Người Afghanistan khốn cùng sau trận động đất kinh hoàng

Thứ Ba, 10/10/2023, 07:28

Trận động đất kinh hoàng làm rung chuyển miền Tây Afghanistan không chỉ cướp đi hơn 2.400 sinh mạng mà còn đẩy hàng chục ngàn người khác vào cảnh khốn cùng. Tuy nhiên, rất khó để dòng viện trợ từ các nước nhanh chóng đến được với họ do mâu thuẫn chính trị giữa Taliban và cộng đồng quốc tế.

Với cường độ khoảng 6,3 độ richter, hai trận động đất liên hoàn xảy ra hôm 7/10 cách thành phố Herat, thủ phủ tỉnh cùng tên ở phía Tây Afghanistan, khoảng 40km, đã làm đổ sập hơn 1.300 ngôi nhà và khiến ít nhất 2.445 người thiệt mạng cùng hơn 2.000 người bị thương, Reuters ngày 9/10 trích dẫn số liệu của nhà chức trách Afghanistan xác nhận. Tại huyện Zinda Jan thuộc tỉnh Herat, khu vực là tâm chấn động đất, người dân đã hứng chịu hơn 5 giờ rung chấn liên tục. Ít nhất 9 ngôi làng trong huyện đã bị san bằng hoàn toàn và không còn công trình nào sót lại.

Người Afghanistan khốn cùng sau trận động đất kinh hoàng -0
Người Afghanistan cố gắng tìm kiếm người sống sót sau trận động đất kinh hoàng. Ảnh: AP

“Ngay từ trận động đất đầu tiên, mọi nhà cửa đều đổ sụp. Những người trong nhà đều bị chôn vùi. Có nhiều gia đình bạn bè chúng tôi đến nay vẫn chưa nghe được tin tức gì”, nhân chứng Bashir Ahmad kể. Theo các chuyên gia quốc tế, số lượng nạn nhân thiệt mạng sẽ còn tiếp tục tăng khi lực lượng cứu hộ tiếp cận hiện trường, khiến đây trở thành một trong những thảm họa cướp đi nhiều sinh mạng nhất xảy ra trên thế giới một năm qua, sau trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ-Syria hồi tháng 2/2023.

Giống gia đình ông Ahmad, tại Herat và nhiều khu vực lân cận, hàng ngàn người những ngày qua vật lộn với việc thiếu nước uống, thực phẩm; thậm chí lâm cảnh “màn trời, chiếu đất”, phải ngủ dưới tán cây trên vỉa hè vì hoặc là nhà cửa đã bị phá hủy, hoặc họ không dám trở về nhà do lo sợ dư chấn.

Ông Janan Sayeeq, phát ngôn viên cơ quan cứu hộ Afghanistan, thông tin, hiện có 10 đội cứu hộ đang triển khai công tác tìm kiếm ở Herat. Chính quyền ở Kabul cũng triển khai hàng chục chuyến bay đưa hàng viện trợ và vận chuyển người bị thương. Tuy nhiên, nhu cầu đột ngột và cấp bách về y tế, thực phẩm cũng như nơi ở tạm thời đang vượt quá năng lực ứng phó của chính quyền Taliban, tờ New York Times đánh giá.

Do vị trí xảy ra động đất là khu vực hẻo lánh và thiếu phương tiện cơ giới, các nỗ lực cứu hộ gặp thêm nhiều khó khăn. CNN dẫn lời ông Thamindri de Silva, người đứng đầu tổ chức cứu trợ World Vision ở Afghanistan, cảnh báo: “Tình hình tồi tệ hơn chúng tôi tưởng tượng khi người dân ở những ngôi làng bị tàn phá vẫn đang cố gắng hết sức để giải cứu những người sống sót dưới đống đổ nát bằng tay không”.

Ngoài lý do khách quan về địa lý, hệ thống y tế và cứu nạn dưới thời Taliban hoạt động thiếu hiệu quả, một phần bởi hầu hết nhân viên nữ giới bị cấm làm việc. Theo ông Silva, lực lượng tiếp viện từ thủ đô Kabul đã đến, “nhưng chỉ có một bệnh viện có thể hoạt động và bệnh viện đó hiện đang làm việc hết công suất”.

Từ phía cộng đồng quốc tế, trong bối cảnh chính quyền Taliban chưa được các quốc gia công nhận, dòng viện trợ đến người dân chịu ảnh hưởng bởi động đất đang rất hạn chế. Hơn 2 năm qua, cộng đồng quốc tế coi quyền được giáo dục của phụ nữ là một điều kiện quan trọng trong các cuộc đàm phán về viện trợ với Taliban, điều mà lực lượng này lựa chọn không đáp ứng. Đã có những cuộc thảo luận quy mô quốc tế về việc làm thế nào để vừa duy trì áp lực với Taliban, vừa tìm cách giúp đỡ người Afghanistan đứng vững trên đôi chân của chính họ, nhưng chưa có lời giải.

Ngay lúc này, chỉ có một số tổ chức trực thuộc Liên hợp quốc (LHQ) đang đẩy nhanh tốc độ phân phối nhu yếu phẩm cho người dân Tây Afghanistan với khối lượng hạn chế. Ông Stéphane Dujarric, người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ cho biết, các cơ quan và đối tác LHQ sẽ tiếp tục triển khai thêm các đội cứu trợ mới.

“Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng trên thực địa để nhanh chóng đánh giá nhu cầu và cung cấp hỗ trợ khẩn cấp”, ông Dujarric nói thêm. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres ngày 8/10 cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế “cùng nhau hỗ trợ những người Afghanistan bị ảnh hưởng bởi trận động đất”, nhưng chỉ nhận được sự hưởng ứng của một số ít quốc gia như Iran, Trung Quốc và Pakistan.

Theo giới chuyên gia, quãng “giai đoạn vàng” 72 giờ sau động đất đang trôi qua nhanh chóng, khiến cơ hội sống sót của những nạn nhân bị thương đang mắc kẹt dưới đống đổ nát nhanh chóng giảm đi. Việc mùa Đông lạnh giá đang đến gần sẽ khiến tình hình nhân đạo tại phía Tây Afghanistan tiếp tục xấu đi nhanh chóng. Thời gian qua, tình trạng hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh kéo dài khiến mùa màng thất thu, kinh tế Afghanistan tuột dốc.

Sản lượng kinh tế Afghanistan giảm 20,7%, trong khi GDP bình quân đầu người giảm 1/3 sau 2 năm từ khi Taliban nắm quyền. Trước động đất, LHQ đã cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ khi ước tính 28,3 triệu người dân Afghanistan, chiếm gần 70% dân số, phải sống dựa vào viện trợ trong năm 2023, tăng từ mức 24,4 triệu người vào năm 2022.

Thái Hà
.
.
.