Mỹ-Hàn cam kết tăng cường hợp tác song phương

Thứ Sáu, 28/04/2023, 07:33

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp và hội đàm với người đồng cấp Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại Nhà Trắng ngày 26/4 (giờ địa phương), hai bên đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh mối quan hệ hợp tác song phương truyền thống và cam kết phòng thủ chung.

Chuyến thăm Mỹ kéo dài 6 ngày của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Sukyeol nhằm kỷ niệm 70 năm liên minh Mỹ-Hàn. Đây là chuyến thăm Mỹ đầu tiên của một Tổng thống Hàn Quốc trong vòng 12 năm và là chuyến thăm cấp nhà nước thứ hai mà ông Biden tổ chức đón tiếp kể từ khi ông nhậm chức, sau chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tháng 11/2022.

Mỹ-Hàn cam kết tăng cường hợp tác song phương -0
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: AP .

Sau các cuộc gặp, lãnh đạo hai bên công bố các thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực như an ninh mạng, xe điện và pin, công nghệ lượng tử, hỗ trợ nước ngoài và đầu tư kinh tế. Hai Tổng thống Mỹ-Hàn cũng thảo luận về vấn đề Đài Loan và các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông. Trong tuyên bố chung, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định ở Eo biển Đài Loan, phản đối mạnh mẽ "bất kỳ nỗ lực đơn phương nào nhằm thay đổi hiện trạng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, bao gồm thông qua các yêu sách hàng hải bất hợp pháp, quân sự hóa các thực thể được khai hoang và các hành động cưỡng chế", theo Reuters.

Tuyên bố sau cuộc gặp thượng đỉnh tại Nhà Trắng nhấn mạnh mối quan hệ Mỹ-Hàn được khởi đầu từ quan hệ đối tác an ninh đã phát triển và mở rộng thành một liên minh toàn cầu, làm phong phú thêm hợp tác kinh tế và thúc đẩy tiến bộ công nghệ. Trong tuyên bố, phía Mỹ cho biết sẽ cung cấp thông tin sâu cho Hàn Quốc để Seoul có tiếng nói trong việc hoạch định kế hoạch khẩn cấp nhằm răn đe và đáp trả bất kỳ sự cố hạt nhân nào ở khu vực thông qua Nhóm Tham vấn hạt nhân Mỹ-Hàn.

Mỹ cũng sẽ lần đầu tiên kể từ năm 1980, điều một tàu ngầm hạt nhân đến Hàn Quốc để thị uy và củng cố liên minh. Dù cho đồng minh tiếp cận sâu hơn với chương trình hạt nhân song ông Biden cũng nhấn mạnh không có kế hoạch bố trí vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng sẽ không tự phát triển vũ khí hạt nhân để đối phó Bình Nhưỡng. Phía Mỹ cũng mong muốn Hàn Quốc có bước đột phá ngoại giao thực chất với Triều Tiên nhằm củng cố sự ổn định tại Bán đảo Triều Tiên.

Phía Hàn Quốc bày tỏ hoàn toàn tin tưởng vào các cam kết răn đe mở rộng của Mỹ và công nhận tầm quan trọng, sự cần thiết và lợi ích của việc phụ thuộc lâu dài vào khả năng răn đe hạt nhân của Mỹ. Về phần mình, Washington cam kết sẽ tham vấn với Seoul về bất kỳ tình huống nào có khả năng phải sử dụng vũ khí hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Yoon tái khẳng định cam kết lâu dài của Hàn Quốc đối với các nghĩa vụ của mình theo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, cũng như đối với Thỏa thuận hợp tác sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Theo đánh giá, đây được xem là một thắng lợi lớn mà Tổng thống Hàn Quốc đạt được trong chuyến thăm Mỹ lần này. Giới phân tích khẳng định, dù sự can dự của Mỹ chỉ mang tính hình thức nhưng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên Bán đảo Triều Tiên, việc Mỹ cung cấp thông tin sâu và để Hàn Quốc có tiếng nói trong việc hoạch định kế hoạch khẩn cấp nhằm răn đe và đáp trả bất kỳ sự cố hạt nhân nào ở khu vực cho thấy Mỹ đang xem xét các mối quan ngại của Hàn Quốc một cách nghiêm túc.

Duyeon Kim, nhà phân tích tại Trung tâm An ninh Mỹ Mới, coi tuyên bố chung là "một thắng lợi lớn cho liên minh và đặc biệt là cho Hàn Quốc". Bà cho biết một trong những diễn biến đáng chú ý nhất là hai bên đang tính toán các kịch bản bao gồm phản ứng hạt nhân của Mỹ, trong khi trước đây điều này được coi là quá bí mật để công khai.

Những động thái vừa qua của Triều Tiên trong lĩnh vực tên lửa và hạt nhân đang khiến dư luận Hàn Quốc gia tăng lo ngại. Các chương trình vũ khí tiến bộ nhanh chóng của Triều Tiên, bao gồm cả tên lửa đạn đạo có thể vươn tới các thành phố của Mỹ, đã khiến dư luận Hàn Quốc đặt ra câu hỏi liệu Mỹ có thực sự sử dụng vũ khí hạt nhân của mình để bảo vệ Hàn Quốc theo cái mà họ gọi là biện pháp răn đe mở rộng hay không. Theo Reuters, một cuộc khảo sát mới đây cho thấy gần 77% người dân Hàn Quốc nói rằng nước này cần sở hữu vũ khí hạt nhân, cho rằng có vũ khí hạt nhân mới là sự ngăn chặn mạnh mẽ và hiệu quả nhất đối với các cuộc tấn công hạt nhân.

Trong khi đó, Jenny Town, từ 38 North - nhóm phân tích các vấn đề liên quan đến Triều Tiên có trụ sở tại Washington, cho biết những điều hai bên thống nhất như đã được công bố lại không đạt được những gì mà nhiều người tại Hàn Quốc đã kêu gọi và "không có khả năng thuyết phục Triều Tiên từ bỏ quá trình phát triển và thử nghiệm vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc làm dịu cuộc tranh luận nội bộ Hàn Quốc về tương lai hạt nhân của chính chính nước này", theo AP.

Sue Mi Terry, cố vấn tại Trung tâm Wilson ở Washington, coi động thái này phần lớn chỉ mang tính hình thức và nhằm ngăn cản Hàn Quốc tiến tới phát triển vũ khí hạt nhân. Chuyên gia này nói thêm rằng vẫn cần chờ xem dư luận Hàn Quốc có thực sự hài lòng với những gì đã công bố hay không. Theo Terry, bất kỳ động thái nào từ phía Triều Tiên nhằm nối lại việc thử nghiệm bom hạt nhân, vốn tạm dừng từ năm 2017, cũng có thể gia tăng báo động tại Seoul cũng như những lời kêu gọi thiết lập kho vũ khí của riêng mình, hoặc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ tại Hàn Quốc.

Tiến Anh
.
.
.