NATO bối rối sau tuyên bố về Ukraine của Tổng thống Pháp
Tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về khả năng triển khai binh sĩ phương Tây đến Ukraine vấp phải phản ứng cương quyết của Nga, trong khi Mỹ, Anh, Đức và hầu hết các thành viên NATO chủ chốt khác đều nhanh chóng bác bỏ kế hoạch đưa binh sĩ đến vùng chiến sự.
Reuters ngày 28/2 dẫn lời phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson thông báo, Washington không có bất cứ kế hoạch nào về việc gửi binh sĩ đến Ukraine tham chiến trong cuộc xung đột với Nga và điều đó đã được Tổng thống đương nhiệm Joe Biden nhiều lần khẳng định. Theo bà Watson, Nhà Trắng duy trì quan điểm ủng hộ Ukraine và đang kêu gọi các nghị sĩ Mỹ thông qua dự luật hỗ trợ an ninh trị giá 60 tỷ USD cho Ukraine đang bị đình trệ, trong đó đảm bảo binh sĩ của Kiev có vũ khí cần thiết để phòng thủ.
Cùng ngày, khi được hỏi lại về khả năng Mỹ gửi binh sĩ đến Ukraine không phải để tham chiến mà vì các mục đích khác như huấn luyện hay rà phá bom mìn, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nêu rõ, chính quyền Tổng thống Joe Biden sẽ không triển khai binh sĩ đến Ukraine vì bất cứ lí do nào.
Thông điệp rõ ràng của Mỹ được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Macron đêm 26/2 bất ngờ tuyên bố rằng, lãnh đạo các nước phương Tây đã "thảo luận cởi mở, thẳng thắn" về tình hình xung đột Ukraine tại cuộc họp khẩn ở Paris và "không loại trừ khả năng phương Tây đưa quân tới Ukraine". Tuyên bố của ông Maron đã khiến các đồng minh phương Tây ngạc nhiên, bởi ý tưởng đưa quân đến Ukraine lâu nay được mô tả là điều cấm kị khi NATO luôn cam kết tránh nguy cơ bị kéo vào xung đột với Nga.
Giống cách tiếp cận của Mỹ, Đức, một thành viên NATO chủ chốt ở châu Âu, ngày 27/2 đã từ chối hoàn toàn khả năng được ông Macron đề cập. Thủ tướng Đức Olaf Scholz nêu rõ, "sẽ không có chuyện các nước châu Âu hoặc quốc gia thành viên NATO đưa binh sĩ đến lãnh thổ Ukraine". Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thậm chí kêu gọi Paris nên gửi thêm vũ khí thay vì đề cập đến việc triển khai quân. "Hãy làm những gì bạn có thể và cung cấp cho Ukraine đạn, xe tăng ngay bây giờ", ông Habeck nêu.
Từ London, thư ký báo chí của Thủ tướng Anh Rishi Sunak cũng khẳng định, Anh không có kế hoạch đưa lực lượng quy mô lớn tới Ukraine, đồng thời lưu ý London đã duy trì số lượng nhỏ quân nhân tại quốc gia Đông Âu để hỗ trợ Kiev huấn luyện binh sĩ. Phát ngôn viên chính phủ Tây Ban Nha Pilar Alegria cho biết, Madrid sẵn sàng gửi thêm vũ khí và thiết bị tới Kiev, nhưng không phải binh sĩ. Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Czech Petr Fiala, những người ủng hộ Ukraine nhiệt tình, cũng tuyên bố họ sẵn sàng viện trợ đạn dược cho Kiev chứ không có ý định gửi quân.
Ở cấp độ liên minh, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 27/2 tuyên bố khối đang cung cấp những hỗ trợ chưa từng có cho Kiev trong xung đột với Nga, nhưng "không có kế hoạch đưa lực lượng chiến đấu đến Ukraine". Theo Al Jazeera, bất cứ kế hoạch chung nào của NATO đều cần nhận được 31 quốc gia thành viên đồng ý. Chưa thành viên nào khác ngoài Pháp đề cập đến việc sẵn sàng triển khai quân đến Ukraine.
Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne ngay trong ngày 27/2 đã cố gắng giải thích phát biểu của ông Macron không có nghĩa là binh sĩ phương Tây sẽ được gửi sang Ukraine để tham chiến mà thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ như rà phá bom mìn hoặc sản xuất vũ khí. "Những hành động đó phải đáp ứng nhu cầu rất cụ thể", ông nói. "(Điều đó) có thể yêu cầu sự hiện diện ở Ukraine mà không phải để chiến đấu".
Trong khi ý tưởng của Pháp được Ukraine hoan nghênh, nó đã vấp phải phản ứng rất quyết liệt từ Nga. Điện Kremlin cảnh báo, phương Tây điều quân tới Ukraine sẽ dẫn tới nguy cơ đối đầu trực tiếp "không thể tránh khỏi" giữa NATO với Nga. "Các nước phải đánh giá và nhận thức rõ điều đó, tự hỏi xem liệu làm vậy có phù hợp với lợi ích của chính họ và công dân nước họ hay không", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov nói. Nga lâu nay khẳng định một trong những mục đích họ mở chiến dịch quân sự ở Ukraine là nhằm ngăn nguy cơ đụng độ trực diện với NATO.
Reuters nhận định, tuyên bố của Tổng thống Macron dường như được đưa ra nhằm thách thức quan điểm lâu nay của phương Tây rằng, họ không thể đưa lực lượng NATO đến Ukraine nhằm ngăn nguy cơ xung đột với Nga. Từ khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, các nước phương Tây nhiều lần thay đổi quan điểm về nỗ lực hỗ trợ Kiev, ví dụ như việc nhiều nước ban đầu từ chối cấp xe tăng cho Ukraine và sau đó đảo ngược quyết định; hay việc các nước gần đây liên tiếp gửi tên lửa tầm xa để Kiev tập kích mục tiêu Nga phía sau tiền tuyến.
Tuy nhiên, phản ứng nhanh chóng của đồng minh NATO đã cho thấy khối chưa đạt bất cứ đồng thuận nào về vấn đề đưa quân đến Ukraine, vốn có thể gây ra chia rẽ trong khối, hoặc thậm chí châm ngòi làn sóng phản ứng từ công chúng.