Hy vọng về một tương lai hòa bình ở Syria

Thứ Năm, 12/12/2024, 08:08

Tình hình tại Syria có dấu hiệu dần ổn định trở lại sau khi lực lượng nổi dậy do nhóm Hayat Tahrir al-Sham (HTS) dẫn đầu khởi động quá trình chuyển giao quyền lực hòa bình thông qua một chính phủ chuyển tiếp, mang đến kì vọng cho nhiều người dân Syria về khả năng chấm dứt chuỗi ngày xung đột triền miên.

Syria đã trải qua 11 ngày náo loạn khi các nhóm vũ trang ở Tây Bắc Syria do HTS dẫn đầu mở chiến dịch quân sự chống lại quân đội trung thành với cựu Tổng thống Bashar al-Assad cuối tháng 11/2024 trên khắp đất nước. Tuy nhiên, 3 ngày kể từ thời điểm HTS tiến vào kiểm soát Thủ đô Damascus hôm 8/12, nhịp sinh hoạt bình thường đang trở lại ở thành phố lớn nhất Syria này cũng như các khu vực khác.

Theo AlJazeera, từ ngày 11/12, các ngân hàng, công trình công ích, trụ sở chính quyền đã hoạt động trở lại. Chợ Bazaar lâu đời nhất Damascus ghi nhận đông đúc người mua bán. "Mọi cửa hàng trong chợ đều đã mở bán bình thường. Chúng tôi từng nghĩ mình từng bị cô lập khỏi thế giới rồi, nhưng giờ không còn nữa", chủ cửa hàng giày Waseem Anan nói.

Hy vọng về một tương lai hòa bình ở Syria -0
Nhiều người Syria rời Thổ Nhĩ Kỳ trở về nhà sau khi HTS nắm quyền. Ảnh: Reuters.

Ở khu vực tiếp giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hàng ngàn người đi bộ cùng lỉnh kỉnh đồ đạc qua biên giới để trở về nhà cửa của họ trên lãnh thổ Syria sau nhiều năm di tản. Tất cả các cửa khẩu ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ đều đã mở cửa trở lại.

Tại trụ sở Chính phủ Syria, quá trình chuyển giao quyền lực từ chính quyền cũ của ông al-Assad đang diễn ra. HTS ngày 10/12 thông báo lựa chọn Mohammed al-Bashir, lãnh đạo chính quyền do các nhóm đối lập lập ra ở tỉnh Idlib, làm Thủ tướng trong chính quyền chuyển tiếp. Lãnh đạo cao nhất của HTS Ahmed al-Shara, biết đến với biệt danh Abu Mohammed al-Jolani, cho biết, ông al-Bashir đảm nhận nhiệm vụ thành lập chính phủ để quản lý giai đoạn chuyển giao quyền lực, nhằm tránh đẩy Syria "rơi vào tình trạng hỗn loạn".

Thủ lĩnh al-Shara cũng kêu gọi các thành viên chính phủ cũ quay lại làm việc, chỉ dấu cho thấy HTS không có ý định trả thù hoặc tấn công diện rộng những người làm việc dưới quyền ông al-Assad. Việc chỉ định Thủ tướng chính quyền chuyển tiếp Syria diễn ra sau khi giới truyền thông đưa tin về cuộc gặp giữa thủ lĩnh HTS al-Shara, ông al-Bashir và Thủ tướng Syria thời ông al-Assad là ông Mohammad al-Jalali hôm 9/12. Ông al-Jalali đã cam kết sẵn sàng tham gia chuyển giao quyền lực hòa bình.

Theo AlJazeera, trong cuộc phỏng vấn công khai đầu tiên, ông al-Bashir ngày 11/12 khẳng định "lúc này là thời điểm để người dân Syria được hưởng sự ổn định và yên bình". Ông al-Bashir cũng đã có cuộc họp nội các đầu tiên với sự tham gia của chính quyền lâm thời và các cơ quan từ chính phủ dưới thời ông al-Assad.

Trong động thái được mô tả là nhằm thể hiện quyết tâm duy trì trật tự đất nước, các nhóm quân sự nắm quyền lực ở Syria đã lựa chọn Fouad al-Shami, một chỉ huy trong hàng ngũ lực lượng đối lập làm chỉ huy cảnh sát mới của Syria. "Các chiến binh của chúng tôi được triển khai để tuần tra khắp Damascus", ông al-Shami nói. "Chúng tôi sẽ không nghỉ ngơi cho đến khi an ninh và trật tự được thiết lập đầy đủ ở mọi nơi trong cả nước".

HTS gọi họ là một lực lượng vũ trang đối lập chống lại ông al-Assad. HTS đã cắt đứt liên hệ với al-Qaeda từ năm 2016, nhưng nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa đưa nhóm ra khỏi danh sách các tổ chức cực đoan. Trong những tuyên bố mới nhất, thủ lĩnh cao nhất của HTS al-Shara nhiều lần trấn an cộng đồng quốc tế và người dân rằng các nhóm vũ trang do HTS dẫn đầu sẽ không áp đặt các điều luật hà khắc và tìm cách thống nhất Syria. Ông al-Shara ngày 10/12 khẳng định "Syria sẽ được tái thiết để phát triển ổn định" và rằng "người dân đã mệt mỏi và không muốn một cuộc chiến khác".

Trên thực tế, dù kiểm soát Damascus và hầu khắp vùng lãnh thổ quan trọng chạy dọc vùng duyên hải bên bờ Địa Trung Hải và thành phố Deir ez-Zor chiến lược bên bờ sông Euphrates, một phần lớn lãnh thổ Syria bên bờ Đông Bắc sông Euphrates hiện nằm trong tay Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) một nhóm vũ trang chống ông al-Assad khác có thành phần là các tay súng người Kurd do Mỹ hậu thuẫn. SDF từng giao tranh với HTS trong quá khứ và chưa có dấu hiệu cho thấy hai bên sớm tìm được tiếng nói chung.

Trong tuyên bố thể hiện sự thận trọng với tình hình Syria, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều bày tỏ mong muốn chính phủ mới của quốc gia này phải là một "chính phủ bao trùm, không phân biệt tôn giáo" và phải cam kết bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken khẳng định Mỹ có thể công nhận chính phủ mới tại Syria nếu họ đáp ứng được những tiêu chuẩn nêu trên. Ông yêu cầu chính phủ mới phải đảm bảo "để Syria không là nơi ẩn náu của khủng bố". Bộ Ngoại giao Mỹ cũng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự tại Đông Bắc Syria trong khuôn khổ các nhiệm vụ chống khủng bố với sự tham gia của SDF.

Trong khi đó, các quan chức Liên hợp quốc nhấn mạnh, tuy đã có những lời kêu gọi đoàn kết và bao trùm đã được đưa ra, nhưng điều quan trọng là phải có hành động cụ thể và thực tế để xây dựng sự ổn định lâu dài. Từ châu Âu, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) về chính sách đối ngoại Kaja Kallas cảnh báo rằng, Syria phải tránh lặp lại những kịch bản thảm khốc của Iraq, Libya và Afghanistan.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đề nghị, tình hình ở Syria phải được theo dõi chặt chẽ. "Cùng với nhiều quốc gia khác, chúng ta không được để vuột mất cơ hội mở ra một nền dân chủ ở Syria cho những người thuộc các tôn giáo khác nhau chung sống hòa bình", ông Scholz nhấn mạnh.

Thái Hà
.
.
.