Những cái bắt tay ý nghĩa trong chuyến công du Trung Đông của Thủ tướng Nhật Bản
Chuyến thăm kéo dài 4 ngày của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đến 3 "ông lớn xuất khẩu năng lượng" tại Trung Đông được đánh giá là "đôi bên cùng có lợi", giúp Tokyo bảo đảm nguồn cung năng lượng ổn định và cũng là cơ hội để Arab Saudi, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Qatar thúc đẩy mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ.
Đây là chuyến công du Trung Ðông đầu tiên của Thủ tướng Kishida Fumio kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 10/2021, với các điểm đến đều là những nước đối tác hàng đầu của Nhật Bản trong khu vực. Bối cảnh quốc tế hiện nay tạo ra nhiều yếu tố bất ổn đối với thị trường năng lượng toàn cầu, đặc biệt là cuộc xung đột tại Ukraine, vì vậy, việc duy trì nguồn cung ổn định càng trở nên cấp thiết đối với Nhật Bản. Bởi lẽ đó, một trong những mục tiêu quan trọng trong chuyến công du của Thủ tướng Kishida Fumio là đạt được những cam kết bảo đảm nguồn cung năng lượng, bằng việc thắt chặt sợi dây gắn kết với 3 ông lớn dầu mỏ Trung Ðông.
Theo Arab News, cả 3 nước Arab Saudi, UAE và Qatar chiếm đến hơn 80% lượng dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản. Số liệu đầu năm nay cho thấy Arab Saudi là nhà cung cấp 40,68% dầu thô của Nhật Bản. "Tầm nhìn Arab Saudi -Nhật Bản năm 2030", được lãnh đạo hai nước đưa ra năm 2016, huy động sự tham gia của hơn 60 bộ và cơ quan chính phủ của hai bên, với hơn 100 dự án.
Thêm nữa, UAE là đối tác thương mại lớn thứ 7 và một trong những nhà cung cấp dầu mỏ chủ chốt của Nhật Bản trong khoảng 50 năm qua. Kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 54,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 57,5% so với năm 2021. Trong khi đó, Qatar mặc dù không phải nhà cung cấp dầu thô hàng đầu của Tokyo nhưng phần lớn khí thiên nhiên hóa lỏng của Nhật Bản nhập khẩu từ quốc gia Trung Ðông này.
Các chuyên gia nhận định, trong khuôn khổ chuyến công du Trung Ðông, người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản đã đạt được "những cái bắt tay cùng có lợi". Trong các chặng dừng chân ở Arab Saudi và UAE, hai quốc gia cung cấp khoảng 75% dầu thô nhập khẩu của Tokyo, Thủ tướng Kishida Fumio nhận được lời khẳng định sẽ tiếp tục bảo đảm nguồn cung.
Tại điểm đến cuối cùng là Qatar, hai bên cũng thảo luận về việc Qatar cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng cho Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định chuyến thăm của ông đã "đạt được mục tiêu chính", nhấn mạnh 3 nước Arab Saudi, UAE và Qatar là "đối tác vùng Vịnh quan trọng của Nhật Bản". Ông Kishida bày tỏ "lòng biết ơn sâu sắc tới lãnh đạo, các quan chức và người dân của 3 nước vì đã mang đến cơ hội quý giá này".
Trong khi năng lượng là ưu tiên hàng đầu của Nhật Bản thì đối với các nước Trung Ðông, giảm phụ thuộc vào nguồn thu từ dầu mỏ và đa dạng hóa nền kinh tế lại là yêu cầu cấp bách. Trên thực thế, nhiều quốc gia Trung Ðông từ lâu đã phụ thuộc không nhỏ vào xuất khẩu dầu mỏ và đây là nguồn thu chính của họ. Tuy nhiên, sự biến động khó lường của giá mặt hàng được gọi là "vàng đen" này đã gia tăng áp lực ngân sách lên các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ trong khu vực. Ðể vượt qua thách thức này, các nước trong khu vực, trong đó có Arab Saudi, UAE và Qatar đang nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ và tạo thêm nhiều việc làm trong những lĩnh vực kinh tế phi năng lượng.
Trong bối cảnh đó, phái đoàn kinh tế, gồm 40 công ty và tổ chức Nhật Bản, đã tháp tùng Thủ tướng Kishida trong chuyến công du tới Arab Saudi, UAE và Qatar. Phái đoàn không chỉ bao gồm các công ty thương mại tổng hợp, các công ty năng lượng lớn và công ty tài chính, mà còn cả các công ty khởi nghiệp. Sau chuyến thăm này, hàng chục thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, bao trùm nhiều lĩnh vực từ y tế, du lịch, giáo dục đến công nghiệp, nông nghiệp, công nghệ tiên tiến, trí tuệ nhân tạo, giao thông vận tải, kinh tế tuần hoàn. Tại Arab Saudi, Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, hai nước đang chuyển từ mối quan hệ mua bán dầu mỏ đơn thuần sang mối quan hệ đối tác toàn cầu mới cho kỷ nguyên phi carbon. Cũng nhân dịp này, Nhật Bản và Qatar nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Ðối tác chiến lược.
Bên cạnh đó, lời cam kết của Nhật Bản về việc hỗ trợ các nước giảm phát thải carbon cũng là kết quả tích cực mà ba nước UAE, Arab Saudi và Qatar thu được từ chuyến thăm của nhà lãnh đạo Nhật Bản. Theo đó, Thủ tướng Kishida Fumio bày tỏ mong muốn đóng góp vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững và thân thiện với môi trường của Trung Ðông. Tokyo sẽ tăng cường hợp tác với các nước sản xuất năng lượng xanh, cũng như ứng dụng công nghệ khử carbon tiên tiến. Giới chuyên gia nhận định, trong bối cảnh UAE và Arab Saudi nỗ lực thực hiện mục tiêu phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng 0 lần lượt vào năm 2050 và 2060, sự hỗ trợ từ Tokyo được đánh giá là có ý nghĩa rất quan trọng.
Ông Kishida lưu ý rằng việc giải quyết các vấn đề của ngành năng lượng là cốt lõi trong mối quan hệ của Nhật Bản với Trung Đông. Thủ tướng Nhật Bản lưu ý rằng 3 quốc gia vùng Vịnh có "ý chí mạnh mẽ để thoát khỏi mô hình kinh tế hiện tại, khi hơn một nửa thu nhập quốc dân của các nước này phụ thuộc vào xuất khẩu dầu khí, để hướng tới nguồn năng lượng phi cacbon và đa dạng hóa các lĩnh vực kinh tế". Tại các cuộc gặp các nhà lãnh đạo của Arab Saudi và UAE, ông Kishida đã đề xuất sáng kiến "hành trình xanh toàn cầu", được thiết kế để biến Trung Đông thành cơ sở cung cấp năng lượng sạch như hydro và amoniac. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ các nhà lãnh đạo Arab Saudi và UAE.
Chuyến công du Trung Ðông lần này của Thủ tướng Kishida Fumio giúp Nhật Bản giảm được mối lo về nguy cơ gián đoạn nguồn cung năng lượng, đồng thời là cơ hội để các nước Trung Ðông thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế và chuyển đổi xanh. Với thành công nêu trên, chuyến đi đã mang lại cái bắt tay cùng có lợi giữa Nhật Bản với UAE, Arab Saudi và Qatar.