Kịch bản nào cho việc NATO đưa quân tới Ukraine?

Thứ Hai, 18/03/2024, 09:59

Kịch bản NATO đưa quân tới Ukraine nếu xảy ra có thể dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu, thực chất là một cuộc Thế chiến III.

Sự thay đổi đột ngột trong quan điểm

Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cảnh báo kịch bản nếu NATO đưa quân tới Ukraine có thể gây ra Chiến tranh thế giới thứ ba đồng thời loại trừ bất cứ khả năng về việc Roma sẽ triển khai quân tới chiến trường để hỗ trợ Kiev trong xung đột với Moscow.

17_3_2024_phapduc.jpg -0
Tổng thống Emmanuel Macron và Thủ tướng Olaf Scholz.

Ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ rằng, NATO không nên đưa quân tới Ukraine. Đó sẽ là một sai lầm. Chúng tôi cần giúp Ukraine tự vệ, nhưng việc đưa quân vào nước này để tiến hành cuộc chiến chống lại Nga đồng nghĩa với nguy cơ xảy ra Thế chiến III”. Khi được hỏi về việc các quốc gia NATO khác gửi quân tới hỗ trợ Ukraine trong cuộc xung đột với Nga, đặc biệt là Pháp, ông Antonio Tajani cho biết ông hy vọng “điều đó không xảy ra”. Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 16/3 một lần nữa nhắc đến chủ đề gửi binh sĩ phương Tây tới Ukraine.

Trả lời Nhật báo “Le Parisen” hôm 16/3 sau khi tham dự Hội nghị thượng đỉnh tam giác Weimar cùng các nhà lãnh đạo Đức và Ba Lan, Tổng thống Emmanuel Macron một lần nữa khẳng định “có lẽ đến một thời điểm nào đó dù không muốn nhưng phương Tây sẽ cần phải tiến hành các hoạt động trên bộ dưới bất kể hình thức nào để ngăn cản quân đội Nga”.

Nhà lãnh đạo nước Pháp nhấn mạnh việc đưa quân vào Ukraine đang được nhiều nhà lãnh đạo châu Âu khác cân nhắc. Mặc dù không nêu cụ thể nhưng theo tờ “Người Paris”, ông Macron đang muốn nói đến các nước Ban tích, Ba Lan và Séc khi lãnh đạo các nước này gần đây liên tục có những tuyên bố không loại trừ việc thảo luận thêm về vấn đề này.

Nói về sự phản đối của Đức, Tổng thống Emmanuel Macron cho rằng, Berlin theo đuổi chiến lược thận trọng, không can thiệp cũng như giữ khoảng cách với vũ khí hạt nhân. Theo ông, mô hình của Đức rất khác với Pháp bởi Pháp là nước sở hữu vũ khí hạt nhân và đã duy trì, củng cố lực lượng trong lĩnh vực này. Người đứng đầu nước Pháp nhấn mạnh sức mạnh của Pháp là có thể làm mọi điều mình muốn, không e ngại sự răn đe từ Nga và Pháp đang chuẩn bị cho mọi kịch bản.

Trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh ở Paris được triệu tập vội vàng vào tháng 2 vừa qua, người đứng đầu Chính phủ Pháp nói phương Tây “không loại trừ khả năng” triển khai lực lượng tại Ukraine. Đây được đánh giá là một bước ngoặt đáng kinh ngạc đối với một tổng thống từng cảnh báo không nên khiến Nga tức giận và ủng hộ duy trì các kênh ngoại giao với Moscow.

Giải thích cho sự thay đổi bất ngờ này của nhà lãnh đạo Pháp, các chuyên gia cho rằng, Tổng thống Emmanuel Macron đang muốn Paris được coi là cường quốc thống trị ở châu Âu trong bối cảnh chính trị đang thay đổi, trên cả trường quốc tế và trong nước. Và đối thủ chính trong cuộc cạnh tranh vai trò lãnh đạo việc hoạch định chính sách của Liên minh châu Âu (EU) của Pháp chính là Đức. Berlin đã nhiều lần nói rõ rằng, họ không nghĩ một cường quốc quân sự lớn của EU như Pháp lại hạn chế cung cấp vũ khí cho Kiev - một quan điểm được Mỹ chia sẻ.

Khi Thủ tướng Đức có bài phát biểu vào tháng 2 kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng cường nỗ lực, vốn “chưa đủ”, để cung cấp cho Ukraine những vũ khí quan trọng, điều này đã khiến Pháp tức giận. Tổng thống Emmanuel Macron đáp lại rằng, Paris đã viện trợ tên lửa tầm xa cho Kiev và kêu gọi Berlin làm theo với tên lửa Taurus, được coi là một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất của quân đội Đức.

Thủ tướng Olaf Scholz, người không đồng tình với việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine, đã nhiều lần từ chối vì sợ leo thang xung đột, khiến Hạ viện Đức tuần này bỏ phiếu bác bỏ đề xuất viện trợ tên lửa Taurus lần thứ ba tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay. Các nguồn tin ở Berlin chỉ ra rằng, Đức, không giống như Pháp, không có vũ khí hạt nhân, khiến nước này dễ bị tổn thương hơn. Nhưng bất cứ khi nào bị đặt dấu hỏi về Taurus, ông Olaf Scholz đều nhắc đến thực tế rằng Đức là nước tài trợ vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine sau Mỹ.

Quyết tâm giành lại thế chủ động

Đúng là cuộc xung đột Nga - Ukraine đã gây ra một cuộc cách mạng trong chính sách quốc phòng của Đức. Thủ tướng Olaf Scholz đã công bố kế hoạch hiện đại hóa quân đội bị lãng quên từ lâu trị giá khoảng 100 tỷ euro trước khi đặt mua 35 máy bay chiến đấu F-35 do Mỹ sản xuất trị giá hơn 10 tỷ euro. Đức cũng dẫn đầu một dự án lá chắn chống tên lửa của châu Âu sử dụng công nghệ của Mỹ và Israel, dự án mà Pháp kiên quyết không tham gia. Pháp cho rằng, những sáng kiến như vậy làm suy yếu nỗ lực của ông Emmanuel Macron về chính sách “mua vũ khí của châu Âu” vốn là trọng tâm trong chiến lược quốc phòng của EU. Paris coi đây là động thái “vi phạm vùng ảnh hưởng” của Berlin.

Một nguồn tin thân cận với Tổng thống Emmanuel Macron cho biết Berlin đã phá vỡ thỏa thuận vốn là nền tảng của trục Pháp-Đức. Nói một cách đơn giản, Berlin nắm quyền lãnh đạo kinh tế ở châu Âu, trong khi Paris nắm quyền lãnh đạo chiến lược. Nguồn tin trên nêu rõ: “Biên giới hiện đã bị xóa mờ và có những nỗ lực xâm nhập vào vùng ảnh hưởng của nhau”. Các nguồn tin của Pháp và Đức đều thừa nhận có những khác biệt nhưng phủ nhận mối quan hệ đã rạn nứt không thể hàn gắn. Do đó, Tổng thống Pháp có ý định lấy lại vai trò lãnh đạo chiến lược của châu Âu đối với Ukraine, các nguồn tin cho biết và lưu ý thêm: “Chúng tôi đang ở giữa một cạnh tranh thực sự giữa Pháp và Đức”.

Để giành lại thế chủ động, ông Emmanuel Macron đã lên kế hoạch cho một thông báo gây chấn động. Tại hội nghị thượng đỉnh ở Paris về việc hỗ trợ Kiev, nhà lãnh đạo Pháp đề nghị các quốc gia châu Âu có thể gửi quân tới Ukraine. Các nguồn tin ở Điện Elysee khẳng định ông Emmanuel Macron đã thông báo trước 2 ngày cho Thủ tướng Olaf Scholz về ý định trên. Một ngày sau hội nghị thượng đỉnh ở Paris, ông Olaf Scholz cho biết vấn đề này đã được thảo luận, nhưng những người tham gia đã đồng ý “sẽ không có việc triển khai binh sĩ trên thực địa, các nước châu Âu hoăc NATO sẽ không gửi quân đến Ukraine. Một nguồn tin Đức cho biết hiện quan điểm này của Pháp đang bị “cô lập”.

Trong khi đó, các nguồn tin của Pháp khẳng định Tổng thống nước này biết rằng ý tưởng lớn mới nhất của ông không có “sự đồng thuận”, nhận thấy sự phản đối của các đồng minh trong việc xóa bỏ ranh giới đỏ lâu đời của NATO. Nhưng một nguồn tin thân cận với Tổng thống Pháp cho biết tuyên bố của ông Emmanuel Macron không chỉ nhằm mục đích thể hiện vai trò lãnh đạo ở châu Âu mà còn được coi là nhà lãnh đạo về Ukraine trên toàn cầu, đặc biệt là trước cuộc bầu cử Mỹ có thể chứng kiến cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng.

Tổng thống Emmanuel Macron cũng đang nỗ lực thúc đẩy khái niệm xây dựng “quyền tự chủ chiến lược” của EU để đảm bảo khối này có thể phát huy ảnh hưởng địa chính trị của mình một cách độc lập với Mỹ.

Một điều mà cả Đức và Pháp đều đồng ý là châu Âu cần duy trì sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine trong bối cảnh tình trạng “mệt mỏi” quốc tế về xung đột ngày càng gia tăng. Đây là một lý do khác khiến ông Emmanuel Macron quyết định thay đổi quan điểm: Pháp và châu Âu cần một “cú hích về mặt tinh thần trước thực tế khắc nghiệt của thời đại mới”. Các nguồn tin của Pháp cho biết tình hình thực tế ở Ukraine là điều cũng đã thuyết phục được ông Emmanuel Macron công khai về các cuộc thảo luận triển khai quân châu Âu đến thực địa. Các lực lượng Ukraine đang chịu áp lực ngày càng tăng trong cuộc giao tranh trên bộ, trong đó các lực lượng Nga đang giành được nhiều thắng lợi ở tiền tuyến. Do đó, tuyên bố can thiệp của ông Emmanuel Macron được thiết kế đồng thời nhằm khích lệ Ukraine và củng cố quyết tâm của châu Âu.

Một nguồn tin ngoại giao cho biết: “Bây giờ không ai có thể nói rằng Pháp đã mệt mỏi với việc hỗ trợ Ukraine”. Các nguồn tin của Pháp cũng xác nhận rằng Tổng thống Emmanuel Macron muốn tạo ra “sự mơ hồ về mặt chiến lược” với Nga, với lập luận rằng tốt hơn hết là để người đồng cấp Nga Vladimir Putin cân nhắc hơn là để tin rằng Ukraine sẽ thất bại.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.