Mỹ - Trung Quốc nỗ lực tìm câu trả lời cho “câu hỏi thế kỷ”

Thứ Tư, 01/06/2022, 06:30

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho rằng, làm sao để xử lý tốt mối quan hệ song phương là “câu hỏi thế kỷ” mà cả Bắc Kinh và Washington đều phải trả lời.

Ngày 31/5, nhân kỷ niệm 99 năm ngày sinh của cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, Viện Ngoại giao Nhân dân Trung Quốc tổ chức hội thảo “Kissinger và mối quan hệ Trung - Mỹ” theo hình thức trực tuyến nhằm điểm lại những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy sự phát triển quan hệ Trung-Mỹ, cũng như thảo luận các vấn đề trong quan hệ giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Phát biểu tại sự kiện này, Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng, quan hệ Trung - Mỹ ngày càng gặp nhiều thách thức và “hướng phát triển có nguy cơ bị dẫn dắt lệch lạc hơn”.

mytrung.jpeg -0
Xây dựng một thế giới liên kết, đa dạng bao trùm, an toàn chia sẻ là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả Trung Quốc và Mỹ.

Theo ông, nếu Mỹ tiếp tục thụt lùi về vấn đề Đài Loan, “sẽ phá hoại hòa bình trên eo biển Đài Loan về căn bản và cuối cùng sẽ tự gây hại cho chính mình”. Ông nhấn mạnh, “quan hệ Trung-Mỹ không thể xấu đi tiếp nữa và phải đưa ra sự lựa chọn đúng đắn”. Ông cho rằng, cần chấn chỉnh nhận thức chiến lược và từ bỏ tâm lý Chiến tranh Lạnh; củng cố nền tảng chính trị và kiểm soát thỏa đáng bất đồng; thoát khỏi logic cạnh tranh và tăng cường trao đổi hợp tác.

Theo ông Vương Nghị, “bầu không khí quan hệ Trung - Mỹ hiện tại rất bất thường và sự lo lắng tột độ của Mỹ là hoàn toàn không cần thiết”. Ông tái khẳng định nhiệm vụ hàng đầu của Trung Quốc hiện nay là tập trung cho phát triển nhằm đáp ứng mong mỏi của người dân về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Quan chức ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh, nếu Mỹ một mực định nghĩa mối quan hệ với Trung Quốc là “cạnh tranh nước lớn” và lấy “anh thua, tôi thắng” làm mục tiêu chính sách sẽ chỉ đẩy cả hai vào đối đầu xung đột và thế giới vào chia rẽ hỗn loạn. Theo ông, xây dựng một thế giới liên kết, đa dạng bao trùm, an toàn chia sẻ là trách nhiệm và nghĩa vụ của cả Trung Quốc và Mỹ. Làm sao để xử lý tốt mối quan hệ song phương là “câu hỏi thế kỷ” mà hai bên đều phải trả lời.

Theo ông, cổ xúy Trung – Mỹ “tiếp xúc thất bại”, thổi phồng “đối thoại vô tác dụng” và cho rằng “hợp tác cùng thắng” chỉ là khẩu hiệu chính trị là “không tôn trọng lịch sử, cũng không phù hợp với sự thực”. Ông kêu gọi nhân sĩ hai nước truyền năng lượng tích cực cho quan hệ song phương và tích cực lên tiếng nhằm mang lại hy vọng mới cho người dân hai nước.

Các tuyên bố của ông Vương Nghị được đưa ra sau bài phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhằm làm rõ chính sách của Washington đối với Bắc Kinh trong một loạt vấn đề bao gồm tự do hàng hải và hàng không hôm 26/5. Trong bài phát biểu của mình, ông Antony Blinken nêu rõ, chiến lược của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc trong thập kỷ tới là “đầu tư, liên kết và cạnh tranh”.

Mỹ sẽ đầu tư cho các nền tảng của sức mạnh trong nước, như năng lực cạnh tranh, sáng tạo và dân chủ; tăng cường liên kết với các đối tác và đồng minh; và cạnh tranh với Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích và xây dựng tầm nhìn cho tương lai.

Theo nhận định của giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng Ukraine đã làm tăng thêm sự ngờ vực giữa Trung Quốc với Mỹ. Cuộc xung đột đã tạo ra một tình thế khó khăn chiến lược cho Trung Quốc. Với tư cách là nước láng giềng lớn nhất của Trung Quốc và có tiềm lực quân sự mạnh, Nga là một cường quốc mà Bắc Kinh muốn quan hệ tốt.

Do đó, các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã tìm cách tránh kích động một cách không cần thiết đối với Moscow. Cuộc xung đột đã làm gián đoạn hoạt động thương mại trị giá hàng tỷ USD của Trung Quốc. Xung đột đã làm chao đảo các thị trường hàng hóa và làm gián đoạn chuỗi cung ứng dẫn đến thiệt hại hàng tỷ USD cho các công ty Trung Quốc.

Ví dụ, tập đoàn khổng lồ niken của Trung Quốc Tsingshan Holding Group đã mất 8 tỷ USD vì những giao dịch không đúng thời điểm sau xung đột khiến giá niken tăng đột biến. Các đứt gãy vì xung đột cũng dẫn đến việc các đơn hàng xuất khẩu của Trung Quốc bị hủy quy mô lớn và giảm năng suất công nghiệp của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể cho rằng họ sẽ là đối tượng của các lệnh trừng phạt tiếp theo của Mỹ, đặc biệt là vì cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thúc đẩy tâm lý Chiến tranh Lạnh trong giới tinh hoa Mỹ kể từ đó. Tình hình này khiến Trung Quốc gần như không thể đứng về phía Mỹ. Bất chấp lời kêu gọi từ Washington yêu cầu Trung Quốc thay đổi mối quan hệ với Nga, Bắc Kinh vẫn “im lặng”.

Mặc dù Trung Quốc có cơ hội đóng vai trò ngoại giao trong cuộc xung đột Nga-Ukraine bằng cách hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ và làm trung gian hòa giải nhưng đây không phải là một lựa chọn khả thi đối với Bắc Kinh. Trung Quốc đã xác định rằng “sẽ là ngây thơ về mặt chính trị nếu giảm bớt mối quan hệ với Nga bằng cách liên kết với Mỹ, đối thủ lớn nhất của Nga”.

Do đó, chuyên gia nghiên cứu Jia Deng tại Viện Lowy lưu ý, Trung Quốc đã vạch ra ranh giới để độc lập trong cuộc cạnh tranh cán cân quyền lực giữa Nga và Mỹ. Cách tiếp cận của Trung Quốc nhằm mục đích giảm thiểu sự mong manh về địa chính trị và bảo vệ mình khỏi sự tác động của Nga và Mỹ. Có vẻ như không tự nhiên khi một cường quốc trong chính trường quốc tế như Trung Quốc lại thờ ơ với cuộc xung đột Nga-Ukraine, nhưng với lý luận chiến lược của Trung Quốc như trên, có nghĩa là nước này có khả năng vẫn chọn trung lập.

Đồng quan điểm trên, ông Yan Xuetong, Hiệu trưởng của Học viện Quan hệ Quốc tế tại Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) bình luận rằng, Trung Quốc không tin rằng việc tìm kiếm điểm chung với Washington về cuộc xung đột ở Ukraine sẽ có ý nghĩa cải thiện quan hệ Trung-Mỹ rộng lớn hơn. Ngay cả khi Bắc Kinh đứng về phía Washington trong việc phản ứng với Nga, Mỹ sẽ không làm dịu chính sách kiềm chế Trung Quốc.

Vì vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không có lý do gì để tin rằng bằng cách nào đó Washington sẽ thay đổi các ưu tiên trên ngay cả khi Bắc Kinh hạn chế quan hệ với Moskva. Theo quan điểm này, việc chỉ trích Nga một cách công khai và đứng về phía những bên đang thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại nước này sẽ chỉ mở ra cơ hội cho Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với chính Trung Quốc.

Ông Yan Xuetong kết luận, là cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, Trung Quốc dự định đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình các chuẩn mực kinh tế toàn cầu, nhưng không có tham vọng đóng vai trò hàng đầu trong các vấn đề an ninh toàn cầu, đặc biệt là trong các vấn đề xung đột, vì sự chênh lệch quân sự quá lớn với Mỹ. Định hình một môi trường hòa bình thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc có lẽ vẫn là một mục tiêu ngoại giao quan trọng của Bắc Kinh.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.