Kế hoạch tái thiết Dải Gaza thắp hy vọng cho người Palestine

Thứ Sáu, 07/03/2025, 07:04

Người Palestine ở Dải Gaza nhìn thấy hi vọng về một tương lai tươi sáng hơn sau khi các nước Arab thông qua kế hoạch trị giá 53 tỷ USD nhằm tái thiết "vùng đất dữ" bị xung đột tàn phá này. Tuy vậy, việc triển khai kế hoạch tái thiết của khối Arab sẽ gặp không ít thách thức trong việc tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ và Israel.

Sau khi lãnh đạo các nước thành viên Liên đoàn Arab (AL) thông qua kế hoạch tái thiết Dải Gaza trong vòng 5 năm tới với tổng chi phí khoảng 53 tỷ USD do Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đề xuất cách đây hai ngày, hôm nay (7/3), Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (IOC) sẽ tiến hành cuộc họp cấp ngoại trưởng tại thành phố Jeddah của Arab Saudi để thảo luận thêm về nỗ lực xây dựng lại Dải Gaza sau khi xung đột Hamas-Israel kết thúc. Hãng tin AlArabiya dẫn lời Ngoại trưởng Ai Cập Badr Abdelatty xác nhận ông sẽ đưa bản kế hoạch dài 112 trang mà lãnh đạo các nước Arab đạt đồng thuận ra cuộc họp ở IOC. "Chúng tôi sẽ tìm cách để kế hoạch này được thông qua ở IOC, từ đó biến nó trở thành một kế hoạch chung của cả người Hồi giáo lẫn người Arab", ông Abdelatty tuyên bố.

yu.jpg -0
Những túp lều tạm của người Palestine lọt thỏm giữa các tòa nhà bị phá hủy do giao tranh ở Dải Gaza. Ảnh: Reuters

Theo truyền thông quốc tế, Ai Cập, Jordan và các nước Arab vùng Vịnh hơn một tháng qua nỗ lực tìm kiếm giải pháp tái thiết Dải Gaza nhằm thay thế kế hoạch của Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà trong đó, ông chủ Nhà Trắng muốn di dời gần hai triệu người Palestine đang sinh sống ở Dải Gaza sang các nước láng giềng, rồi đầu tư để biến khu vực này thành khu nghỉ dưỡng sầm uất dưới sự quản lý của Mỹ.

Với kế hoạch được Ai Cập công bố, người Palestine sẽ không phải di dời trong suốt quá trình tái thiết và sau khi việc tái thiết Dải Gaza hoàn tất. Nó bao gồm 3 giai đoạn, trong đó, giai đoạn một dài 6 tháng, tốn 3 tỷ USD để rà phá bom mìn và dọn dẹp đống đổ nát do hỏa lực Israel. Giai đoạn hai kéo dài hai năm với chi phí 20 tỷ USD, tập trung xây dựng nhà ở cho 1,6 triệu người Palestine và tái thiết lập các cơ sở, dịch vụ thiết yếu. Giai đoạn cuối cùng sẽ diễn ra trong hai năm rưỡi để xây dựng thêm nhà ở cho 1,2 triệu người Palestine cũng như các tòa nhà và cơ sở hạ tầng khác để phát triển Dải Gaza. Về kinh phí, Ai Cập sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế với sự trợ giúp của Liên hợp quốc (LHQ), qua đó thành lập quỹ tín thác do Ngân hàng Thế giới giám sát để tiếp nhận đóng góp của các nước, chủ yếu là các quốc gia vùng Vịnh giàu có và các nước châu Âu.

Về cách thức quản lý Dải Gaza, kế hoạch này sẽ yêu cầu phong trào Hamas trao quyền lực cho một chính quyền lâm thời gồm những người độc lập về chính trị tới khi "một Chính quyền Palestine được cải cách" có thể nắm kiểm soát Dải Gaza.  Hòa bình là lựa chọn chiến lược của người Arab", Tổng thư ký AL Ahmed Aboul Gheit nói. "Kế hoạch sẽ tạo ra con đường đi đến một bối cảnh an ninh và chính trị mới ở Dải Gaza".

Việc các nước Arab, vốn ủng hộ và có quan hệ mật thiết với người Palestine, đưa ra một kế hoạch chi tiết nhằm xây dựng lại Dải Gaza mở ra hi vọng về một tương lai mới ở dải đất này sau hơn 15 tháng giao tranh ác liệt giữa Hamas và Israel. Hãng tin DW ngày 5/3 cho hay, Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas hoan nghênh kế hoạch của các nước Arab. Cùng ngày, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cũng khẳng định, LHQ luôn "sẵn sàng hợp tác toàn diện" với cộng đồng Arab trong công cuộc tái thiết Dải Gaza. Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Antonio Costa sau đó nêu rõ, Liên minh châu Âu (EU) tán thành với cách tiếp cận của các nước Arab, tin tưởng nó "mang lại hy vọng cho hàng triệu người Palestine ở Dải Gaza, Bờ Tây và nước ngoài" rằng "nỗi đau khổ tất cả chúng ta từng chứng kiến" ở Dải Gaza có thể sớm chấm dứt. Từ Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiến cũng nêu rõ, kế hoạch của các nước Arab sẽ đảm bảo nguyên tắc "người Palestine quản lý Palestine", từ đó hướng tới mục tiêu chấm dứt xung đột Israel-Palestine theo giải pháp hai nhà nước.

Tuy nhiên, kế hoạch đang vấp phải sự phản đối của Israel và Mỹ. Bộ Ngoại giao Israel ra tuyên bố khẳng định họ loại trừ mọi khả năng Hamas được tồn tại hậu chiến sự; đồng thời không chấp nhận trao quyền kiểm soát Dải Gaza cho Chính quyền Palestine. Trong khi đó, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Brian Hughes đánh giá, "kế hoạch hiện tại không phản ánh thực tế rằng, Dải Gaza hiện không thể sinh sống được và người dân không thể tồn tại trong điều kiện lãnh thổ ngập tràn những đống đổ nát và vũ khí chưa nổ". "Tổng thống Donald Trump vẫn kiên định với tầm nhìn tái thiết Dải Gaza mà không có Hamas", ông Hughes nói thêm.

Hiện chưa rõ Mỹ và Israel có điều chỉnh quan điểm nếu IOC cũng thông qua kế hoạch này hay không. Bên cạnh đó, để công cuộc tái thiết Dải Gaza có thể bắt đầu, Israel và Hamas cần ngừng bắn lâu dài và trao trả nốt số con tin còn lại, điều mà các bên chưa đạt đồng thuận. Theo Reuters, Nhà Trắng ngày 6/3 xác nhận đã cử phái đoàn đàm phán với Hamas, đánh dấu lần đầu tiên Washington liên hệ trực tiếp Hamas từ năm 1997, để thúc giục nhóm lập tức thả các tù nhân người Mỹ-Israel và chấm dứt giao tranh. Tổng thống Mỹ Trump sau đó phát thông điệp trên mạng xã hội yêu cầu Hamas lập tức thả con tin. "Hãy thả tất cả con tin ngay bây giờ và trao trả toàn bộ thi thể những người đã chết", ông nói và nhấn mạnh đây là "cảnh báo cuối cùng" hoặc sẽ "gửi cho Israel mọi thứ để hoàn thành công việc và sẽ không có bất cứ thành viên Hamas nào được an toàn".

Thái Hà
.
.
.