Mỹ rót 2 nghìn tỷ USD vào Afghanistan, người hưởng lợi nhất là Taliban

Thứ Ba, 17/08/2021, 10:06

Có nhiều tiêu chuẩn để tính chi phí của cuộc chiến dài hơi nhất của Mỹ, có thể là “máu” và cũng có thể là tiền bạc. Tuy vậy, hình ảnh náo loạn tại sân bay Kabul khi nhiều người cố tìm cách rời khỏi quốc gia Nam Á này khiến nhiều người hỏi số tiền khổng lồ mà Mỹ đổ vào Afghanistan đã đi đâu.

Mỹ rót 2 nghìn tỷ USD vào Afghanistan, hóa ra người hưởng lợi nhất là Taliban  -0
 Một tay súng Taliban bên ngoài Dinh Tổng thống tại Kabul ngày 16/8. Ảnh AP. 

An ninh là nền tảng của bất kỳ nỗ lực xây dựng quốc gia nào. Nếu người dân không cảm thấy an toàn, thì sự bất ổn, chia rẽ và tham nhũng sẽ phát triển trong khi nền kinh tế lại suy tàn.

Trở lại năm 2001, nền kinh tế của Afghanistan rơi vào tình trạng khủng hoảng sau hơn hai thập kỷ chiến tranh. Kể từ khi chính thức đổ bộ vào Afghanistan tháng 10/2001, Mỹ đã chi 2,26 nghìn tỷ USD vào chiến trường này, theo tính toán của “Dự án chi phí chiến tranh” tại Đại học Brown. Phần lớn nhất, trị giá 1 nghìn tỷ USD, được dành cho Hoạt động dự phòng ở nước ngoài của Bộ Quốc phòng. Khoảng 530 tỷ USD khác được dành cho thanh toán lãi suất các khoản vay mà chính phủ Mỹ đã vay để tài trợ cho chiến tranh.

Tuy nhiên, bất chấp hàng nghìn tỷ USD rót vào nước này, Afghanistan vẫn là một trong những nền kinh tế chính thức quy mô nhỏ nhất trên hành tinh. Năm ngoái, Tổng thống Ashraf Ghani cho biết 90% dân số nước này sống với mức dưới 2 USD/ngày.

Trong khi đó, nền kinh tế “không chính thức” tại nước này lại phát triển bùng nổ. Sau khi lực lượng Mỹ đánh bật Taliban vào năm 2001, Afghanistan đã trở thành nhà cung cấp thuốc phiện và heroin hàng đầu thế giới, và dự kiến vẫn duy trì “ngôi vương” này sau khi Taliban lên nắm quyền trở lại.

Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã trốn khỏi đất nước và Taliban chụp ảnh “tự sướng” ngay tại bàn làm việc của ông. Những gì mà khoản đầu tư 2 nghìn tỷ USD đã mang lại cho Mỹ là một kết thúc hỗn loạn và đáng xấu hổ cho cuộc chiến kéo dài 20 năm, theo Al Jazeera. 

Kể từ năm 2001, Mỹ đã trích hơn 144 tỷ USD để tái thiết Afghanistan. Phần lớn số tiền đó được chuyển cho các nhà thầu tư nhân và các tổ chức phi chính phủ được Mỹ giao nhiệm vụ thực hiện các chương trình và dự án nhằm xây dựng lực lượng an ninh của Afghanistan, cải thiện quản trị, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cũng như phòng chống tội phạm ma túy.

Thất bại lớn nhất và tốn kém nhất trong những nỗ lực tái thiết đó, tương đương 88,3 tỷ USD, là dành cho đào tạo và trang bị cho quân đội chính phủ từ tháng 5/2002 đến tháng 3 năm nay. Quân đội Afghanistan được giao nhiệm vụ đẩy lùi Taliban và các nhóm vũ trang khác như al-Qaeda, IS vốn là mối đe dọa hiện hữu đối với chính phủ do Mỹ hậu thuẫn, AP đưa tin. 

Quốc hội Mỹ trước đây từng thành lập SIGAR hay Tổng thanh tra đặc biệt về tái thiết Afghanistan. Kể từ năm 2008, tổ chức này đã kiểm toán và đánh giá các nỗ lực tái thiết của Washington ở Afghanistan. Các báo cáo của tổ chức này đã chỉ ra nhiều vấn đề.

Ví dụ, một báo cáo năm 2017 về những nỗ lực của Mỹ trong việc huấn luyện lực lượng an ninh Afghanistan cho thấy Washington nhiều thời điểm đã “luôn đánh giá thấp khả năng phục hồi của lực lượng nổi dậy tại Afghanistan” trong khi đánh giá quá cao khả năng của các lực lượng chính phủ nước này. SIGAR cho biết Mỹ đã mắc sai lầm nghiêm trọng khi cố gắng đưa các hệ thống quản lý và vũ khí tiên tiến của phương Tây vào tay của một lực lượng chiến đấu phần lớn mù chữ, khiến Afghanistan khó thoát khỏi sự phụ thuộc vào lực lượng Mỹ thay vì tạo ra một quân đội có thể tự đứng vững và chiến đấu. SIGAR cũng phát hiện ra rằng các công cụ được sử dụng để theo dõi và đánh giá tiến độ của các nỗ lực đào tạo của Mỹ đã che đậy “các yếu tố vô hình, chẳng hạn như tham nhũng và ý chí chiến đấu”.

Tháng trước, SIGAR đã công bố báo cáo lần thứ 10 về “Bài học kinh nghiệm” ở Afghanistan. “Trong môi trường hỗn loạn và khó đoán như Afghanistan, việc giám sát kém hoặc thực hiện không đúng cách có thể đe dọa các mối quan hệ với cộng đồng địa phương; gây nguy hiểm đến tính mạng của nhân viên và dân thường Mỹ cũng như Afghanistan và làm suy yếu các mục tiêu chiến lược”, Tổng thanh tra John F. Sopko cho biết trong báo cáo.

Tuy vậy, lực lượng an ninh Afghanistan đã sụp đổ nhanh chóng và hoàn toàn, một số chuyên gia cho rằng, người hưởng lợi cuối cùng từ khoản đầu tư của Mỹ hóa ra lại là Taliban khi không chỉ nắm lấy quyền lực chính trị mà còn cả hỏa lực do Mỹ cung cấp.

Taliban tấn công các thủ phủ và căn cứ quân sự tại Afghanistan với tốc độ đáng kinh ngạc và cuối cùng kiểm soát thủ đô Kabul ngày 15/8. Cùng với việc giành chiến thắng trước các lực lượng an ninh của Afghanistan, trong nhiều trường hợp thậm chí không phải dùng đến bạo lực, Taliban đã chiếm được một loạt thiết bị quân sự hiện đại, bao gồm cả máy bay chiến đấu.

Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên ngày 16/8 xác nhận việc Taliban thu được một số lượng khổng lồ các thiết bị của Mỹ trang bị cho lực lượng Afghanistan. Quan chức này cho biết, đây là một kết quả đáng xấu hổ của việc quân đội và tình báo Mỹ đánh giá sai khả năng tồn tại của các lực lượng chính phủ Afghanistan.

Duy Tiến
.
.
.