Hội nghị An ninh Munich 2024: Khi các quốc gia “cùng thắng”

Thứ Ba, 20/02/2024, 08:13

Với gần 200 sự kiện lớn nhỏ, Hội nghị An ninh Munich (MSC) lần thứ 60 - diễn đàn hàng đầu thế giới về chính sách an ninh quốc tế - đã khép lại với nhiều điểm sáng, làm nổi bật khẩu hiệu chính của diễn đàn quan trọng này, đó là mỗi quốc gia đều có thể hưởng lợi từ hợp tác quốc tế.

“Hội nghị An ninh Munich tin rằng cần phải có một cuộc tranh luận công khai lâu dài và đầy đủ thông tin về các vấn đề chính sách đối ngoại, an ninh và quốc phòng”, lời giới thiệu trên website của diễn đàn năm nay đồng thời phản ánh tinh thần và nỗ lực giải quyết các mối quan ngại an ninh cấp bách trên toàn cầu. Kể từ khi được hình thành cách đây 60 năm, Hội nghị An ninh Munich luôn là diễn đàn hàng đầu thế giới về chính sách an ninh quốc tế, là nơi hình thành các sáng kiến ngoại giao nhằm giải quyết những mối quan ngại an ninh cấp bách. Diễn ra từ 16-18/2, hội nghị năm nay thu hút trên 900 đại biểu tham dự, trong đó có khoảng 50 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ, trên 100 bộ trưởng cũng như đại diện của các tổ chức tư vấn, tổ chức phi chính phủ và doanh nghiệp.

Hội nghị An ninh Munich 2024: Khi các quốc gia “cùng thắng” -0
Chủ tịch Hội nghị An ninh Munich (MSC) Christoph Heusgen phát biểu tại hội nghị.

Nổi bật ngay từ chủ đề “Lose-lose?” (cùng thua), MSC 2024 đi sâu vào thảo luận các thách thức an ninh toàn cầu, cũng như các cuộc xung đột và khủng hoảng trên thế giới. Báo cáo an ninh thường niên 2024 của hội nghị năm nay, với cùng tiêu đề ấy, đã bày tỏ những quan ngại sâu sắc của các nhà nghiên cứu về tình hình địa chính trị và bất ổn kinh tế đang có xu hướng gia tăng tại nhiều khu vực. Báo cáo nhận thấy vấn đề “cùng thua” sẽ được thúc đẩy nếu ngày càng có nhiều chính phủ ưu tiên lợi ích tương đối của đất nước thay vì tham gia vào hợp tác đa phương để duy trì trật tự quốc tế. Báo cáo cũng đưa ra quan điểm rằng nhiều quốc gia ngày càng lo ngại được hưởng lợi ít hơn từ hợp tác quốc tế so với các nước khác. Xu hướng này có thể ảnh hưởng đến hợp tác và làm suy yếu trật tự quốc tế hiện tại.

Từ đó, tầm nhìn và ý tưởng mới cho trật tự toàn cầu đã được đề ra như một trong những khẩu hiệu của hội nghị này, dựa trên quan điểm không nên có "người thắng" hay "kẻ thua" giữa các quốc gia trên thế giới. Thay vào đó, mỗi quốc gia đều có thể hưởng lợi từ hợp tác quốc tế. Theo Washing Post, Đó là lý do tại sao MSC 2024 đã mời đại diện từ các quốc gia Nam bán cầu tham dự, bên cạnh các đại biểu truyền thống từ các quốc gia công nghiệp hóa phương Tây. Các đại biểu đến từ châu Á, châu Phi hay Nam Mỹ đều tham gia thảo luận và có tiếng nói của mình, khiến hội nghị năm nay trở thành một diễn đàn đa dạng và công bằng hơn. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres trong bài phát biểu tại hội nghị đã nói rằng, cơ chế quản trị toàn cầu theo mô hình hiện nay đang làm gia tăng tình trạng chia rẽ. Thế giới đang đối mặt với những thách thức hiện hữu nhưng cộng đồng quốc tế lại bị phân tán và chia rẽ sâu sắc nhất trong 75 năm qua. Người đứng đầu LHQ nêu bật sự cần thiết phải xây dựng “một trật tự thế giới mới vận hành vì tất cả mọi người dân”.

Cũng không nằm ngoài dự đoán, cuộc xung đột Nga – Ukraine và cuộc xung đột Israel – Hamas đã được đề cập trực diện tại hội nghị năm nay. Tại MSC 2024, Thủ tướng Đức Olaf Scholz kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng chi tiêu quốc phòng và đảm bảo viện trợ cho Ukraine. Trong một diễn biến khác, thay vì đổ vũ khí cho các bên trong xung đột, đại diện nhiều nước đã bày tỏ hi vọng sẽ sớm có cuộc đàm phán hòa bình cho cuộc xung đột Nga – Ukraine. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước này đã và đang làm việc để các cuộc hòa đàm Nga – Ukraine có thể sớm được khởi động trở lại. Ngoài Ukraine, cuộc xung đột tại Dải Gaza giữa Israel và phong trào Hamas, cũng như những căng thẳng kéo theo ở khu vực Trung Đông cũng là vấn đề được nhiều nước quan tâm. Tại hội nghị, Thủ tướng, kiêm Ngoại trưởng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani thừa nhận, các cuộc đàm phán ngừng bắn và trao đổi con tin lại lâm vào “bế tắc” trong những ngày gần đây.

Điểm sáng khác biệt của MSC 2024 là ngoài các cuộc xung đột, các bên tham dự cũng đã nhấn mạnh mối đe dọa khác đối với an ninh toàn cầu, đó là biến đổi khí hậu và di cư do môi trường sống bị hủy hoại. Đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà người dân trên thế giới phải đối mặt và đang tác động mạnh hơn đến nam bán cầu. Đây cũng được cho là một động thái nhằm mở rộng khái niệm an ninh giữa các quốc gia. Theo bà Ambika Vishwanath, đồng sáng lập Tổ chức nghiên cứu địa chính trị Kubernein Initiative ở Ấn Độ, an ninh không còn có nghĩa giống như trước đây. Theo đó, khái niệm này không còn gói gọn trong quốc phòng và quân sự, mà bao trùm những vấn đề có liên quan trực tiếp con người, bao gồm nước, thực phẩm và sức khỏe. Trong khi đó, phát biểu tại một sự kiện bên lề MSC, Ngoại trưởng Bangladesh Hasan Mahmud nói "không có lựa chọn nào khác" ngoài củng cố quan hệ đối tác toàn cầu, hành động tập thể và tài trợ đầy đủ để tất cả quốc gia có thể đối phó tác động của biến đổi khí hậu.

MSC 2024 khép lại cùng những trăn trở của các nhà lãnh đạo châu Âu với lời kêu gọi tăng cường năng lực phòng thủ, đẩy mạnh đầu tư cho công nghiệp quốc phòng với một chiến lược hoàn toàn mới. Đức dự kiến sẽ chi 2% GDP cho quốc phòng trong năm nay, lần đầu tiên kể từ những năm 1990. Thủ tướng Olaf Scholz tái khẳng định cam kết duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức 2% GDP trong suốt “những năm 2020, 2030 và hơn thế nữa”. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte cũng cho rằng châu Âu nên bắt đầu chi nhiều hơn cho quốc phòng thay vì quan tâm đến những vấn đề xa xôi khác.

An Nhiên
.
.
.