trong khi ông Donald Trump dẫn trước 2% ở bang Pennsylvania.

Tuy nhiên, con đường đối với Phó Tổng thống Kamala Harris còn nhiều chông gai phía trước. Sự bi quan đối với đương kim Tổng thống Joe Biden không chỉ đến từ vấn đề tuổi tác mà còn trong các chính sách điều hành đất nước. Tiếp quản di sản của người tiền nhiệm, bà Kamala Harris cần chứng minh hoặc đưa ra các điều chỉnh chính xác để tìm kiếm sự ủng hộ của cử tri.

Bên cạnh đó, quan điểm về nhập cư và tội phạm còn mâu thuẫn cũng là một điểm yếu mà phe Cộng hòa có thể khai thác tấn công. Một yếu tố lịch sử nữa cũng có thể cản trở con đường của bà Kamala Harris là vấn đề phân biệt chủng tộc và giới tính vẫn dai dẳng tại Mỹ. Trong lịch sử nước này đã có tổng thống da màu nhưng chưa bao giờ có một tổng thống là phụ nữ.

…và thế khó của ông Donald Trump

Đối với vị cựu Tổng thống 78 tuổi này, lợi thế quan trọng nhất đó là sự ủng hộ trung thành của các cử tri Cộng hòa, cũng như việc ông gần như đã biến đảng Cộng hòa thành đảng của riêng mình. Không chỉ vậy, việc xử lý được xem là bản lĩnh của ông khi bị một tay súng ám sát hụt giữa tháng 7 vừa qua cũng giúp gia tăng uy tín với nhận định là tất cả những người ủng hộ sẽ đi bỏ phiếu cho ứng cử viên ưa thích của mình.

Ngoài ra, một số phán quyết của Tòa án tối cao theo khuynh hướng bảo thủ tại Mỹ như ông Donald Trump có một số quyền miễn truy tố hình sự cũng giúp ông này giảm bớt áp lực từ các vụ kiện hình sự đang diễn ra.

Tuy nhiên, điểm đặc biệt đối với ông Donald Trump và ê kíp tranh cử trong cuộc đua này là một số điểm vốn được coi là mạnh trong cuộc đua với ông Joe Biden lại đang trở thành điểm yếu. Về vấn đề tuổi tác, trí nhớ, năng lực… mũi dùi công kích nhằm vào ông Joe Biden giờ đã được chuyển sang cho ông Donald Trump, vốn hơn bà Kamala Harris tới gần 20 tuổi.

Ngoài ra, chiến dịch tranh cử, vốn được xây dựng trong 2 năm qua của ông cũng sẽ đối mặt với một đối thủ hoàn toàn mới, khác biệt rõ ràng so với ông Joe Biden. Việc chọn phó tướng J.D. Vance, một thượng nghị sĩ mới gần 40 tuổi, ít kinh nghiệm chính trường nhằm đối đầu với ông Joe Biden dường như mất đi tác dụng khi liên danh tranh cử này cạnh tranh với bà Kamala Harris.

Có thể khẳng định, cho đến thời điểm hiện tại, cuộc đua vào Nhà Trắng sắp tới quyết liệt trở lại khi tỷ lệ ủng hộ đối với hai ứng cử viên là ông Donald Trump và bà Kamala Harris là ngang nhau, mặc dù vị nữ Phó Tổng thống vẫn phải đợi kết quả bầu chọn trực tuyến của đảng Dân chủ tổ chức trong tuần này.

Một số yếu tố tác động đến kết quả bầu cử vẫn còn là ẩn số, ví dụ như việc bà Kamala Harris sẽ chọn ai làm liên danh tranh cử với mình, cuộc chiến Israel-Hamas hay xa hơn là cuộc xung đột Nga - Ukraine sẽ đi đến đâu. Đối với cuộc bầu cử tại Mỹ sau khi bà Kamala Harris chính thức bước vào cuộc đua thì chưa có kịch bản nào rõ ràng. Tập trung lại, có thể có một tình huống cụ thể như, bà Kamala Harris hoặc ông Donald Trump có thể thắng cử cả đầu phiếu phổ thông và đại cử tri hoặc thắng cử đầu phiếu phổ thông nhưng thất bại phiếu đại cử tri.

Đối với Hạ viện, đảng Dân chủ có thể giành lại quyền kiểm soát hoặc không thể đánh bại đảng Cộng hòa. Giới quan sát tại Mỹ nhận định, bất chấp kết quả bầu cử tổng thống thế nào, nguy cơ mất ổn định, từ chối không công nhận kết quả hoặc Hạ viện có thể có các hành động bất thường nhiều khả năng sẽ diễn ra. Ví dụ, trong trường hợp kết quả chiến thắng giữa hai ứng cử viên không rõ ràng, Chủ tịch Hạ viện hoặc phe Dân chủ trong Hạ viện có thể từ chối xác nhận một ứng cử viên là thắng cử hợp pháp.

Kể từ năm 1876 đến nay, Hạ viện Mỹ chưa xảy ra trường hợp phải bỏ phiếu để xác định người thắng cuộc. Tuy nhiên với những gì đã diễn ra trong cuộc bầu cử năm 2020, khi ông Donald Trump, lúc đó đang là đương kim Tổng thống tìm cách không công nhận kết quả bầu cử hoặc năm 2000 khi hai ứng cử viên phải đưa nhau ra tòa phân xử thì đây sẽ là kịch bản phức tạp nhất mà chưa ai dám bác bỏ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.