Những điểm mấu chốt trong “Khái niệm chiến lược mới” của NATO

Chủ Nhật, 03/07/2022, 12:34

Trong khuôn khổ chiến lược mới, các thành viên trong NATO đã cam kết bảo vệ tự do và an ninh của tất cả các đồng minh, tái khẳng định “sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương giữa các quốc gia thành viên là điều cần thiết đối với an ninh của NATO”.

Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra từ ngày 28-30/6 ở Madrid, Tây Ban Nha được coi là cột mốc quan trọng, đánh dấu “sự chuyển biến” của định chế quân sự này ở cấu trúc, tầm nhìn chiến lược và các vấn đề quan tâm sẽ không chỉ còn giới hạn ở hai bờ Đại Tây Dương. Hội nghị năm nay không chỉ có sự tham dự của 30 nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO, mà còn có đại diện của các nước hiện không phải thành viên như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand cùng Phần Lan và Thụy Điển.

Những điểm mấu chốt trong “Khái niệm chiến lược mới” của NATO -0
Quang cảnh phiên làm việc ngày 29/6 tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO. Ảnh: NATO

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên đã thông qua “Khái niệm chiến lược mới”, với 4 trụ cột chính. Đây là một tài liệu quan trọng, đóng vai trò trung tâm trong việc hình thành các sáng kiến của NATO. Nó bao gồm các ưu tiên và mục tiêu của liên minh trong 10 năm tới, đồng thời thiết lập quan điểm chung về những thách thức đang nổi lên. Khái niệm đã xác định Nga, Trung Quốc là những mối đe dọa địa chính trị lớn, coi việc phổ biến vũ khí hạt nhân, chiến tranh mạng và biến đổi khí hậu là những thách thức lớn nhất trong 1 thập niên. Trong khuôn khổ chiến lược mới, các thành viên trong NATO đã cam kết bảo vệ tự do và an ninh của tất cả các đồng minh, tái khẳng định “sự gắn kết xuyên Đại Tây Dương giữa các quốc gia thành viên là điều cần thiết đối với an ninh của NATO”. Liên minh cũng đặt ra 3 nhiệm vụ cốt lõi: răn đe và phòng thủ, ngăn ngừa và quản lý khủng hoảng, hợp tác an ninh và tìm cách nâng cao khả năng ứng phó của cá nhân, tập thể cũng như tăng cường năng lực công nghệ.

“Khái niệm chiến lược mới” của NATO lên án chiến dịch quân sự mà Nga đang thực hiện tại Ukraine, cho rằng hành động này đã “vi phạm luật nhân đạo quốc tế”, “phá vỡ hòa bình” và “làm thay đổi nghiêm trọng môi trường an ninh” tại châu Âu, đồng thời coi Nga là “mối đe dọa trực tiếp nhất đối với an ninh và sự ổn định” của khối. “Nga đã vi phạm các chuẩn mực và nguyên tắc góp phần tạo nên một trận tự an ninh châu Âu ổn định. Chúng tôi không thể xem nhẹ khả năng xảy ra một cuộc tấn công nhằm gây tổn hại tới chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các nước liên minh”. “Khái niệm chiến lược mới” cho rằng hoạt động quân sự của Nga tại Biển Baltic, Biển Đen và ở khu vực Địa Trung Hải cũng như sự hợp tác quân sự giữa nước này với Belarus đang thách thức an ninh và lợi ích của liên minh. “Chúng tôi sẽ tiếp tục đáp trả các mối đe dọa và hành động thù địch của Nga một cách thống nhất và có trách nhiệm”.

Tuy vậy, khái niệm này khẳng định “NATO không tìm kiếm sự đối đầu và không gây ra mối đe dọa trực tiếp với Nga. Chúng tôi vẫn giữ các kênh liên lạc cởi mở với Moscow để quản lý và giảm thiểu rủi ro, ngăn chặn leo thang và tăng tính minh bạch”. Một số nhà phân tích cho rằng, tuyên bố của NATO về việc không tìm cách đối đầu với Nga dường như phản ánh ý kiến của công dân các nước thành viên. Trung tâm Nghiên cứu Pew đã tiến hành cuộc thăm dò dư luận đối với công dân tại các nước thành viên NATO về phòng thủ tập thể. Khi được hỏi liệu quốc gia của họ có nên bảo vệ đồng minh trước một cuộc tấn công tiềm tàng từ Nga hay không, khoảng 50% người được hỏi nói rằng đất nước họ không nên thực hiện điều này, trong khi 38% đưa ra quan điểm ngược lại.

Cũng trong “Khái niệm chiến lược mới”, NATO lần đầu tiên nêu rõ, ứng phó với Trung Quốc là một trong những ưu tiên chiến lược của liên minh trong thập kỷ tới. “Khái niệm chiến lược mới” cảnh báo tham vọng quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc, chỉ trích cách hành xử của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan và với các nước láng giềng, cũng như quan hệ hợp tác Nga-Trung. Dù cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chi phối các phiên thảo luận tại hội nghị, nhưng Trung Quốc vẫn đứng ở vị trí thứ tư trong các mối quan tâm về an ninh đáng lo ngại nhất của liên minh. 

“Trung Quốc không phải là đối thủ của chúng ta nhưng chúng ta phải nhìn rõ những thách thức nghiêm trọng mà họ đặt ra”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết sau khi trình bày Khái niệm chiến lược của NATO. Theo các nhà quan sát, đây là sự chuyển hướng ưu tiên rõ ràng của NATO, bởi trong Khái niệm chiến lược công bố năm 2010 liên minh này không hề đề cập đến Trung Quốc. Điều đó cho thấy NATO ngày càng nêu cao cảnh giác với Trung Quốc – đất nước có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có lực lượng quân đội phát triển nhanh chóng cả về số lượng lẫn công nghệ.

“Khái niệm chiến lược mới” cũng bày tỏ quan ngại về “quan hệ đối tác chiến lược ngày càng sâu sắc” giữa Nga và Trung Quốc, cho rằng, “nỗ lực hợp tác của 2 nước nhằm làm tổn hại trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đi ngược lại các giá trị và lợi ích của chúng ta”. “Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau một cách có trách nhiệm, với tư cách là các nước đồng minh, để giải quyết những thách thức mang tính hệ thống do Trung Quốc đặt ra đối với an ninh khu vực châu Âu-Đại Tây Dương và đảm bảo quốc phòng, an ninh của các thành viên”, Tổng Thư ký NATO cho hay. Đáng chú ý, Hội nghị Thượng đỉnh NATO lần này có sự tham dự lần đầu tiên của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand - một tín hiệu rõ ràng cho thấy NATO đang có xu hướng xây dựng một liên minh đối phó Trung Quốc.

Phản ứng trước “Khái niệm chiến lược mới” của NATO, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên nói rằng, các nước thành viên NATO đã “gây căng thẳng và kích động xung đột” bằng cách điều tàu chiến và máy bay vào các khu vực gần với lục địa châu Á và Biển Đông. Ông khẳng định, NATO nên “từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh, trò chơi tổng bằng không và không gây bất ổn cho châu Á cũng như toàn bộ thế giới”. Bà Stacie Goddard, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Wellesley, nhận định luận điểm trong “Khái niệm chiến lược mới” của NATO cho thấy tính cấp thiết phải ứng phó với sự cạnh tranh của các cường quốc. Bà viện dẫn cảnh báo của liên minh về mối quan hệ đối tác ngày càng sâu sắc giữa Nga-Trung là một thách thức đối với trật tự hiện có.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.