Ngoại giao tôn giáo - Quyền lực mềm ở Trung Đông

Thứ Tư, 06/11/2024, 14:48

Ngoại giao tôn giáo ở Trung Đông là một thành phần thiết yếu của các quan hệ quốc tế trong khu vực giàu tính đa dạng văn hóa và tín ngưỡng này. Đây là một hình thức ngoại giao đặc biệt, thường liên quan đến những tương tác giữa các quốc gia, các nhóm chính trị và các tổ chức tôn giáo, nhằm thúc đẩy hòa bình, giải quyết xung đột và tăng cường sự hiểu biết liên tôn giáo.

Tòa Thượng phụ Maronite

Là một trong những thể chế tôn giáo Kito Đông Phương lớn ở Trung Đông. Giáo hội này đóng một vai trò quan trọng, đặc biệt ở Lebanon, nơi Thượng phụ Giáo chủ thực thi quyền lực tinh thần đối với cộng đồng và đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định học thuyết và thực hành tôn giáo của người Maronite. Tòa Thượng phụ Maronite thường hành động với tư cách là người bảo vệ các lợi ích chính trị, xã hội và tôn giáo của cộng đồng người Maronite ở Lebanon và khu vực, can thiệp vào các vấn đề chính trị và xã hội để bảo vệ quyền lợi của các tín đồ Kito giáo và thúc đẩy sự tham gia của họ vào đời sống cộng đồng.

1.jpg -0
Thánh địa Mecca.

Tòa Thượng phụ Maronite đã đóng vai trò chính trị quan trọng ở Lebanon trong phong trào nhằm đạt được sự rút quân của quân đội Syria vào năm 2005, cùng với Đức Hồng y Thượng phụ Mar Nasrallah Boutros Sfeir. Giáo hội này đã đóng góp vào một số khía cạnh của quá trình này theo nhiều cách, nhưng quan trọng nhất là thông qua việc huy động dư luận, như một tiếng nói tinh thần có ảnh hưởng đối với người Maronite và các cộng đồng Kito giáo khác ở Lebanon.

Chính sách ngoại giao của Vatican ở Trung Đông

Vatican đóng một vai trò quan trọng ở Trung Đông trên nhiều cấp độ. Tòa thánh đặc biệt tham gia cuộc đối thoại liên tôn giáo với các cộng đồng tôn giáo khác nhau hiện diện ở Trung Đông. Ở cấp độ hợp tác đại kết (giáo hội toàn thế giới), Tòa thánh duy trì mối quan hệ với các giáo hội Kito khác hiện diện ở Trung Đông, đặc biệt là các giáo hội Chính thống Đông Phương và các giáo hội Tin Lành, nhằm mục đích củng cố sự hợp nhất Kito giáo trong khu vực và thúc đẩy hợp tác về các vấn đề cùng quan tâm.

Vai trò ngoại giao tôn giáo của Vatican có thể khác nhau tùy theo hoàn cảnh và nhu cầu cụ thể của mỗi quốc gia. Lebanon là quốc gia nơi Vatican đóng vai trò quan trọng. Ở Israel và Palestine, Vatican có mối quan tâm đặc biệt đến Thánh địa. Tại Iraq, Syria và Ai Cập, có một cộng đồng tín đồ Kito Coptic, những quốc gia này, cũng như các quốc gia khác ở Trung Đông, là những điểm tập trung quan trọng cho chính sách ngoại giao tôn giáo của Vatican do tính đa dạng tôn giáo, những thách thức chính trị và xã hội cũng như tầm quan trọng tôn giáo đối với các Kito hữu và các cộng đồng tôn giáo khác.

Tòa Thượng phụ đại kết Chính thống giáo

Tòa Thượng phụ đại kết Chính thống giáo ở Istanbul là trụ sở lịch sử của Tòa Thượng phụ đại kết. Tòa Thượng phụ đại kết tích cực tham gia cuộc đối thoại liên tôn giáo với các tín ngưỡng khác. Vai trò chính trị của Tòa thượng phụ đại kết Istanbul, đặc biệt ở Trung Đông, rất phức tạp và thường tế nhị vì nhiều yếu tố. Với tư cách là trụ sở của Giáo hội Chính thống, nó có tầm quan trọng lịch sử và biểu tượng quan trọng đối với các cộng đồng Chính thống giáo trên khắp thế giới, đặc biệt ở khu vực Trung Đông, nơi có nhiều cộng đồng Chính thống giáo. Mặt khác, Tòa Thượng phụ duy trì mối quan hệ với chính phủ của các quốc gia nơi có các cộng đồng Chính thống giáo, đặc biệt ở Thổ Nhĩ Kỳ, Syria, Hy Lạp, Ai Cập và các quốc gia khác trong khu vực. Những mối quan hệ này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, tôn giáo và văn hóa, và Tòa thượng phụ có thể đóng vai trò trung gian hoặc tư vấn trong các vấn đề tôn giáo và xã hội. Cuối cùng, với tư cách là một tổ chức tôn giáo, Tòa Thượng phụ đại kết tìm cách thúc đẩy hòa bình, hòa giải và công bằng xã hội ở khu vực Trung Đông.

Các thể chế Hồi giáo và quyền lực mềm

Các thể chế Hồi giáo tại các quốc gia Arab do ảnh hưởng của các cuộc xung đột nên trở thành những thực thể bị chia cắt, hay có thể nói là trở thành một “chiến lợi phẩm” được trao đổi bởi các phe phái chính trị và quân sự tham gia xung đột ấy. Chẳng hạn như ở Libya, Syria hay Yemen, nơi số phận của tất cả các tổ chức Hồi giáo, kể cả các bộ, trường học, cơ sở thanh niên, cơ quan và tổ chức từ thiện, đều gắn liền với số phận của các quốc gia này, đã bị chiến tranh tàn phá và chia cắt. Trong những môi trường xung đột này, các tổ chức Hồi giáo thường nhạy cảm với các ảnh hưởng kinh tế và ý thức hệ bên ngoài hơn, cho dù nguồn gốc của những ảnh hưởng này đến từ các cường quốc khu vực đang tiến hành các cuộc chiến tranh ủy nhiệm hay các cường quốc thế giới phương Tây.

3.jpg -1
Các tổ chức Hồi giáo, đặc biệt là các trường đại học và trường tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo lớp trẻ Hồi giáo.

Các tổ chức và giáo sĩ Hồi giáo đóng vai trò trung gian quan trọng giữa các chế độ cầm quyền và xã hội mà họ cai trị. Trong mối quan hệ của họ với lĩnh vực tôn giáo và các đại diện tôn giáo, các nhà lãnh đạo Arab sử dụng nhiều phương tiện linh hoạt giữa đối thoại và cố gắng phân cực, cho đến bất đồng và cưỡng ép. Do đó, tầm quan trọng của các tổ chức này không thể bị xem thường với vai trò là những cánh cửa, qua đó có thể quan sát được những khác biệt mang tính cơ cấu giữa các quốc gia Arab và sự thiếu tính hợp pháp của chế độ mà họ cai trị.

Quyền lực mềm của các tổ chức Hồi giáo dựa vào khả năng của họ trong việc gây ảnh hưởng đến các nhận thức, ý tưởng và hành vi thông qua các biện pháp không mang tính cưỡng ép, chẳng hạn như văn hóa, tôn giáo, giáo dục, truyền thông và viện trợ nhân đạo. Về mặt giáo dục, các tổ chức Hồi giáo, đặc biệt là các trường đại học và trường tôn giáo, đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo lớp trẻ Hồi giáo. Ngoại giao tôn giáo - tức là các tổ chức Hồi giáo, kể cả các tổ chức tôn giáo và các nhà lãnh đạo tôn giáo - gây ảnh hưởng thông qua việc tham gia các cuộc đối thoại liên tôn giáo, hội nghị quốc tế và các sáng kiến hòa giải. Các tổ chức này giúp thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác và hòa bình giữa các cộng đồng tôn giáo và quốc gia khác nhau.

Liên đoàn Hồi giáo thế giới (IML)

Được thành lập vào năm 1962, đặt trụ sở tại Mecca, Saudi Arabia, IML là một tổ chức nhằm mục đích quảng bá Hồi giáo Sunni trên toàn thế giới. Tổ chức này cung cấp hỗ trợ tài chính và hậu cần cho những người Hồi giáo có nhu cầu trên khắp thế giới và hỗ trợ các sáng kiến giáo dục và văn hóa nhằm củng cố bản sắc Hồi giáo. IML còn tổ chức các hội nghị, hội thảo và các chương trình đối thoại liên tôn giáo nhằm thúc đẩy sự hiểu biết và hợp tác giữa các tôn giáo. Ngoài việc thực hiện các hoạt động từ thiện, giáo dục, truyền bá đạo Hồi và đối thoại liên tôn giáo, tổ chức này còn thường tham gia các sáng kiến nhằm quảng bá hình ảnh tích cực của đạo Hồi và chống lại chủ nghĩa cực đoan bạo lực.

Ngân hàng phát triển Hồi giáo (IDB)

Được thành lập năm 1973 và có trụ sở chính tại Jeddah, Saudi Arabia, IDB là tổ chức tài chính quốc tế có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội ở các quốc gia thành viên Hồi giáo, theo nguyên tắc Sharia (luật Hồi giáo). Ngân hàng này được thành lập sau Hội nghị Hồi giáo về hợp tác kinh tế được tổ chức tại Mecca năm 1970, với mục đích đáp ứng nhu cầu tài chính của các nước Hồi giáo thành viên. Sứ mệnh của IDB là thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội bền vững ở các quốc gia Hồi giáo thành viên và cộng đồng Hồi giáo ở cá khu vực khác trên thế giới. IDB tìm cách giảm nghèo, cải thiện cơ sở hạ tầng, kích thích tăng trưởng kinh tế và tăng cường năng lực thể chế. Nó hoạt động như một tổ chức tài chính phát triển thông thường, nhưng hoạt động của nó tuân thủ các nguyên tắc Sharia.

IDB sử dụng một loạt công cụ tài chính Hồi giáo cho hoạt động của mình, chẳng hạn như tài trợ thông qua Mudarabah (quan hệ đối tác), tài trợ thông qua Murabaha (bán kiếm lời), tài trợ thông qua Ijara (cho thuê) và các công cụ phù hợp với Sharia. Bởi vậy, IDB đóng một vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho sự phát triển kinh tế và xã hội của các quốc gia Hồi giáo thành viên, tôn trọng các nguyên tắc của Sharia và góp phần giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống của người dân trong và ngoài khu vực.

Bộ các vấn đề Hồi giáo

Tuy thay đổi tùy theo quốc gia và bối cảnh cụ thể, nhưng nhìn chung Bộ các vấn đề Hồi giáo của các thể chế đều liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích tôn giáo và văn hóa của đất nước ở nước ngoài, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại, hợp tác với các quốc gia và tổ chức tôn giáo khác.

Tóm lại, ngoại giao tôn giáo trong thế giới Hồi giáo là một khía cạnh quan trọng của quan hệ quốc tế ở Trung Đông, được đặc trưng bởi sự đa dạng trong thực tiễn và cách tiếp cận giữa các quốc gia Hồi giáo. Ngoại giao tôn giáo ở Trung Đông vừa là thách thức vừa là cơ hội để thúc đẩy hòa bình, ổn định và tôn trọng lẫn nhau trong một khu vực thường xuyên xáo động này.n

Huy Thông
.
.
.