Lo ngại về "hiệp ước an ninh bí mật" của Trung Quốc tại Thái Bình Dương

Thứ Hai, 28/03/2022, 20:34

Mới đây, tờ New York Times dẫn một nguồn thạo tin cho biết, Trung Quốc và quần đảo Solomon thuộc Thái Bình Dương đang cùng dự thảo một hiệp ước an ninh bí mật. Thông tin này ngay lập tức đã khiến Australia và New Zealand "đặc biệt quan ngại", bởi nếu được ký kết, hiệp ước này có thể trở thành cơ sở để hải quân Trung Quốc kiểm soát các tuyến vận tải biển từng đóng vai trò quan trọng trong Thế chiến II. 

Nguồn tin của New York Times cho hay, thoả thuận an ninh bí mật nêu trên sẽ giúp Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare kêu gọi sự bảo vệ từ Trung Quốc trong trường hợp xảy ra bất ổn.  

Đổi lại, Trung Quốc có thể lập căn cứ ở Thái Bình Dương để triển khai quân đội, cảnh sát đến Solomon theo đề nghị nhằm duy trì trật tự xã hội cũng như các dự án của Bắc Kinh tại đây. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ được phép triển khai tàu chiến, được tiếp cận tất cả các cơ sở hạ tầng cần thiết ở quốc đảo này và có thể kiểm soát giao thông hàng hải khu vực Nam Thái Bình Dương. 

Lo ngại về
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (phải) cùng người đồng cấp Solomon Manasseh Sogavare tại lễ tiếp đón ở Bắc Kinh năm 2019. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc và Solomon hiện chưa lên tiếng về các thông tin trên. Nhưng phía Bộ Ngoại giao Australia ra thông cáo nêu rõ: "Chúng tôi sẽ đặc biệt quan ngại với bất cứ hành động nào đe dọa đến an ninh và ổn định của khu vực, trong đó có việc thiết lập hiện diện thường trực, như lập căn cứ quân sự". 

Nếu Trung Quốc thật sự thiết lập căn cứ quân sự tại Thái Bình Dương, khoảng cách từ căn cứ này tới bờ biển Australia sẽ chưa tới 2.000 km.

Ngày 28/3, Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh: "Các nguồn tin về một thỏa thuận an ninh bị rò rỉ không làm chúng tôi ngạc nhiên và nó là lời nhắc nhở về những áp lực và mối đe dọa gia tăng trong khu vực đối với an ninh quốc gia". Cùng ngày, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết, thỏa thuận bí mật mà Trung Quốc đang bàn bạc với Solomon "gây quan ngại sâu sắc" cho Wellington.

Bình luận về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Australia Charles Edel nhận định: "Động thái nêu trên thật sự là vấn đề mà Mỹ phải nghiên cứu kỹ và là nguyên nhân gây ra mối quan ngại sâu sắc cho các đồng minh và đối tác của chúng tôi". 

Theo ông Charles Edel, nếu Trung Quốc - quốc gia có mối quan hệ ngày càng tụt dốc với Australia, thiết lập căn cứ ở quần đảo Solomon sẽ làm suy giảm đáng kể an ninh của Canberra và Wellington cũng như làm tăng nguy cơ lạm dụng khai thác tài nguyên thiên nhiên.

Lo ngại về
Quần đảo Solomon thuộc Nam Thái Bình Dương. Ảnh: IAS.

Cuối tuần qua, chính phủ Solomon đã xác nhận việc họ đang "đa dạng hóa" quan hệ an ninh, ngoài hợp tác với Australia. Được biết, năm 2019, Solomon đã cắt đứt quan hệ với đảo Đài Loan và quay sang thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Hiện tại, Bắc Kinh cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Solomon và miễn thuế cho 97% hàng hóa xuất khẩu từ quần đảo này.

Tháng 1/2021, Thủ tướng Solomon Manasseh Sogavare đã đề nghị cảnh sát chống bạo động Trung Quốc đến dập tắt các cuộc biểu tình bạo lực ở thủ đô Honiara. Nhà lãnh đạo Sogavare tuyên bố cuộc bạo động được "kích động từ nước ngoài".

Giới chuyên gia đánh giá, động thái của Trung Quốc được cho là nhằm đối trọng lại với việc Australia mở rộng ngân sách quân sự và hợp tác với đồng minh Mỹ và Anh trong thỏa thuận an ninh AUKUS. Điều này khiến Trung Quốc phản đối mạnh mẽ vì cho rằng nó có thể dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực.

Hồi tháng 2, Mỹ thông báo khánh thành đại sứ quán ở Solomon sau khi nắm được thông tin rằng Trung Quốc dường như muốn thiết lập quan hệ quân sự với quốc đảo này.

Linh Đan
.
.
.