Không ngừng nỗ lực cứu Trung Đông khỏi một cuộc chiến toàn diện
Trong những ngày qua, cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục những nỗ lực không ngừng nghỉ để hạ nhiệt căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon, vốn đang đẩy Trung Đông đến gần hơn với một cuộc chiến toàn diện. Trong đó đáng chú ý là lệnh ngừng bắn kéo dài 21 ngày ở Lebanon, do Mỹ và Pháp đề xuất.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 28/9 kêu gọi thực hiện đầy đủ Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) về các cam kết giảm leo thang căng thẳng giữa Israel và Hezbollah, đồng thời có biện pháp cứng rắn đối với các bên vi phạm.
Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn nhất quán đối với yêu cầu thực hiện đầy đủ và toàn diện Nghị quyết 1701 của HĐBA, trong đó nêu rõ cả nghĩa vụ của Israel là chấm dứt mọi hoạt động quân sự tấn công, rút quân khỏi Nam Lebanon và chấm dứt việc chiếm đóng đất đai của Lebanon cũng như nghĩa vụ của Hezbollah là rút tất cả các đội hình về phía Bắc sông Litania... Các biện pháp nghiêm khắc phải được thực hiện đối với những kẻ vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ”. Ngoại trưởng Sergei Lavrov đồng thời kêu gọi các bên “ngay lập tức chấm dứt các hành động thù địch. Điều này sẽ ngăn chặn đổ máu thêm và tạo điều kiện cho một giải pháp chính trị và ngoại giao”. Ông cũng nhấn mạnh, Hội đồng Bảo an không chỉ là diễn đàn giải quyết các vấn đề cấp bách toàn cầu mà còn là cơ quan duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, ngày 27/9, đã bày tỏ ủng hộ kế hoạch chung của Mỹ và Pháp về lệnh ngừng bắn 21 ngày tại Lebanon: “Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất ngừng bắn tạm thời, qua đó sẽ tạo điều kiện cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo và khôi phục các cuộc đàm phán nghiêm túc nhằm đạt được hòa bình bền vững”. Ông cảnh báo, mức độ thiệt hại và con số thương vong quá lớn ở Gaza đang tạo ra những cú sốc có thể ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực, thậm chí có thể khiến khu vực lâm tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.
Cùng ngày, bày tỏ ủng hộ sáng kiến của Washington và Paris, Đại diện cấp cao về Chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell đồng thời kêu gọi cần đa dạng hóa các nỗ lực ngoại giao thay vì chỉ phụ thuộc vào Mỹ để đạt được lệnh ngừng bắn. Hôm 25/9, ngay sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron tại LHQ, hai bên đã đề xuất một lệnh ngừng bắn kéo dài 21 ngày tại Lebanon.
Về phía Israel, trong bài phát biểu gây chú ý tại Khóa họp 79 Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu khẳng định Israel sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động chống lại Hezbollah “cho đến khi đạt được các mục tiêu”. Tuy nhiên, theo cảnh báo của giới chuyên gia, nếu Israel tham gia vào một cuộc chiến toàn diện với Hezbollah, nước này sẽ đối mặt với một đối thủ mạnh mẽ hơn nhiều so với Hamas. Hezbollah được xem là “một nhà nước trong một nhà nước” với khả năng quân sự tinh vi hơn và trong năm qua, họ đã tăng cường kho vũ khí và các chiến thuật quân sự của mình. Ước tính nhóm này sở hữu từ 120.000 đến 200.000 tên lửa và đạn đạo, trong đó có hàng nghìn tên lửa có tầm bắn xa lên tới 300 km.
Bên cạnh sức mạnh quân sự, khả năng duy trì một cuộc chiến tranh toàn diện cũng phụ thuộc vào nền kinh tế của Israel. Kinh tế Israel đã trải qua sự suy giảm nghiêm trọng kể từ khi bắt đầu xung đột với Hamas, với hàng ngàn doanh nghiệp bị ảnh hưởng và tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Theo báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nền kinh tế Israel đã giảm 4,1% trong những tháng đầu của cuộc chiến. Nền kinh tế suy thoái đi kèm với chi tiêu quân sự gia tăng, dự kiến sẽ gây thiệt hại lên tới 67 tỷ USD từ năm 2023 đến 2025. Sự suy giảm này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng tài chính của Israel mà còn tác động đến xếp hạng tín dụng của nước này, khiến việc vay nợ trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Điều này có thể gây cản trở cho khả năng duy trì hoạt động quân sự và đảm bảo hậu cần dài hạn nếu một cuộc xung đột quy mô lớn xảy ra.
Chưa hết, trong bối cảnh chiến tranh hiện tại, sự ủng hộ của công chúng đối với các hoạt động quân sự của Israel đang giảm dần. Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người dân Israel chia rẽ về việc liệu nước này nên theo đuổi một thỏa thuận ngoại giao hay một chiến thắng quân sự trước Hezbollah. Trong khi một bộ phận ủng hộ tiếp tục cuộc chiến, phần lớn dường như muốn chấm dứt xung đột và tìm kiếm các giải pháp hòa bình hơn. Đối với nhiều người dân sống gần khu vực biên giới phía Bắc Israel, áp lực và thiệt hại trong suốt thời gian dài đã tạo ra những lo ngại sâu sắc về khả năng duy trì một cuộc chiến tranh toàn diện.
Nhưng một số người cho rằng, chỉ có một cuộc chiến tranh toàn diện mới có thể thay đổi thực tế hiện tại và đưa lại sự an toàn cho cộng đồng của họ. Như vậy, tình hình tại Israel hiện nay rất phức tạp và khả năng cho một cuộc chiến tranh toàn diện khác với Hezbollah đang đặt ra nhiều thách thức. Với sức mạnh quân sự của Hezbollah, tình hình kinh tế suy giảm và áp lực từ công chúng, Israel có thể phản cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định tiến hành một cuộc chiến quy mô lớn hơn.
Trong khi đó, đối với Hezbollah, phong trào vũ trang ở Lebanon với tiềm lực quân sự mạnh mẽ này đang đối mặt với một tình thế ngặt nghèo chưa từng có trong suốt bốn thập niên tồn tại. Sau một loạt các cuộc tấn công tàn phá từ Israel, nhóm này phải đưa ra quyết định sống còn: leo thang xung đột bằng việc sử dụng vũ khí tiên tiến hơn, hoặc kiềm chế, đối mặt với nguy cơ mất đi uy tín và ảnh hưởng. Đây là một tình huống đầy khó khăn đối với một nhóm vũ trang vốn đã xây dựng danh tiếng về sức mạnh quân sự và khả năng răn đe. Trong những tuần gần đây, Hezbollah đã đáp trả mạnh mẽ bằng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào Tel Aviv. Tuy nhiên, nhóm này vẫn chưa triển khai các loại vũ khí tiên tiến nhất của mình, như hàng trăm tên lửa đạn đạo dẫn đường có tầm bắn lên tới gần 500 km. Quyết định có tung ra vũ khí này hay không là một trong những lựa chọn khó khăn nhất mà Hezbollah từng phải đối mặt. Một số thành viên Hezbollah cho rằng, nhóm này đã quá thận trọng trong việc phản ứng, cho rằng Hezbollah cần đáp trả mạnh mẽ hơn để không làm suy yếu sức mạnh răn đe của mình.
Tuy nhiên, giới lãnh đạo Hezbollah đang cố gắng tránh rơi vào cái bẫy do Israel giăng ra, đó là khơi mào một cuộc chiến tranh toàn diện có thể kéo theo cả Iran và Mỹ. Cuộc chiến như vậy không chỉ tàn phá Lebanon – quốc gia đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng – mà còn làm giảm sự ủng hộ của người dân Lebanon đối với Hezbollah, phong trào vốn là một đảng chính trị mạnh và một nhà cung cấp phúc lợi xã hội lớn. Ngoài ra, Hezbollah cũng đang gặp khó khăn trong hệ thống liên lạc sau khi các cơ sở liên lạc chính của họ bị phá hủy trong các cuộc không kích gần đây. Mặc dù nhóm này có khả năng sử dụng các phương pháp liên lạc mã hóa, nhưng các cuộc tấn công này vẫn làm phức tạp hóa khả năng chỉ huy và kiểm soát của họ.
Những thách thức mà Hezbollah đang đối mặt không chỉ nằm ở khả năng quân sự mà còn là các áp lực chính trị. Hezbollah đã tuyên bố rằng, họ sẽ tiếp tục tấn công Israel cho đến khi nước này rút quân khỏi Gaza. Điều này đã đặt nhóm vào thế bị động, khi vận mệnh của họ gắn liền với cuộc xung đột mà họ không kiểm soát được. Tình thế của Hezbollah càng kéo dài, nhóm này càng mất đi uy tín và chính trị.
Nếu Hezbollah không thể phản ứng mạnh mẽ hoặc buộc Israel phải ngừng các cuộc không kích, uy tín của nhóm này trong khu vực sẽ suy giảm nhanh chóng. Như vậy, cuộc khủng hoảng hiện tại của Hezbollah là một thử thách lớn cho tương lai của nhóm này. Họ đang đối mặt với một sự lựa chọn khó khăn: phản ứng mạnh mẽ và có nguy cơ dẫn đến một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel, hoặc tiếp tục kiềm chế và đánh đổi uy tín cùng ảnh hưởng của mình.