Lý do "không ngờ" đẩy châu Âu vào tình trạng cháy rừng cực nguy hiểm
Theo giới chuyên gia, biến đổi khí hậu góp phần khiến các đám cháy rừng trở nên tồi tệ hơn và ngày càng vượt tầm kiểm soát. Tuy nhiên, tồn tại một lý do "hiếm ai nghĩ tới" khiến châu Âu hứng chịu tình trạng cháy rừng trên diện rộng chưa từng có như hiện nay.
Vì đâu nên nỗi?
Ngày 25/7, Trung tâm Giám sát Hỏa hoạn toàn cầu - một cơ quan cố vấn của Liên hợp quốc, cho biết châu Âu đã chứng kiến khoảng 1.900 vụ cháy rừng lớn (~450.000 ha) từ đầu năm 2022 tới giữa tháng 7, tăng kỷ lục so với mức trung bình 470 vụ (~110.000 ha) trong giai đoạn 2006-2021.
Ông Johann Goldammer, người đứng đầu Trung tâm Giám sát Hỏa hoạn toàn cầu nêu rõ: "Các cuộc di dân tự do từ vùng nông thôn tới các thành phố tại châu Âu từ nửa sau thế kỷ XX đã khiến khu vực nông thôn bị bỏ quên, các khu rừng ngập tràn vật liệu dễ cháy, như thân cây chết, cành cây gẫy và cỏ khô. Đây chính là lý do tại sao châu Âu đang phải đối mặt với các đợt hạn hán và cháy rừng chưa từng có trong lịch sử".
Theo ông Goldammer, chỉ một ngọn lửa nhỏ cũng có thấy gây bùng phát một đám cháy rừng lớn, đặc biệt là ở các quốc gia khu vực Địa Trung Hải - nơi đang ấm lên nhanh hơn 20% so với mức trung bình toàn cầu.
Hiện tại, 19 quốc gia của "lục địa già" đang ở trong tình trạng rất nguy hiểm do cháy rừng. Trong khi đó Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Pháp ở mức cực kỳ nguy hiểm. Cụ thể, một đám cháy hồi tháng 6 ở tỉnh Zamora, Tây Ban Nha, đã thiêu rụi ít nhất 25.000 ha rừng. Hơn 6.000 người đã được sơ tán khỏi 32 ngôi làng trong khu vực.
Nước láng giềng Bồ Đào Nha cũng chứng kiến tháng 5 nóng nhất trong 9 thập kỷ, khi 97% diện tích đất được xếp vào diện hạn hán nghiêm trọng. Ở Pháp, hơn 20.600 ha rừng ở khu vực Tây Nam Gironde đã bị thiêu rụi hoàn toàn và gần 37.000 người đã phải sơ tán. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gọi đây là "vụ cháy rừng lớn nhất lịch sử nước Pháp”.
Học cách sống chung với cháy rừng
AP dẫn lời các chuyên gia nhận định, hạn hán và các đợt nắng nóng gắn liền với biến đổi khí hậu đã làm cho cháy rừng trở nên khó dập hơn. Không những vậy, biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục khiến cháy rừng xảy đến thường xuyên hơn và có sức tàn phá lớn hơn, bao gồm các đám cháy lớn đến mức gần như không thể dập tắt.
Bà Friederike Otto, giảng viên cao cấp về khoa học khí hậu tại Viện Biến đổi Khí hậu thuộc Đại học Hoàng gia London cho rằng: "Chúng ta sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn cháy rừng và phải học cách thích ứng với nó bao gồm việc hạn chế tối đa và chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giáo dục để mọi người nhận thức được những nguy cơ kinh hoàng về sự nóng lên toàn cầu".
Chung quan điểm với bà Otto về việc phải thích nghi với cháy rừng, nhưng bà Amila Meskin, cố vấn chính sách tại Hiệp hội Rừng Nhà nước của châu Âu có trụ sở tại Brussels, đại diện cho các công ty, doanh nghiệp và cơ quan lâm nghiệp của chính phủ tại 25 quốc gia châu Âu, cho rằng việc quản lý rừng cũng cần được xem xét lại nghiêm túc.
Các dự án như kế hoạch trữ nước, trồng rừng hỗn hợp và phục hồi đất than bùn đã và đang diễn ra ở một số nơi. Nhưng những dự án mới này khó có thể cho kết quả sớm. Quy hoạch ngắn hạn trong lĩnh vực lâm nghiệp có thể kéo dài hơn 50 năm, và sự thay đổi cơ bản sẽ mất nhiều thập kỷ. Bà Meskin dự đoán "cú sốc" về cháy rừng có khả năng sẽ tạo ra mối quan tâm mới của cộng đồng đối với việc chăm sóc và trồng rừng.
Ở góc nhìn bao quát hơn, chuyên gia này cũng hy vọng các chính phủ sẽ đầu tư và tạo điều kiện hơn nữa để người dân có thể làm việc cho các dự án lâm nghiệp hay nông nghiệp và nhận được phúc lợi phù hợp ở những vùng nông thôn, nhằm đảo ngược các cuộc di dân tự do lên thành phố như từ nửa cuối thế kỷ XX đến nay - một trong những lý do khiến châu Âu đang phải đối mặt với các đợt hạn hán và cháy rừng chưa từng có trong lịch sử.