Những hệ lụy đặc biệt nguy hiểm tại Dải Gaza

Thứ Hai, 08/04/2024, 06:53

6 tháng sau khi xung đột giữa Israel với lực lượng Hồi giáo Hamas bùng phát tại Dải Gaza, tình hình khu vực đã có những diễn biến nguy hiểm về an ninh, địa chính trị, tác động xấu tới kinh tế thương mại khu vực và toàn cầu, trong đó có cả tuyến đường hàng hải quốc tế qua Biển Đỏ. Và trong những diễn biến mới nhất, chảo lửa Trung Đông lại đứng trước nguy cơ tăng nhiệt vì vụ tấn công tòa nhà lãnh sự Iran tại Syria hôm 1/4 vừa qua.

Dư luận quốc tế đã kêu gọi các bên kiềm chế, đồng thời cảnh báo bất kỳ những tính toán sai lầm có thể đẩy khu vực Trung Đông kề sát miệng hố chiến tranh với những hệ lụy đặc biệt nguy hiểm.

So với giai đoạn đầu của cuộc chiến, thương vong tại Dải Gaza đã tăng chậm lại, nhưng tính đến ngày 7/4 đã vượt quá 33.000 người thiệt mạng, gần 76.000 người bị thương, 8.000 người mất tích. Tình hình nhân đạo ngày càng trầm trọng hơn do hầu như toàn bộ 2,3 triệu dân ở Gaza phải rời bỏ nhà cửa. Không chỉ hệ thống y tế mà ngay cả các nhu cầu thiết yếu về lương thực, nước uống cũng không đủ đáp ứng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã mô tả "người Palestine ở Gaza đang trải qua các cấp độ kinh hoàng về nạn đói và đau khổ". Tuy nhiên, bỏ qua sức ép quốc tế về vấn đề nhân đạo, các cuộc tấn công của Israel vẫn diễn ra liên tục, với mục tiêu bao gồm cả các bệnh viện. Quân đội Israel cho rằng, các tay súng Hamas sử dụng các địa điểm dân sự để làm nơi trú ẩn và thực hiện các vụ phóng rocket.

Đầu tháng 2, Israel tuyên bố sẽ thực hiện chiến dịch đổ bộ vào TP Rafah, nơi đang có khoảng 1,4 triệu người Palestine sơ tán, khiến thế giới cảnh báo một thảm họa nhân đạo "kinh hoàng" là khó tránh khỏi. Giới quan sát không khỏi lo ngại nguy cơ một cuộc xung đột ảnh hưởng tới toàn bộ khu vực, giữa lúc cuộc chiến tại Dải Gaza vẫn chưa bớt căng thẳng.

bieutinh.jpeg -0
Người dân Israel biểu tình kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu nhanh chóng đạt được một thỏa thuận ngừng bắn tại Dải Gaza, tối 6/4.

Kể từ khi cuộc chiến Israel - Hamas bùng phát vào tháng 10/2023, cộng đồng quốc tế đã liên tục triển khai các nỗ lực ngoại giao để tìm lối thoát cho xung đột. Tuy nhiên, những mâu thuẫn chồng chất kéo dài hàng thập niên giữa Israel và Hamas đã trở thành rào cản gần như không thể vượt qua. Việc tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn mới trước tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo đi vào ngõ cụt. Lệnh tạm ngừng bắn kéo dài 1 tuần vào cuối tháng 11/2023, với hơn 100 con tin được giải thoát, đã tạo điều kiện cho hàng viện trợ nhân đạo cũng được đưa vào nhiều hơn cho người dân Gaza. Từ đó đến nay, những hy vọng ngừng bắn vừa lóe lên lại vụt tắt, do cả Israel và Hamas đều kiên quyết không xuống thang lập trường, bất chấp một đề xuất khung mang tính dung hòa do Mỹ đưa ra.

Bên cạnh đó, theo giới phân tích, với hàng chục tỷ USD viện trợ, chừng nào Mỹ còn tiếp tục ủng hộ Israel về mặt quân sự, chừng đó các cuộc tấn công của Israel tại Dải Gaza vẫn chưa dừng lại. Chính phủ liên minh khẩn cấp tại Israel vẫn còn tới 72 ghế trong quốc hội, thừa đủ để thông qua bất cứ quyết định chiến tranh nào.

Trong khi đó, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen nhằm vào tàu thương mại ở Biển Đỏ đang làm gián đoạn các ngành công nghiệp ở Yemen, đặc biệt là nghề đánh bắt cá, tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này, đồng thời gây cản trở hoạt động vận chuyển viện trợ nhân đạo cho người Palestine ở Dải Gaza cũng như làm gián đoạn thương mại toàn cầu.

Theo Tổng thư ký Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) Arsenio Dominguez, những sự cố như vụ chìm tàu Rubymar và vụ tấn công tàu True Confidence ở Biển Đỏ đe dọa nghiêm trọng an ninh, an toàn hàng hải và thương mại trên toàn cầu nói chung và ở các quốc gia trong khu vực nói riêng. Ông khẳng định: "Những sự cố như vậy tác động sâu rộng tới kinh tế thế giới, đe dọa trực tiếp chuỗi cung ứng toàn cầu khi gián đoạn vận tải container làm chậm việc giao hàng, tăng chi phí và lạm phát, gây ảnh hưởng tới an ninh năng lượng và an ninh lương thực".

Bên cạnh đó, theo người đứng đầu IMO, các cuộc tấn công ở Biển Đỏ gây tác động tiêu cực tới thương mại và kinh tế toàn cầu, khi vận tải biển chiếm hơn 80% tổng khối lượng thương mại hàng hóa. Các cuộc tấn công khiến các tàu hàng phải chuyển tuyến, đi vòng qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, làm tăng cước vận chuyển, đồng thời, tăng lượng khí thải từ các tàu phải di chuyển trên các tuyến đường dài hơn, trong khi IMO đang nỗ lực để giảm lượng phát thải này.

Mặc dù thế giới đã thay đổi nhưng Trung Đông vẫn là khu vực chiến lược hết sức quan trọng đối với nền kinh tế và chính trị toàn cầu. Là nơi cung cấp tới hơn 60% nhu cầu dầu mỏ và khí đốt cho nền kinh tế thế giới, nên bất cứ biến động nào xảy ra tại khu vực này cũng đều ảnh hưởng đến nguồn cung năng lượng cho các nước, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đỏ, cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Về chính trị, do chính sách của Mỹ và phương Tây ủng hộ cuộc chiến của Israel ở Gaza, thiên vị Israel trong xung đột Israel-Palestine và áp đặt các tiêu chuẩn về dân chủ, nhân quyền đối với các nước Arab, nên nhiều nước trong khu vực hiện đang dần dần chuyển sang chính sách hướng Đông và tăng cường quan hệ với Nga, Trung Quốc, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ... trong khi các nước khác đã xin gia nhập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) và Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO). Và trong chính sách hướng Đông hiện nay, nhiều nước Trung Đông rất quan tâm và đang mong muốn phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam.

Tròn 6 tháng trong bóng đen của cuộc xung đột, hay có người đã gọi là chiến tranh, những gì tàn khốc nhất, bạo lực, tấn công - đáp trả, khủng hoảng nhân đạo,... vẫn lan rộng, đang đe dọa cả khu vực. Những con số thương vong và mất tích, kể cả trực tiếp ở Gaza hay gián tiếp trong các vụ đụng độ, tấn công liên quan tới cuộc xung đột, vẫn không ngừng tăng, số phận của những con tin còn lại ở Dải Gaza vẫn mờ mịt. Đằng sau đó là những vết thương nhức nhối trong lòng xã hội, đối với cả người Palestine và người Israel, ở dải đất chưa có hòa bình.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.