Hàn Quốc bước vào cuộc bầu cử Quốc hội

Thứ Năm, 11/04/2024, 06:00

Hơn 14.000 điểm bỏ phiếu trên khắp đất nước Hàn Quốc chính thức được mở sáng sớm 10/4 khi 44 triệu cử tri nước này bắt đầu đi bầu cử bầu ra tổng số 300 ghế Quốc hội khóa mới, bao gồm 254 ghế được bầu theo hình thức trực tiếp và 46 ghế theo tỷ lệ đại diện chính đảng.

Đúng 6h sáng 10/4, các điểm bỏ phiếu trên khắp Hàn Quốc đã đồng loạt mở cửa đón cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa mới ở nước này. Theo Ủy ban Bầu cử Quốc gia Hàn Quốc (NEC), cuộc bỏ phiếu kéo dài đến 18h00 cùng ngày tại 14.259 điểm bỏ phiếu trên toàn quốc. Quá trình kiểm phiếu đã được bắt bắt đầu ngay sau khi kết thúc thời gian bỏ phiếu và kết quả sơ bộ sẽ được công bố sớm nhất là sáng 11/4. Theo quy định hiện hành, sẽ có tổng số 300 ghế Quốc hội được bầu, bao gồm 254 ghế được bầu theo hình thức trực tiếp và 46 ghế theo tỷ lệ đại diện chính đảng.

Sự quan tâm của cử tri Hàn Quốc đối với cuộc bầu cử Quốc hội khóa 22 này là rất lớn, thể hiện ở tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm trong đợt bỏ phiếu ngày 5 và 6/4 đạt mức kỷ lục 31,28%. NEC hôm 6/4 cho biết, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong ngày 5/4 được ghi nhận là 15,61%.

Theo các hãng tin Hàn Quốc, đã có 6.910.510 trên tổng số 44.280.011 cử tri đã hoàn thành bỏ phiếu trong ngày 5/4. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm ở Seoul, nơi Vành đai sông Hàn được xem là chiến trường lớn nhất cho cuộc tổng tuyển cử hiện nay, cao hơn 0,22% so với tỷ lệ bỏ phiếu toàn quốc và cao hơn 3,65% so với cuộc tổng tuyển cử trước đó. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm ở tỉnh Gyeonggi cũng tăng hơn 3,5% so với cuộc tổng tuyển cử năm 2020.

Khu vực đô thị, nơi 122 trong số 254 ghế nghị sỹ được bầu theo hình thức trực tiếp, cũng chứng kiến tỷ lệ bỏ phiếu sớm tăng mạnh. Khu vực Honam, trong đó có tỉnh Nam Jeolla, Bắc Jeolla và TP Gwangju, có tỷ lệ bỏ phiếu sớm cao nhất. Trong khi đó, TP Daegu có tỷ lệ bỏ phiếu sớm thấp nhất cả nước.

Tổng thống Yoon Suk-yeol đã bỏ phiếu sớm tại điểm bỏ phiếu ở Trung tâm phúc lợi hành chính ở Myeongji, quận Gangseo, TP Busan. Trong khi đó, Thủ tướng Han Deok-soo cùng phu nhân Choi A-young đi bỏ phiếu tại Trung tâm Cộng đồng Samcheong thuộc quận Jongno ở Seoul.

Với việc nhiều cử tri đã đi bỏ phiếu sớm, trong ngày bỏ phiếu chính thức 10/4 sẽ chỉ còn khoảng 30 triệu cử tri đủ điều kiện tham gia bỏ phiếu, theo Yonhap. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm cao kỷ lục cũng thu hút sự chú ý về việc liệu tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cuối cùng có vượt mức 70% hay không. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử năm 2020 là 66,2%.

korea.jpg -0
Hàn Quốc bắt đầu cuộc bầu cử Quốc hội ngày 10/4. Ảnh minh họa Yonhap.

Các chuyên gia phân tích cho rằng việc năm nay có nhiều cử tri đi bỏ phiếu sớm là nhờ chiến dịch vận động của các đảng phái, cũng như sự thay đổi trong suy nghĩ của người dân. Theo Giáo sư Lee Jun-han, chuyên gia ngành khoa học chính trị và ngoại giao của Đại học Quốc gia Seoul, trong các cuộc bầu cử trước đây, thường chỉ có các cử tri cấp tiến được vận động bỏ phiếu sớm. Tuy nhiên lần này, đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) cầm quyền theo trường phái bảo thủ cũng đã tích cực kêu gọi những người ủng hộ đi bỏ phiếu sớm, góp phần làm tăng tỷ lệ bỏ phiếu sớm nói chung.

Giáo sư Kim Hyeong-jun từ Đại học Paichai nhận định, từ năm 2017, xã hội Hàn Quốc phân cực rõ ràng hơn giữa hai trường phái cấp tiến và bảo thủ nên cũng thúc đẩy xu hướng cử tri tích cực đi bỏ phiếu hơn.

Theo dự đoán của giới phân tích, đảng Dân chủ (DP) đối lập có thể sẽ giành được nhiều ghế hơn đảng PPP, thậm chí phe đối lập có khả năng sẽ giành được hơn 200 trong tổng số 300 ghế tại Quốc hội. Vẫn có ý kiến ngược lại cho rằng, kết quả cuộc bầu cử này là khó dự đoán khi các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy, 39% số người được hỏi dự định sẽ bỏ phiếu cho đảng cầm quyền, trong khi tỷ lệ dự định bầu cho đảng DP đối lập là 37%.

Dù kết quả có ra sao, cuộc bầu cử Quốc hội lần thứ 22 của Hàn Quốc được xem là thước đo đánh giá tổng thể giữa nhiệm kỳ đối với chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol. Đảng cầm quyền sẽ đánh mất lợi thế hay thuận lợi thúc đẩy các chương trình nghị sự với sự hỗ trợ của cơ quan lập pháp trong 3 năm cầm quyền còn lại, việc này có thể được quyết định tại 48 khu vực bầu cử ở Seoul - nơi được cho là chiến trường chính có ý nghĩa quyết định đối với kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Hàn Quốc lần thứ 22 này.

Các số liệu thống kê cho thấy kết quả kiểm phiếu ở Seoul thường phản ánh kết quả bầu cử tổng thể. Hai đảng chính trị lớn nhất ở Hàn Quốc là đảng PPP cầm quyền và đảng DP đối lập chính hiện chiếm đa số ghế trong Quốc hội đều kêu gọi cử tri tích cực tham gia bỏ phiếu. PPP đã kêu gọi sự ủng hộ của cử tri, đồng thời cho rằng chính phủ của Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol đã không thể thúc đẩy chương trình cải cách theo lộ trình trong hai năm qua do phe đối lập chiếm đa số ghế trong Quốc hội bất hợp tác.

Trong khi đó đảng DP đối lập kêu gọi cử tri bỏ phiếu để đưa ra "phán quyết nghiêm khắc" đối với những cáo buộc rằng chính phủ đương nhiệm đã khiến nền kinh tế và sinh kế của người dân trở nên khó khăn nghiêm trọng và xử lý sai hàng loạt vấn đề trong hai năm qua.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.