Ngũ cốc của Ukraine chưa hết gặp khó
Ủy ban châu Âu (EC) ngày 15/9 (giờ địa phương) cho biết sẽ không gia hạn lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc của Ukraine đối với năm quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) là láng giềng của Kiev gồm Ba Lan, Romania, Bulgaria, Hungary và Slovakia.
Tuy nhiên, Warsawa, Budapest và Bratislava đã ngay lập tức phản ứng bằng cách áp đặt lại các lệnh cấm riêng. Theo đó, ba nước này chỉ tiếp tục cho phép các sản phẩm của Ukraine quá cảnh.
EU đưa ra quyết định trên sau khi Ukraine cam kết thực hiện các biện phát thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang các nước láng giềng. EU nói không còn lý do gì để kéo dài lệnh cấm vì những vấn đề trong nguồn cung dẫn đến lệnh cấm hồi tháng 5 vừa qua đã không còn. Ủy viên Thương mại EU Valdis Dombrovskis cho rằng, các nước nên kiềm chế thực hiện những biện pháp đơn phương nhằm cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, nhưng Ba Lan, Slovakia và Hungary đã ngay lập tức phản ứng bằng cách áp đặt lại các lệnh cấm riêng, khẳng định sẽ chỉ tiếp tục cho phép các sản phẩm của Ukraine quá cảnh. Cả ba nước cho rằng hành động của họ là vì lợi ích nền kinh tế trong nước.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ gia hạn lệnh cấm này bất chấp họ không đồng ý, bất chấp EC không đồng ý. Chúng tôi sẽ làm điều đó vì đó là lợi ích của nông dân Ba Lan”. Chia sẻ quan điểm này, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Robert Telus nêu rõ: “Lệnh cấm bao gồm bốn loại ngũ cốc, nhưng cũng theo yêu cầu của tôi, theo yêu cầu của nông dân, lệnh cấm đã được mở rộng để cấm cả các bữa ăn từ các loại ngũ cốc này: ngô, lúa mì, hạt cải dầu để những sản phẩm này cũng không ảnh hưởng đến thị trường Ba Lan”.
Trong khi đó, theo một nghị định của chính phủ công bố ngày 15/9, Hungary đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu trên toàn quốc đối với 24 nông sản của Ukraine, trong đó có ngũ cốc, rau, một số sản phẩm thịt và mật ong. Bộ trưởng Nông nghiệp Slovakia cũng có động thái tương tự khi công bố lệnh cấm ngũ cốc Ukraine. Cả ba quốc gia nói trên chỉ cấm nhập ngũ cốc Ukraine vào thị trường trong nước, không làm ảnh hưởng đến ngũ cốc được vận chuyển sang các thị trường khác.
Theo nhận định của ông Terry Reilly, chiến lược gia nông nghiệp cấp cao của Marex – một công ty dịch vụ tài chính có trụ sở tại Vương quốc Anh, miễn là Ukraine có thể chứng minh rằng ngũ cốc sẽ được vận chuyển đến quốc gia khác bằng xe tải và tàu hỏa thì lệnh cấm sử dụng trong nước sẽ không thực sự ảnh hưởng đến khả năng xuất khẩu của Ukraine ra nước ngoài. Vị chuyên gia đồng thời cho rằng, gián đoạn xuất khẩu ở Biển Đen là mối lo ngại lớn hơn. Trước đó, EU đã thiết lập các tuyến đường bộ thay thế, được gọi là “Làn đường đoàn kết”, để Ukraine sử dụng cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc sau khi Nga rút khỏi Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen hồi tháng 7.
Khác với 3 nước láng giềng, ngày 15/9, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Romania tuyên bố, kế hoạch của nước này nhằm tăng gấp đôi khối lượng ngũ cốc của Ukraine vận chuyển qua cảng Constanta trong những tháng tới lên 4 triệu tấn là khả thi. Theo quan chức này, các biện pháp nhằm nâng cao năng lực vận tải bao gồm việc tăng cường nhân viên để tạo thuận lợi cho tàu thuyền đi vào kênh Sulina dẫn tới cảng Constanta và một dự án do EU tài trợ nhằm giúp con kênh này lưu thông suốt ngày đêm.
Bên cạnh đó, việc chuyển ngũ cốc từ tàu nhỏ sang tàu lớn hơn ngay tại cảng cũng sẽ giúp tăng năng lực vận chuyển thêm 500.000 tấn mỗi tháng. Hãng tin Reuters dẫn số liệu do cảng Constanta công bố cho thấy, trong 8 tháng qua, Ukraine đã vận chuyển 9,2 triệu tấn ngũ cốc qua cảng bên bờ Biển Đen này, vượt khối lượng ngũ cốc vận chuyển của cả năm 2022.
Về phía Nga, Đại sứ nước này tại Mỹ Anatoly Antonov ngày 16/9 tuyên bố, Moscow đã nhiều lần khẳng định cơ hội khôi phục Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen luôn rộng mở và Washington nên thực sự dỡ bỏ các rào cản trừng phạt. Ông nêu rõ: “Giới chức Nga, cả cấp cao nhất, đã nhiều lần nhấn mạnh cơ hội khôi phục hoạt động của “Sáng kiến (ngũ cốc) Biển Đen” vẫn luôn rộng mở. Chỉ cần đảm bảo các yêu cầu chính đáng của phía Nga được đáp ứng, từ đó những thỏa thuận do Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian sẽ được thực thi nghiêm túc”.
Ông tái khẳng định các thỏa thuận nêu trên không chỉ bao gồm phần việc của Ukraine, mà còn cả Bản ghi nhớ (MoU) không kém phần quan trọng giữa Liên bang Nga và Ban Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về việc xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm và phân bón của Moscow ra thị trường thế giới. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 10/9 cũng tái khẳng định Nga sẽ quay trở lại Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen nếu các điều kiện của Moscow liên quan đến hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của nước này ra thị trường toàn cầu được đáp ứng. Trước đó, cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Washington hiện không nhận thấy triển vọng các bên nhanh chóng quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, vì Moscow đang thay đổi các yêu cầu trong vấn đề này.
Hiện Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đang lên kế hoạch gặp riêng Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky vào tuần tới để thảo luận về việc gia hạn thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen. Ông cũng cho biết không có kế hoạch tổ chức cuộc họp chung với sự tham dự của đại diện cả 3 quốc gia trên. Người đứng đầu LHQ khẳng định sẽ làm mọi thứ có thể để nối lại thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen, hỗ trợ hoạt động xuất khẩu thực phẩm của Ukraine. Dự kiến, các cuộc gặp trên nằm trong khuôn khổ Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ, diễn ra từ ngày 19-23/9 tại TP New York (Mỹ).
LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian cho Sáng kiến ngũ cốc Biển Đen nhằm giúp giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng trầm trọng do xung đột giữa Nga và Ukraine - hai nước xuất khẩu ngũ cốc hàng đầu thế giới. Trong khuôn khổ sáng kiến đạt được hồi năm ngoái, Nga và LHQ đã ký MoU về việc tạo điều kiện cung cấp các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga ra thị trường thế giới.
Trong khi đó, Ukraine ký thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ và LHQ về xuất khẩu thực phẩm và phân bón an toàn từ Ukraine qua Biển Đen. Thỏa thuận đã 3 lần được gia hạn và hết hiệu lực vào ngày 17/7 vừa qua. Nga đã đình chỉ tham gia thỏa thuận trên từ tháng 7 và giải thích rằng, phần liên quan đến Moscow trong thỏa thuận đã không được thực hiện.