Khẳng định sự tín nhiệm trong lĩnh vực nhân quyền

Chủ Nhật, 22/01/2023, 15:55

11h45 (giờ địa phương - 22h45 giờ Việt Nam) ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025 tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77. Việt Nam được các thành viên ASEAN nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của khối cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ. Kết quả trên không chỉ là minh chứng rõ ràng nhất về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam mà còn là lời khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Việc trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền, cơ quan có vai trò quan trọng hàng đầu thuộc hệ thống LHQ trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người đã thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền của người dân trên tất cả các lĩnh vực. Đây cũng là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, là bước tiến mới trong nỗ lực triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Khẳng định sự tín nhiệm trong lĩnh vực nhân quyền_CAND_TET2023_T56 -0
Đoàn Việt Nam tham dự phiên họp bỏ phiếu và công bố kết quả thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc.

Mỗi lá phiếu bầu chọn Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ là một trong những minh chứng rõ ràng nhất và là sự khẳng định rằng, các quốc gia trên thế giới công nhận, tin tưởng vào các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã bảo đảm thực hiện quyền con người cho người dân Việt Nam trên các lĩnh vực của đời sống xã hội một cách trách nhiệm, tích cực, thành tâm vô điều kiện, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực của Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đối với việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Mỗi lá phiếu của các quốc gia cũng đã nói lên Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện đúng, có hiệu quả các Công ước quốc tế có liên quan quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc phê chuẩn, các cố gắng này đã và đang được nội luật hóa thành pháp luật trong nước, trở thành công cụ quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, các quốc gia trên thế giới nói chung, các nước trong khu vực ASEAN nói riêng đã bày tỏ sự tin tưởng vào Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, sau khi được bầu vào Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tiếp tục “là một thành viên quan trọng của Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ hợp tác với chúng tôi trong việc thúc đẩy quyền con người” như lời của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, ông Daniel Kritenbrink, khi chúc mừng Việt Nam đã trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025 tại buổi họp báo chiều 12/10.

Chưa hết, mỗi lá phiếu của các quốc gia đã xác nhận Việt Nam đã hoàn thành tốt “Báo cáo quốc gia theo Cơ chế Rà soát định kỳ Phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng Nhân quyền và đang tiến hành những khuyến nghị cho UPR chu kỳ 3”.

Đồng thời khẳng định Việt Nam đặc biệt quan tâm tới các công ước quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, tích cực thúc đẩy các Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, loại bỏ các hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ… và như bài viết của tờ Washington Times ngày 21/9/2022 khẳng định, việc Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền sẽ góp phần làm sâu sắc thêm sự tham gia của Việt Nam vào hệ thống quốc tế. Cuối cùng, mỗi lá phiếu của các quốc gia bầu chọn Việt Nam vào thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ đã trực tiếp bác bỏ các quan điểm sai trái của các lực lượng thù địch phủ nhận, xuyên tạc, vu khống tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong thời gian qua.

Rất nhiều khó khăn đối với Việt Nam khi ứng cử Hội đồng Nhân quyền lần này. Hội đồng Nhân quyền là cơ quan chính của LHQ để triển khai đường hướng về vấn đề quyền con người, một trong ba trụ cột của LHQ. Hai trụ cột còn lại là hòa bình và phát triển. Chính vì vậy các nước hết sức coi trọng, quyết liệt tham gia cơ chế này. Bên cạnh đó, Việt Nam tham gia muộn nhất trong các nước tham gia ứng cử, cũng như trải qua hai năm đại dịch COVID-19 không có điều kiện tiếp xúc và gặp gỡ, công tác vận động chỉ được triển khai từ đầu năm 2022.

Trong quá trình vận động như vậy, Việt Nam tiếp tục đối mặt với một khó khăn khác là cách tiếp cận trong vấn đề quyền con người giữa các nước có nhiều khác biệt. Đối mặt với thách thức đó, Việt Nam phải đi tìm mẫu số chung để các nước chấp nhận được, để các nước thấy rằng Việt Nam đóng góp được vào nỗ lực chung.

Dù khó khăn, thách thức nhiều như vậy, Việt Nam cũng có nhiều thuận lợi, trong đó đáng kể là Việt Nam là ứng cử viên được 10 quốc gia ASEAN ủng hộ và là ứng cử viên duy nhất của khu vực. Thuận lợi thứ hai là sự tín nhiệm của các nước không chỉ xuất phát từ thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam, vốn luôn luôn lấy con người làm trung tâm và động lực, mục tiêu của sự phát triển. Sự tín nhiệm quốc tế đó còn đến từ những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong các cơ chế của LHQ suốt nhiều năm qua.

Thuận lợi thứ ba là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ban, ngành và được sự quan tâm, tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao trong công tác vận động, trong các cuộc tiếp xúc với các nước. Nhờ những nỗ lực đó và công tác thông tin tuyên truyền, dư luận trong và ngoài nước đã hiểu rõ hơn về việc ứng cử cũng như các cam kết đóng góp của Việt Nam trong công tác nhân quyền.

Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người – cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới – là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của LHQ. Việt Nam sẽ thúc đẩy các ưu tiên đã được xác định khi tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua đối thoại và hợp tác, nhất là về bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương và bảo đảm quyền con người trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu.

Điều này không chỉ góp phần giải quyết những quan tâm chung, cấp bách của nhân loại mà còn giúp mở ra những cơ hội chia sẻ và học hỏi những kinh nghiệm tốt, tranh thủ sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, giúp cho người dân Việt Nam được thụ hưởng các quyền con người, quyền công dân ngày càng tốt hơn.

 Hội đồng Nhân quyền LHQ trực thuộc Đại hội đồng LHQ được thành lập năm 2006 là cơ chế quan trọng nhất về quyền con người trong hệ thống LHQ, có chương trình nghị sự trải rộng trên 10 đề mục, một mặt bám sát các quan tâm chung của cộng đồng quốc tế về quyền con người, mặt khác cũng phản ánh rõ nét những ưu tiên, chiến lược lớn của các nước và các nhóm nước trong lĩnh vực này. Hội đồng Nhân quyền LHQ có một hệ thống cơ quan, cơ chế trực thuộc đặc biệt, được quan tâm và tham gia rộng rãi, đầy đủ nhất là UPR. Gồm 47 thành viên có nhiệm kỳ 3 năm, cơ quan này là diễn đàn đối thoại, hợp tác và thúc đẩy cân bằng tất cả các quyền con người, kể cả quyền phát triển; hoạt động trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại, trên tinh thần xây dựng, không thiên vị, chọn lọc, chính trị hóa và tiêu chuẩn kép.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.