"Mục tiêu kép" trong nỗ lực cải tổ của Nhật Bản
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 10/8 tuyên bố cải tổ sâu rộng nội các với 9 gương mặt lần đầu được bổ nhiệm. Nước đi dứt khoát được đưa ra vào thời điểm đất nước mặt trời mọc đang đối diện với những thách thức lớn cả trong và ngoài nước, đòi hỏi nội các cần phải nỗ lực và đoàn kết hơn.
Động thái vực dậy uy tín
Cuộc cải tổ nội các Nhật Bản diễn ra khi chính phủ của Thủ tướng Kishida đối mặt với tỷ lệ ủng hộ đang giảm dần, theo Japan Times. Đài Truyền hình NHK cho biết hôm 6/8, sự ủng hộ đối với nội các của ông Kishida đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức, xuống còn 46% so với 59% cách đây ba tuần.
Điều này liên quan đến phản ứng của công chúng về mối liên hệ giữa nhóm tôn giáo Nhà thờ Thống nhất và các nhà lập pháp Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền kể từ khi cựu Thủ tướng Shinzo Abe bị ám sát. Phần lớn những người được hỏi cho biết họ muốn có lời giải thích về mối quan hệ thân thiết của các chính trị gia với nhóm tôn giáo này. Giới phân tích từ đó cho rằng, việc cải tổ, vốn dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 9, lại được ông Kishida tiến hành ngay để ngăn chặn đà suy giảm uy tín.
Cũng vì thế, trong lần điều chỉnh nhân sự này, ông Kishida đã đề nghị cựu Bộ trưởng Quốc phòng Yasukazu Hamada đảm nhiệm cương vị cũ, thay thế ông Nobuo Kishi, em trai của cựu Thủ tướng Abe. Quyết định thay thế ông Kishi diễn ra vào thời điểm quan trọng đối với Nhật Bản, khi chính phủ nước này đang tìm cách sửa đổi Chiến lược An ninh Quốc gia và các tài liệu an ninh quan trọng khác sẽ đặt nền tảng cho chính sách quốc phòng mới trong những năm tới.
Trong khi Thủ tướng Kishida cho biết việc thay thế ông Kishi vì lý do sức khỏe, ông Kishi đã thừa nhận rằng đã nhận được sự ủng hộ từ nhóm tôn giáo Nhà thờ Thống nhất trong các cuộc bầu cử trước đây. Đồng thời, trong nội các mới, Thủ tướng Kishida chỉ giữ lại 5 vị trí chủ chốt, gồm Chánh Văn phòng Nội các Hirokazu Matsuno, Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki, Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Daishiro Yamagiwa cùng Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Tetsuo Saito.
Ông Kishida khẳng định, các thành viên mới trong nội các của ông và các quan chức đảng cầm quyền mới phải "xem xét kỹ lưỡng" mối quan hệ của họ với nhóm Nhà thờ Thống nhất, nhằm đưa ra câu trả lời thỏa đáng cho người dân.
Nỗ lực đối phó thách thức
Cuộc cải tổ nội các lần này là cuộc cải tổ lớn nhất kể từ khi Thủ tướng Kishida lên nắm quyền, với việc bổ nhiệm gần 50% bộ trưởng là những thành viên mới, cho thấy kỳ vọng mang lại luồng sinh khí mới cho chính phủ Nhật Bản. Phát biểu tại buổi họp báo sau khi công bố nội các mới, Thủ tướng Kishida bày tỏ hy vọng những thay đổi về nhân sự sẽ mở đường cho một chính quyền lâu dài, ổn định để giải quyết những gì ông mô tả là "những thách thức lớn nhất của thời kỳ hậu chiến", từ đại dịch COVID-19, lạm phát, đến cuộc xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng gia tăng ở eo biển Đài Loan.
Trong lần cải tổ này, vị trí Bộ trưởng An ninh kinh tế được Thủ tướng Kishida trao cho cựu Chủ tịch Ủy ban Nghiên cứu chính sách Sanae Takaichi - người từng là đối thủ của ông trong cuộc đua tranh cử chức Chủ tịch Đảng LDP năm 2021. Theo Japan Times, bà Takaichi là một trong hai nữ chính khách trong nội các của ông Kishida, được biết đến là người am hiểu các vấn đề quân sự và từng được cựu Thủ tướng Shinzo Abe đánh giá cao.
Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Số hóa. Ông Taro Kono nổi tiếng với việc sử dụng tài khoản Twitter bằng tiếng Anh để đưa ra các quan điểm cá nhân. Ông có số lượng người theo dõi trên mạng xã hội cao, một minh chứng cho sự phù hợp của ông với xu hướng số hóa chính phủ.
Đáng chú ý, ông Yasutoshi Nishimura - quan chức phụ trách công tác ứng phó với dịch COVID-19 của chính phủ trong giai đoạn 2020-2021, được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp, cho thấy nỗ lực phục hồi hậu đại dịch của chính phủ Nhật Bản.
Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Hagiuda trở thành Trưởng ban Nghiên cứu chính sách của LDP, một công việc "nặng gánh" trong nội bộ LDP. Việc bổ nhiệm này được cho là nỗ lực nhằm xoa dịu nhóm trung thành với ông Abe, dù ông Hagiuda từng thừa nhận có dự một sự kiện do nhóm liên quan đến Nhà thờ Thống nhất tổ chức.
Trước đó, vào sáng 10/8, Thủ tướng Kishida đã cải tổ ban lãnh đạo LDP, trong đó chỉ giữ lại 3 vị trí chủ chốt. Cụ thể, Thủ tướng Kishida, người đang giữ chức Chủ tịch LDP, chỉ giữ lại Phó Chủ tịch Taro Aso, Tổng Thư ký Toshimitsu Motegi và Chủ tịch Ủy ban về các vấn đề Quốc hội Tsuyoshi Takagi.
Sự thay đổi của nội các Nhật Bản là lãnh đạo LDP diễn ra đúng một tháng sau khi liên minh cầm quyền giành chiến thắng sâu rộng trong cuộc bầu cử Hạ viện. Các chuyên gia phân tích cho rằng, động thái bổ nhiệm của ông Kishida là tương đối hài hòa, khi có sự xuất hiện của các gương mặt là đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền, hay các đại diện của các phái khác nhau.
Thông qua đó, Thủ tướng Kishida sẽ đẩy mạnh hơn "mục tiêu kép", đó là tiếp tục ổn định nhân sự nhằm cân bằng quyền lực giữa các phái, từ đó tăng uy tín của chính quyền bằng cách thúc đẩy các vấn đề liên quan trực tiếp tới đời sống nhân dân và vị thế của Nhật Bản.