Kỳ vọng gì vào thượng đỉnh Mỹ - Trung?
Nhà Trắng ngày 12/11 thông báo, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến vào tối 15/11 (giờ địa phương). Sự kiện này tạo ra hi vọng về sự cải thiện trong quan hệ hai nước sau nhiều tháng trong tình trạng mà các nhà quan sát gọi là “Chiến tranh Lạnh mới”.
Kế hoạch gặp trực tuyến nói trên đã được nhất trí về mặt nguyên tắc trong các cuộc hội đàm tháng trước ở Zurich (Thụy Sĩ) giữa Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan và Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Ngoại vụ Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì.
Điều đó cho thấy ông Jake Sullivan và ông Dương Khiết Trì có thể đã tìm thấy những vấn đề mà các lãnh đạo của họ có thể đạt được thỏa thuận và đây là một dấu hiệu tốt cho hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Việc Chính phủ Mỹ từ bỏ nỗ lực truy tố Giám đốc tài chính của Huawei Mạnh Vãn Châu vào tháng 9/2021 cũng có thể tạo thêm không gian để ông Tập Cận Bình tỏ ra hào hiệp hơn tại hội nghị thượng đỉnh.
Dựa trên những gì các quan chức Trung Quốc công bố, Bắc Kinh sẽ có hai mục tiêu chính tại hội nghị thượng đỉnh. Đầu tiên, Bắc Kinh muốn quay trở lại mức độ trao đổi kinh tế, giáo dục và khoa học đã có với Mỹ trước khi mối quan hệ song phương trở nên tồi tệ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Các quan chức Trung Quốc luôn chỉ trích động thái của Mỹ hướng tới sự phân tách kinh tế. Họ cũng chỉ trích cụ thể việc Mỹ hạn chế cấp thị thực cho các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và các sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc có quan hệ với quân đội.
Thứ hai, Bắc Kinh yêu cầu Washington ngừng “can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc”. Các quan chức Trung Quốc cũng có thể mong muốn Washington dừng các cuộc thảo luận về chủ đề này trên các phương tiện truyền thông và giáo dục Mỹ (đây là sai lầm khi họ nghĩ rằng điều này cũng sẽ khả thi ở Mỹ, giống như ở Trung Quốc).
Về phía Mỹ, mục tiêu chính đầu tiên là nhận được sự chấp thuận của Trung Quốc đối với cái mà đội ngũ hoạch định chính sách của ông Joe Biden gọi là “cạnh tranh có trách nhiệm” hoặc “những hàng rào an toàn” trong mối quan hệ, có nghĩa là hai nước theo đuổi các mục tiêu của mình trong khuôn khổ quy tắc hành xử quốc tế (do Mỹ bảo trợ) và không thực hiện các hành động có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự.
Mục tiêu thứ hai của Mỹ là ngăn cản Trung Quốc gắn hợp tác về biến đổi khí hậu với các vấn đề khác. Các quan chức Trung Quốc cho biết sự sẵn lòng hợp tác của họ sẽ phụ thuộc vào thiện chí của Mỹ trong việc cải thiện mối quan hệ tổng thể, dường như họ có ý sử dụng vấn đề sức khỏe của hành tinh làm “con tin” để nhận được sự nhượng bộ chính trị từ Mỹ.
Còn đối với Tổng thống Mỹ, giới chuyên gia chỉ ra rằng, người đứng đầu Nhà Trắng có hai lợi thế khi tham gia Hội nghị Thượng đỉnh với ông Tập Cận Bình. Thứ nhất, ông Joe Biden chịu ít áp lực chính trị trong nước hơn ông Tập Cận Bình, và không nhất thiết phải chứng tỏ có sự cải thiện trong mối quan hệ song phương. Ở một mức độ nhất định, căng thẳng với Trung Quốc là một “tài sản” đối với ông Joe Biden, giúp làm giảm bớt sự chỉ trích của đảng Cộng hòa đối lập rằng ông mềm mỏng với Bắc Kinh.
Ông chắc chắn quan tâm đến việc ổn định mối quan hệ, nhưng lý tưởng nhất là sau khi ông đã chứng minh được rằng ông không vội vàng thỏa hiệp với Bắc Kinh. Do đó, ông có thể chấp nhận một Hội nghị Thượng đỉnh thất bại - tương tự như cuộc gặp ở Hà Nội của cựu Tổng thống Donald Trump với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un - bởi khi đó người Mỹ cho rằng ông Joe Biden đã thể hiện sự kiên định trước những yêu cầu vô lý của ông Tập Cận Bình.
Đương kim Tổng thống Mỹ rõ ràng không coi “cuộc chiến thương mại” đang kéo dài là vấn đề cấp bách. Về tổng thể, thương mại và đầu tư song phương Mỹ-Trung vẫn đang tiếp tục, bất chấp sự đi xuống trong quan hệ chính trị. Trong một số trường hợp, ông Joe Biden đang từ chối cơ hội kinh doanh với Trung Quốc. Chính quyền của ông quyết định giữ nguyên mức thuế quan dưới thời chính quyền ông Trump và không quan tâm đến lời thỉnh cầu của một số bộ phận cộng đồng doanh nghiệp Mỹ.
Bên cạnh đó, Chính phủ Mỹ cũng đang thúc đẩy phân tách kinh tế và thoái vốn khỏi Trung Quốc trong một số lĩnh vực. Trong khi đó, tình hình chính trị trong nước của ông Tập Cận Bình thì khác. Mối quan tâm chính của ông là Đại hội Đảng lần thứ 20 dự kiến diễn ra vào năm tới. Bên cạnh đó, mặc dù Trung Quốc đã và đang chịu đựng tương đối tốt các mức thuế quan mà Mỹ áp đặt, nhưng việc tiếp tục tiếp cận thị trường và công nghệ của Mỹ là yếu tố sống còn đối với các kế hoạch phát triển kinh tế của Bắc Kinh.
Gần như mọi tuyên bố gần đây của các quan chức cấp cao Trung Quốc về quan hệ Mỹ-Trung đều đề cập đến mong muốn là “thúc đẩy quan hệ song phương trở lại đúng hướng phát triển lành mạnh và ổn định”. Ý của họ là Mỹ dỡ bỏ các rào cản đối với hoạt động kinh tế cũng như các hoạt động mua sắm công nghệ tân tiến của Trung Quốc.
Lợi thế thứ hai có thể có đối với ông Joe Biden là uy tín quốc tế của Mỹ đang có xu hướng tích cực lên, trong khi của uy tín của Trung Quốc lại có chiều hướng tiêu cực đi. Người đứng đầu Nhà Trắng đã chuyển sang ưu tiên hàn gắn các mối quan hệ đối tác an ninh của Mỹ bị tổn hại dưới thời chính quyền người tiền nhiệm, đặc biệt là ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đương kim Tổng thống nhanh chóng ký kết các thỏa thuận với các đồng minh Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc. Washington đã thành công trong việc vận động các quốc gia khác như Anh, Đức và Ấn Độ gửi tàu chiến tới Biển Đông, thách thức chương trình nghị sự theo chủ nghĩa phục hồi lãnh thổ của Trung Quốc.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi Mỹ rút khỏi Afghanistan, điều mà nhiều nhà bình luận cho rằng sẽ hủy hoại niềm tin vào sự tin cậy của Mỹ, Australia đã cùng với Mỹ và Anh công bố hợp tác công nghệ quốc phòng ba bên, như một phần của hiệp ước AUKUS. Mặc dù ban đầu Pháp tỏ ra phẫn nộ vì để mất hợp đồng tàu ngầm với Australia vào tay Mỹ và Anh, nhưng những nỗ lực hàn gắn đã khiến Pháp và Mỹ nói về sự hợp tác tiềm năng ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, còn ông Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc gặp tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Rome ngày 30-31/10.
Từ những phân tích phía trên, giới chuyên gia cho rằng, kết quả chính có thể xảy ra từ hội nghị thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Joe Biden, thứ nhất là sự sẵn sàng của cả hai nước “tập trung vào hợp tác trong khi kiểm soát những khác biệt”.
Thứ hai là một thỏa thuận về nguyên tắc để làm việc cùng nhau nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, với việc Bắc Kinh quyết định sẽ không hứng chịu thêm những lời chỉ trích vì đã chính trị hóa vấn đề khẩn cấp sống còn của toàn cầu này. Hội nghị thượng đỉnh thành công sẽ là một bước tiến tới việc khôi phục sự ổn định và bình thường trong mối quan hệ Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, vẫn cần nhớ rằng việc Trung Quốc trở thành đối thủ cho vị trí lãnh đạo chiến lược khu vực đã tạo ra một sự bình thường mới - một sự bình thường đã loại bỏ khả năng về một sự hòa hợp trở lại sâu rộng và có thể tồn tại lâu dài trong mối quan hệ song phương.