Khủng hoảng năng lượng toàn cầu và những câu hỏi cho năm 2023
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu trong năm 2022 khiến phần lớn các khu vực trên thế giới phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung trong khi giá dầu, khí đốt và điện tăng mạnh. Cuộc khủng hoảng này vẫn còn nhiều điều khó lường và được dự đoán sẽ chưa thể kết thúc trong năm 2023.
Bước chuyển biến trong năm 2022
Theo đánh giá của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), cuộc khủng hoảng năng lượng đã tạo ra một bước ngoặt trong lịch sử, thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch và hình thành một hệ thống năng lượng bền vững. Một loạt các nước đã “bật đèn xanh” cho chính sách năng lượng tái tạo trong năm qua nhằm mục đích mở rộng quy mô năng lượng gió và năng lượng mặt trời, cùng với sự phát triển của các công nghệ như thu giữ carbon, carbon dioxide - nguyên nhân chính của biến đổi khí hậu - và lưu trữ nó trong lòng đất. Mỹ đã ban hành Luật giảm lạm phát – luật khí hậu tham vọng nhất trong lịch sử nước này.
Nghị viện châu Âu (EP) thông qua kế hoạch REPower Liên minh châu Âu (EU) nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga, đồng thời đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch. Trung Quốc cũng công bố các kế hoạch nhằm đặt được mục tiêu năng lượng sạch 5 năm trước thời hạn đề ra vào năm 2030. Trong khi Ấn Độ đã chi 2,6 tỉ USD để thành lập quỹ dành cho năng lượng sạch - động thái nhằm khuyến khích chế tạo nội địa các bộ phận cần thiết để sản xuất năng lượng mặt trời. Đây là động lực lớn nhất từng thấy trong lịch sử ngành năng lượng Ấn Độ. Giám đốc điều hành Renew Power - một trong những công ty năng lượng tái tạo lớn nhất Ấn Độ, ông Sumant Sinha cho biết, quỹ trên mang đến “một tín hiệu mạnh mẽ” rằng, New Delhi muốn “trở thành địa điểm sản xuất của các thiết bị năng lượng tái tạo”.
Một báo cáo của IAEA cho biết, giá dầu đã tăng lên mức trên 100 USD/thùng vào giữa năm 2022, giá khí đốt và than đá cao khiến giá điện tăng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, việc tăng cường sử dụng năng lượng sạch đã giúp các quốc gia châu Á, bao gồm cả Trung Quốc và Ấn Độ, tiết kiệm tổng cộng 34 tỷ USD trong năm qua. Các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu (một phần do xung đột Nga-Ukraine) cùng với các mối đe dọa về biến đổi khí hậu đã đẩy nhanh các chính sách năng lượng sạch và các khoản đầu tư lớn cần thiết để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió. Việc đột ngột giảm khả năng tiếp cận nhiên liệu hóa thạch và khủng hoảng chuỗi cung ứng cũng là những lý do thúc đẩy xu hướng năng lượng sạch. Doanh số bán khí đốt của Nga sang châu Âu giảm mạnh là một ví dụ điển hình. Theo bà Lauri Myllyvirta, trưởng bộ phận phân tích tại Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch cho rằng, hệ lụy của xung đột Nga-Ukraine đối với lĩnh vực năng lượng cho thấy, năng lượng sạch là một giải pháp.
Mặc dù có động lực tích cực đối với năng lượng sạch, nhưng vẫn còn một số khó khăn. Ông Vibhuti Garg (Viện Kinh tế năng lượng và Phân tích tài chính) cho biết: “Phản ứng nhanh chóng với cuộc khủng hoảng năng lượng khiến một số nước quay trở lại sử dụng nhiên liệu hóa thạch mặc dù nó có giá cao hơn đối với người nộp thuế”. Tuy nhiên, vì được thúc đẩy bởi động lực từ những năm trước, lĩnh vực năng lượng sạch trên toàn thế giới vẫn “cất cánh” trong năm 2022. Một báo cáo khác của IAEA cũng nhận định, sự phát triển vào năm 2022 đã đem lại động lực chưa từng có đối với năng lượng tái tạo và thế giới sẽ bổ sung nhiều năng lượng tái tạo trong 5 năm tới như đã làm trong 20 năm qua. “Vẫn còn rất nhiều việc phải làm, nhưng tôi nghĩ năm 2022 sẽ được ghi nhớ là năm lần đầu tiên năng lượng tái tạo đã hoàn thành tất cả các mục tiêu cơ bản”, ông Dave Jones, nhà phân tích năng lượng tại tổ chức tư vấn môi trường Ember có trụ sở tại London, nhận định.
Và những câu hỏi đặt ra
Thứ nhất, bản đồ năng lượng thế giới sẽ thay đổi như thế nào? Các sự kiện trong năm 2022 đã thay đổi vị thế của Nga trên thị trường năng lượng toàn cầu và bản đồ năng lượng của thế giới. Theo ước tính của IEA, EU đã nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga vào năm 2021, chiếm khoảng 45% lượng khí đốt nhập khẩu của EU và gần 40% tổng lượng khí đốt tiêu thụ của khối này. Giờ đây, EU đang tiếp cận các nhà cung cấp khí đốt lớn như Norway, Algeria và Mỹ, cũng như các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở châu Phi và Trung Đông. Vào năm 2023, EU sẽ có một sự thay đổi mang tính lịch sử khi đã đề ra các kế hoạch khẩn cấp cho các nước thành viên để đến tháng 3 mỗi nước sẽ cắt giảm 15% lượng khí đốt tiêu thụ. Trong khi đó, Nga đang tìm cách chuyển hướng xuất khẩu năng lượng từ châu Âu sang châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Ấn Độ.
Châu Âu sẽ chứng kiến mức giảm tiêu thụ khí đốt tự nhiên kéo dài nhờ các biện pháp cắt giảm, chuyển sang các giải pháp năng lượng xanh hoặc chuyển giao các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như thép và phân bón sang các quốc gia khác. Các nước Đông Á sẽ giảm sự phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng đắt đỏ và chuyển sang sử dụng than rẻ hơn. Mỹ đang phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và nhiên liệu hóa thạch trong nước để ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và biến động giá cả. Các giải pháp năng lượng khác cũng đang được thúc đẩy, đáng chú ý là hydro xanh. Chẳng hạn, liên minh năng lượng hydro giữa Canada và Đức, được công bố vào tháng 8, đang thống nhất các chính sách và đầu tư để phát triển chuỗi cung ứng hydro giữa hai quốc gia. EU đang tập trung vào mối quan hệ thương mại năng lượng với các quốc gia châu Phi, bao gồm Algeria, Nigeria và Namibia, hướng tới công nghệ hydro xanh và “power-to-X”, sử dụng điện sạch để tạo ra khí tự nhiên tổng hợp, nhiên liệu lỏng hoặc hóa chất trung hòa carbon.
Thứ hai, giá năng lượng cao sẽ thúc đẩy năng lượng tái tạo? Mức độ mà các quốc gia có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh là một câu hỏi quan trọng trong năm 2023. Giá dầu và khí đốt toàn cầu cao đã thúc đẩy các hộ gia đình và doanh nghiệp lắp đặt các tấm pin mặt trời và máy bơm nhiệt để giảm hóa đơn năng lượng. Các nhà hoạch định chính sách của EU đã nhanh chóng cấp phép lắp đặt các thiết bị năng lượng tái tạo và đơn giản hóa các quy định xung quanh việc trang bị thêm cho các tòa nhà để tiết kiệm năng lượng hơn. Trong năm 2022, Quốc hội Mỹ đã thông qua dự luật về thuế, y tế và khí hậu, trong đó có khoản chi tiêu kỷ lục 369 tỷ USD cho các chính sách khí hậu và năng lượng. Theo IEA, đến năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ trở thành nguồn sản xuất điện chính, cung cấp 1/3 lượng điện trên thế giới, ước tính, công suất điện gió và quang điện sẽ vượt công suất của khí đốt vào năm 2023 và than đá vào năm 2024.
Thứ ba, tác động của khủng hoảng năng lượng tới kinh tế là gì? Cuộc khủng hoảng năng lượng đang làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng xã hội trong và giữa các quốc gia. Các hộ gia đình dễ bị tổn thương và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất do chi phí năng lượng tăng vọt. Cuộc khủng hoảng năng lượng có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính hoặc khủng hoảng nợ. Các nền kinh tế dễ bị tổn thương có thể chứng kiến các ngành công nghiệp của họ bị thu hẹp.
Và cuối cùng, khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng đến hành động khí hậu như thế nào? Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ tác động nhiều đến những hành động về khí hậu. Các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình dường như không hài lòng với các phản ứng của phương Tây đối với cuộc khủng hoảng năng lượng, khi các nước giàu đang chuyển sang sử dụng than đá để thay thế năng lượng nhập khẩu của Nga trong khi kêu gọi các quốc gia nghèo hơn nỗ lực giảm lượng khí thải carbon. Khi ngân sách bị ảnh hưởng, mục tiêu tài chính khí hậu của các nước giàu sẽ khó đạt được. Các sáng kiến khí hậu phân chia các quốc gia thành các khối thương mại có thể gây ra căng thẳng giữa các quốc gia giàu và nghèo nếu chúng không phù hợp với nguyên tắc chung.
Khủng hoảng năng lượng vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với các quốc gia trên thế giới. Khi thế giới sắp bước sang năm 2023, giới chức và nhà nghiên cứu của các nước cần đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện tại để đảm bảo quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh diễn ra tốt đẹp.