Ngăn “thùng thuốc súng” Trung Đông phát nổ

Chủ Nhật, 04/08/2024, 09:49

Tình hình khu vực Trung Đông đang trở nên căng thẳng chưa từng có sau hai vụ ám sát xảy ra chỉ cách nhau vài giờ đồng hồ nhằm vào hai quan chức cấp cao của phong trào Hamas tại Dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở Lebanon, làm dấy lên lo ngại về khả năng leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bên đều không muốn “kích hoạt” một cuộc đối đầu toàn diện.

Hamas xác nhận lãnh đạo chính trị của phong trào này Ismail Haniyeh đã thiệt mạng trong một cuộc không kích rạng sáng 31/7 tại Thủ đô Tehran, sau khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Iran. Trong khi đó, quân đội Israel thông báo Fuad Shukr, chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah và là cánh tay phải của thủ lĩnh Hassan Nasrallah, đã tử vong đêm 30/7 khi Israel không kích vào miền Nam Thủ đô Beirut của Lebanon sau cuộc tấn công tại Cao nguyên Golan hồi tuần trước.

3_8_2024_quocte_trungdong-1722739827463.jpg
Khung cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống khu vực ngoại ô Thủ đô Beirut của Lebanon hôm 30/7. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, vụ ám sát ông Ismail Haniyeh là một đòn giáng mạnh với Hamas về mặt chiến lược. Là nhân vật nổi tiếng, lãnh đạo các hoạt động chính trị của Hamas từ bên ngoài, mất ông Ismail Haniyeh đồng nghĩa với việc phong trào này mất đi nhân vật chính trị công khai, có thể là một bước thụt lùi lớn đối với các hoạt động quốc tế của họ. Bên cạnh đó, địa điểm và thời gian xảy ra vụ ám sát lần này rất nhạy cảm và được xem là hành động khiêu khích nghiêm trọng, đánh thẳng vào Iran về mặt biểu tượng.

Thêm vào đó, vụ ám sát ông Ismail Haniyeh được cho sẽ cản trở tiến trình đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin giữa Israel và Hamas. Trong khi đó, với Hezbollah, cái chết của chỉ huy quân sự cấp cao nhất Fuad Shukr cũng tiềm ẩn những đòn đáp trả nhằm vào Israel. Trong những phản ứng đầu tiên, Lãnh tụ tối cao Iran, ông Ali Khamenei tuyên bố “bổn phận” của Tehran là phải trả thù. Thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah cũng tuyên bố các vụ ám sát đã vượt qua “lằn ranh đỏ” khiến cuộc chiến giữa hai bên đã “bước sang giai đoạn mới”. Đáp lại, Israel cũng đưa ra những tuyên bố đầy cứng rắn khi Thủ tướng Benjamine Netanyahu tuyên bố Tel Aviv đã sẵn sàng “cho mọi kịch bản, đồng thời cảnh báo “Israel sẽ khiến cho bất kỳ hành vi xâm lược nào cũng phải trả một cái giá đắt”.

Tuy nhiên, bất chấp những phát ngôn cứng rắn, có nhiều dấu hiệu cho thấy các bên đều không muốn “kích hoạt” một cuộc đối đầu toàn diện. Israel có nguy cơ sa lầy ở Dải Gaza. Iran và Hezbollah đều có những khó khăn nội bộ cần tập trung giải quyết. Giới phân tích cho rằng, cũng giống như các đợt xung đột trước, vòng đối đầu trả đũa lần này vẫn có thể được khống chế, trừ phi lại tiếp tục xảy ra một tính toán sai lầm như vụ tấn công vào Cao nguyên Golan khiến 12 trẻ em Israel thiệt mạng. Ông Ori Goldberg, nhà bình luận chính trị người Israel, cho rằng, khó có khả năng nảy sinh một cuộc chiến toàn diện vì “không ai muốn chiến tranh”.

Đồng quan điểm, điều phối viên chương trình tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga (RIAC) Ivan Bocharov nêu cho biết: “Theo tôi, không có lý do gì để tin rằng cuộc tấn công của Israel vào Beirut nhất thiết sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh toàn diện”.

Giải thích cho nhận định này, Tiến sĩ Harel Chorev - Chuyên gia về Palestine, Viện Moshe Dayan nghiên cứu Trung Đông và châu Phi, Đại học Tel Aviv đánh giá, nếu tình hình tiếp tục leo thang hơn nữa, Israel tất nhiên sẽ hứng chịu thiệt hại nặng nề, nhưng cũng sẽ xảy ra thiệt hại tương tự đối với Lebanon, Yemen hoặc với Iran. Trong khi đó, theo chuyên gia Ivan Bocharov, hoạt động của Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) ở Dải Gaza đã kéo dài và trong những điều kiện này, Tel Aviv không có động lực biến khu vực biên giới với Lebanon thành một mặt trận lớn thứ hai. Hezbollah không phải là Hamas, họ có nhiều vũ khí và khả năng hơn để đối đầu và gây tổn hại cho Israel”.

Ông đồng thời cho rằng, Hezbollah sẽ không tìm cách leo thang tình hình vì sợ mất đi vị thế chính trị của họ ở Lebanon: “Phong trào này có thể sẽ phản ứng lại cuộc tấn công của Israel, nhưng sẽ cố gắng không khiêu khích họ tấn công ồ ạt hơn vào Lebanon”. Thực tế cho thấy, bản thân Israel đang phải căng mình với bất ổn trong nước và cuộc chiến chưa thấy hồi kết tại Gaza, phải dàn trải các nguồn lực, trong khi Hezbollah đối mặt với tình thế khó khăn tại Lebanon và cả nguy cơ mất quyền lực nếu chiến tranh nổ ra.

Trước nguy cơ cả khu vực Trung Đông biến thành một “lò lửa”, các nước đang dồn lực chạy đua ngoại giao nhằm ngăn chặn cuộc đối đầu giữa Israel với Hamas và Hezbollah lan rộng. Hiện vẫn chưa rõ ai có thể đóng vai trò trung gian giữa các bên tham chiến, nhưng các chuyên gia tin rằng, Qatar có thể là một lựa chọn.

“Quốc gia Arab này có quan hệ thương mại chặt chẽ với cả những bên tham gia trực tiếp (Israel, Hezbollah) và gián tiếp (Iran) trong cuộc xung đột và không ủng hộ bất kỳ bên nào trong số họ. Các lựa chọn thay thế từ các cường quốc châu Âu - ví dụ như Pháp - có thể sẽ không thể tác động đến tình hình, vì họ không có tương tác ổn định với Iran”, chuyên gia về châu Á Leonid Tsukanov đánh giá. Theo ông, các nhà hòa giải quốc tế sắp tới sẽ tập trung vào việc ngăn chặn một cuộc chiến tranh toàn diện giữa các bên xung đột.

Liệu khu vực Trung Đông có tránh được một cuộc chiến tranh toàn diện gây tổn thất cho tất cả các bên hay không, điều đó sẽ phụ thuộc vào quy mô phản ứng của Hezbollah, Hamas và Iran, cũng như động thái của chính Israel. Đây sẽ là vấn đề tất cả các bên phải cân nhắc, tính toán.

Khổng Hà (tổng hợp)

.
.
.