Những gam màu chủ đạo bức tranh thế giới năm 2023

Thứ Hai, 01/01/2024, 07:17

Thế giới bước qua năm 2023 với nhiều biến động, khó khăn và thách thức, khi các vấn đề "nóng" như cuộc xung đột Nga-Ukraine, cuộc đối đầu Israel - Phong trào Hồi giáo Hamas, suy thoái kinh tế hay biến đổi khí hậu gây ra những tác động ở nhiều cấp độ khác nhau đối với các nước trên thế giới. Mặc dù vậy, trong bức tranh đầy "gam trầm" đó, vẫn xuất hiện những sự kiện tích cực, đem lại niềm vui và hy vọng.

Những "gam trầm"…

Cuộc tấn công ngày 7/10 của Phong trào Hồi giáo Hamas kéo theo hành động đáp trả quân sự của Israel đã đẩy khu vực Trung Đông tới bờ vực thảm họa nhân đạo. Tính đến ngày 24/12, hơn 21.300 người đã thiệt mạng và hơn 52.000 người bị thương. Nhờ nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, hai bên đã thực thi thỏa thuận ngừng bắn 7 ngày, bắt đầu từ ngày 24/11, trao đổi khoảng 320 con tin và tù nhân. Tuy nhiên, giao tranh tái diễn ngay khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ. Nguyên nhân gốc rễ của xung đột chưa được giải quyết khiến bạo lực có thể bùng phát bất cứ lúc nào, đe dọa an ninh toàn khu vực. Trong khi đó, tại châu Âu, cuộc xung đột Nga - Ukraine chuẩn bị bước sang năm thứ ba và đang rơi vào bế tắc, giao tranh tiếp diễn trong khi hai bên không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán. Phương Tây tiếp tục viện trợ vũ khí cho Kiev và áp đặt các gói trừng phạt mới chống lại Moscow. Nga chính thức rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu, hủy bỏ phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen. Đối đầu dai dẳng tiếp tục tác động tới an ninh, chính trị, kinh tế toàn cầu.

Những gam màu chủ đạo bức tranh thế giới năm 2023 -0
Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung được đánh giá là có ý nghĩa chiến lược và ảnh hưởng sâu xa.

Tại châu Phi, xu hướng thay đổi chính phủ một cách vi hiến tại nhiều quốc gia cũng góp phần tô thêm gam màu xám vào bức tranh thế giới năm 2023. Các cuộc binh biến do quân đội tiến hành lật đổ chính quyền tại Niger ngày 26/7/2023 và Gabon ngày 30/8/2023 đã tiếp nối làn sóng đảo chính tại Tây và Trung Phi với 8 cuộc đảo chính trong vòng 3 năm qua. Chúng cũng nối dài làn sóng đảo chính tại châu Phi diễn ra suốt 70 năm qua, tạo nhiều hệ lụy nghiêm trọng, làm suy yếu thể chế dân chủ ở lục địa này, tác động tiêu cực đến kinh tế và gia tăng nguy cơ khủng bố. Bất ổn chính trị càng làm trầm trọng thêm vấn đề nghèo đói, tình trạng bất bình đẳng xã hội. Lục địa đen sẽ vẫn phải đối mặt với các thách thức như xung đột, chia rẽ về kinh tế, an ninh, sắc tộc.

Năm 2023 cũng là năm chứng kiến sự hoành hành của các thảm họa và thiên tai. Trận động đất ngày 6/2 có độ lớn 7,8 - lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ trong gần một thế kỷ qua - đã làm khoảng 50.000 người tại Thổ Nhĩ Kỳ và gần 6.000 người ở Syria thiệt mạng. Cùng với đó là hàng loạt thảm họa nghiêm trọng khác: Động đất tại Maroc ngày 9/9 làm gần 3.000 người tử vong; tháng 9, bão Daniel gây lũ lụt kinh hoàng ở Libya cướp đi mạng sống của hơn 11.300 người và khoảng 10.100 người mất tích; giữa tháng 8, hơn 100 người tử vong, hàng trăm người mất tích do thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong 100 năm tại bang Hawaii (Mỹ). 

Trong năm qua, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển mạnh mẽ, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, thúc đẩy sự thay đổi của nhiều ngành nghề, song cũng tạo ra không ít thách thức. Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về AI tại Anh ngày 2/11 đã nhất trí cùng phối hợp quản lý những nguy cơ tiềm tàng từ AI; Liên minh châu Âu (EU) xúc tiến xây dựng bộ luật đầu tiên; Mỹ ban hành sắc lệnh hành pháp đầu tiên về quản lý AI nhằm đảm bảo AI được phát triển và ứng dụng theo cách an toàn, có trách nhiệm và vì lợi ích cộng đồng toàn cầu.   

… và những gam sáng

Những ngày cuối năm 2023 thế giới đã chứng kiến cuộc gặp trực tiếp đầu tiên sau khoảng một năm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại liên lạc quân sự song phương, hợp tác ngăn chặn vận chuyển fentanyl và chống biến đổi khí hậu. Cuộc gặp thượng đỉnh này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục leo thang do vấn đề Đài Loan (Trung Quốc), vụ Mỹ bắn hạ khinh khí cầu Trung Quốc và những xung đột liên quan đến thương mại, công nghệ điện tử và an ninh mạng. Tuy đã đạt được một số cải thiện nhất định, song, xu hướng cạnh tranh, giành ảnh hưởng giữa hai quốc gia trên tất cả các lĩnh vực, tại các khu vực trọng yếu dự kiến vẫn sẽ tiếp tục gia tăng.

Cũng trong những ngày cuối năm, những nỗ lực tập thể để chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã ghi dấu ấn đậm nét tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu lần thứ 28 (COP 28) diễn ra ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) khi một thỏa thuận được dư luận đánh giá là "lịch sử" đã được thông qua vào ngày 13/12. Trong đó các bên lần đầu tiên nhất trí chuyển đổi việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch - tác nhân chủ yếu gây ra tình trạng biến đổi khí hậu với những hệ quả ngày càng thấy rõ - trong các hệ thống năng lượng một cách công bằng, có trật tự và hợp lý, qua đó tiến tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; đồng thời, kêu gọi tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo trên toàn cầu vào năm 2030. Đây là bước tiến trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh năm 2023 được nhận định là năm nóng nhất trong 125.000 năm qua, đưa Trái Đất từ thời kỳ "ấm lên" sang thời kỳ "nung nóng". Dù vẫn còn nhiều kẽ hở và không có tính chất ràng buộc, chỉ đặt vấn đề cắt giảm chứ không loại bỏ việc sản xuất và tiêu thụ nhiên liệu hoá thạch, thỏa thuận đã cho thấy việc bảo vệ khí hậu chung của Trái Đất đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Cùng với bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, một trong những điểm nhấn của các nỗ lực bảo tồn thiên nhiên trong năm 2023 là thế giới bắt đầu ghi nhận xu hướng giảm nguy cơ tuyệt chủng ở động vật hoang dã. Theo Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), số lượng của những loài động vật bị đe dọa tuyệt chủng - linh dương Saiga, tê giác, hải cẩu hay sóc khổng lồ… vẫn tiếp tục tăng lên. Báo cáo của tổ chức này ghi nhận năm 2023, loài linh dương sừng mã tấu và linh dương saiga đang phục hồi và quần thể loài có xu hướng tăng. Tương tự số cá thể hải cẩu Địa Trung Hải và sóc chuối - một loài sống ở Indonesia cũng đang phục hồi. Những số liệu tích cực này đã giúp đưa những loài động vật trên ra khỏi danh sách các loài bị đe dọa tuyệt chủng. Số lượng tê giác châu Phi đã tăng 5% trong một năm, vượt quá 23.000 con.

Bên cạnh đó, nạn phá rừng giảm đáng kể tại Amazon. Theo số liệu từ Viện Nghiên cứu Không gian Brazil (INPE) công bố vào tháng 11/2023, nạn phá rừng ở Amazon đã giảm 22,3% trong vòng một năm, xuống mức thấp nhất trong 5 năm qua. Đây là tin vui cho hành tinh và cho hàng chục nghìn loài động thực vật đang sống trong vùng được gọi là "lá phổi xanh" của thế giới này. Theo Chính phủ Brazil, việc giảm nạn phá rừng từ tháng 8/2022 đến tháng 7/2023 đã giúp tránh được 133 triệu tấn khí phát thải CO2, tương đương 7,5% tổng lượng khí phát thải của nước này.

Những gam màu chủ đạo bức tranh thế giới năm 2023 -0
Cuộc xung đột Israel - Hamas vẫn tiếp diễn chưa có hồi kết.

Lĩnh vực kinh tế cũng mang lại một số gam màu sáng cho bức tranh thế giới năm qua. Năm 2023 là một năm vui đối với kinh tế thế giới khi Chỉ số bất ngờ kinh tế toàn cầu của City Group cho thấy, các số liệu thực tế trong năm luôn cao hơn dự báo. Thứ nhất, nền kinh tế thế giới đã thể hiện khả năng phục hồi đáng chú ý. Theo chỉ số toàn cầu của Fitch Ratings, trong quý III/2023, GDP thế giới cao hơn 9% so với mức trước đại dịch COVID-19. Thứ hai, lạm phát đang giảm nhanh. Lạm phát toàn cầu ở mức 8,9% vào năm  ngoái và dự kiến sẽ giảm xuống 5,1% vào cuối năm 2024. Thứ ba, lo ngại về chu kỳ chính sách tiền tệ kiểu "Núi Bàn" (lãi suất tăng cao và duy trì ở mức đỉnh trong thời gian dài, giống như ngọn núi có đỉnh phẳng mang tên Table Mountain tại Cape Town, Nam Phi) dần được xoa dịu. Các ngân hàng Trung ương lớn hiện có khả năng sẽ giảm lãi suất vào đầu năm 2024, sớm hơn so với dự kiến. Tiếp đến là, sự bùng nổ của thị trường tài chính. Các chỉ số hàng đầu của Phố Wall gần hoặc vượt mức cao kỷ lục trong tháng 12. Thị trường trái phiếu cũng kết thúc năm một cách mạnh mẽ. Cuối cùng, 2023 là một năm tốt đối với ngành công nghệ. Mặc dù vậy, nền kinh tế toàn cầu sẽ đối mặt với những thách thức trong năm 2024, từ các cuộc tổng tuyển cử cho đến tình trạng nợ công ngày một tăng. Tuy nhiên, sau màn thể hiện kiên cường trong năm 2023, vẫn có cơ hội để nền kinh tế thế giới phát triển tốt hơn dự kiến.

Cũng giống kinh tế, lĩnh vực y tế thế giới cũng có "động thái" tương tự. Năm 2023, thế giới đón nhận rộng rãi loại vaccine thứ hai ngừa bệnh sốt rét được cấp phép tiêm chủng cho trẻ em. Đây có thể được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc phòng chống bệnh sốt rét. Ngoài ra, công tác nghiên cứu về bệnh Parkinson cũng đạt được tiến bộ.

Trong lĩnh vực không gian - vũ trụ, một sự kiện nổi bật mà truyền thông quốc tế đặc biệt đề cập đến là những bức ảnh đầu tiên chụp từ kính viễn vọng không gian châu Âu Euclid. Những hình ảnh đó đã giới thiệu một hệ tinh vân rực rỡ giống như đầu ngựa. Đó là những thiên hà xa xôi chưa từng thấy trước đây và thậm chí có cả "bằng chứng gián tiếp" về sự tồn tại của vật chất tối khó nắm bắt. Dự kiến, từ nay đến năm 2029, Euclid - kính viễn vọng có trường quan sát rộng nhất trong lịch sử thiên văn học - sẽ có nhiệm vụ lập bản đồ 1/3 bầu trời với hàng tỷ thiên hà, để tạo ra bản đồ 3 chiều. Những hình ảnh tiếp theo sẽ được công bố vào tháng 1/2024. Nhân loại sẽ bước vào đầu năm 2024 đầy mơ mộng về những vì sao xa xôi.

Cũng trong lĩnh vực này, Ấn Độ trở thành quốc gia đầu tiên có tàu thám hiểm hạ cánh xuống cực Nam chưa được khám phá của Mặt Trăng, đồng thời phóng thành công tàu thăm dò Mặt Trời; Nhật Bản phóng tàu đổ bộ lên Mặt Trăng, trong khi tàu thám hiểm Luna-25 của Nga gặp sự cố khi đáp xuống hành tinh này; châu Âu đưa vệ tinh tìm hiểu "vũ trụ tối"; NASA khởi động nghiên cứu tiểu hành tinh Psyche. Ngày 4/12, Đại hội đồng LHQ đã thông qua nghị quyết về không triển khai vũ khí trong vũ trụ nhằm tăng cường quản trị không gian. 

Khổng Hà
.
.
.