Mỹ-Hàn tìm cách thắt chặt trừng phạt Triều Tiên?
Mỹ khẳng định sẵn sàng tham gia nỗ lực ngoại giao để đưa CHDCND Triều Tiên trở lại bàn đàm phán, nhưng được cho là đang cùng Hàn Quốc tìm cách thắt chặt hơn nữa các biện pháp cấm vận nhằm vào Bình Nhưỡng.
Kyodo ngày 6/4 dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Sung Kim vừa có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Lưu Hiểu Minh để thảo luận về căng thẳng leo thang trên Bán đảo Triều Tiên, trong đó khẳng định phía Mỹ cam kết cùng Trung Quốc theo đuổi nỗ lực "ngoại giao nghiêm túc và bền vững", hướng đến mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Tuy nhiên, ông Sung Kim cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải phản ứng cương quyết với các vụ thử tên lửa mới nhất do Bình Nhưỡng tiến hành, coi đây là các hành động vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ).
Cuộc gặp giữa đại diện cấp cao Mỹ và Trung Quốc về Triều Tiên diễn ra một ngày sau khi ông Sung Kim và người đồng cấp Hàn Quốc Noh Kyu-duk nhất trí thúc đẩy một nghị quyết mới của Hội đồng Bảo an LHQ về vấn đề Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng tiến hành tới 12 vụ thử tên lửa chỉ tính từ tháng 1 đến nay, bao gồm một vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) lần đầu trong 4 năm.
Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield cùng ngày xác nhận Washington sẽ sớm đệ trình nghị quyết mới lên Hội đồng Bảo an, được cho là có thể thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt hiện có nhằm vào Bình Nhưỡng.
Theo một số hãng tin Hàn Quốc, các nghị quyết hiện nay của Hội đồng Bảo an LHQ quy định, Triều Tiên được phép nhập khẩu 500.000 thùng dầu tinh luyện và 4 triệu thùng dầu thô mỗi năm. Seoul và Washington dường như muốn cắt giảm đáng kể lượng nhiên liệu ít ỏi này mà Bình Nhưỡng được phép tiếp cận, song song với các biện pháp hạn chế tối đa hoạt động vận chuyển dầu lậu sang Triều Tiên.
Trong khi Triều Tiên liên tiếp phóng tên lửa, quân đội Hàn Quốc gần đây cũng đã tiến hành một số cuộc tập trận, bao gồm cuộc diễn tập hôm 24/3 với nhiều hệ thống tên lửa chiến thuật nhằm phát thông điệp cảnh báo đến Triều Tiên. Không quân Hàn Quốc sau đó tiến hành bài tập "Voi đi bộ", huy động 28 tiêm kích F-35A dàn đội hình trên đường băng ở khoảng cách an toàn tối thiểu, nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu và thể hiện sức mạnh không quân.
Bình Nhưỡng và Seoul cũng có những phát ngôn gay gắt nhằm vào đối phương, khi Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Suh Wook tuần trước gây bất ngờ với thông tin Seoul có năng lực tấn công "chính xác và nhanh chóng" nhắm vào các giàn phóng tên lửa của Triều Tiên nếu phát hiện chúng chuẩn bị phóng về phía Hàn Quốc.
Tờ Rodong Sinmun của Triều Tiên ngày 5/4 dẫn lời bà Kim Yo-jong, em gái Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và hiện là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, cảnh báo khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu Hàn Quốc có hành động xâm phạm lãnh thổ.
Theo lời bà Kim Yo-jong, Triều Tiên là một nước sở hữu vũ khí hạt nhân. Bà khẳng định, Bình Nhưỡng không coi Hàn Quốc là kẻ thù chính và chắc chắn không "bắn một viên đạn nào sang miền Nam nếu không bị khiêu khích". Tuy vậy, bà gọi phát biểu của ông Suh là "sai lầm rất lớn không thể rút lại", rồi dùng nhiều từ ngữ khá nặng nề để chỉ trích.
Đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ-Hàn và Triều Tiên rơi vào thế bế tắc từ năm 2019 dưới thời Tổng thống Donald Trump. Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, Washington và Bình Nhưỡng tiếp tục có những bình luận gay gắt về đối phương, kéo lùi triển vọng đàm phán trong nhiều tháng.
Tháng 5 tới, Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, người có lập trường cứng rắn với Triều Tiên hơn so với người tiền nhiệm Moon Jae-in, sẽ nhậm chức. Ông được cho là sẽ không sẵn sàng đưa ra bất cứ nhượng bộ nào với Bình Nhưỡng.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Mỹ và Hàn Quốc có thể tìm kiếm sự hậu thuẫn của Nga và Trung Quốc, hai quốc gia nắm quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, về khả năng thắt chặt hơn nữa các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên hay không.
Giới quan sát cho rằng, bất cứ lệnh cấm vận bổ sung nào được ban bố lúc này cũng có thể hạ thấp hơn nữa triển vọng sớm đưa Triều Tiên trở lại bàn đối thoại, bởi Bình Nhưỡng từ lâu khẳng định điều kiện then chốt để tái khởi động đàm phán cùng Mỹ là Washington phải từ bỏ chính sách thù địch, tức dỡ bỏ các biện pháp cấm vận.
Trong diễn biến liên quan, Tư lệnh Charles Richard của Bộ Chỉ huy chiến lược Mỹ (USSTRATCOM) ngày 5/4 đã gửi một bản đánh giá tới Tiểu ban Phân bổ ngân sách về quốc phòng Hạ viện Mỹ, trong đó khẳng định Triều Tiên đã phóng thử tên lửa đạn đạo liên thiết kế để có thể đưa Mỹ vào tầm ngắm và hiện sở hữu một số tên lửa khác có thể gây đe dọa cho Mỹ. Các tuyên bố trên được mô tả là tiền đề để Mỹ cân nhắc mở rộng các cam kết với đồng minh ở khu vực như Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chuyên gia Sangsoo Lee tại Trung tâm Hàn Quốc thuộc Viện An ninh và chính sách phát triển Stockholm (Thụy Điển) gần đây đánh giá, chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Hàn Quốc Yoon Suk-yeol có thể sẽ theo đuổi tăng cường năng lực phòng thủ tên lửa thông qua việc triển khai thêm hệ thống THAAD của Mỹ, bất chấp khả năng vấp phải sự phản đối từ trong nước lẫn các bên khác trong khu vực, bước đi được cảnh báo có thể đẩy căng thẳng Hàn- Triều đi xa hơn.