Giai đoạn mới trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng ở châu Phi

Thứ Bảy, 13/08/2022, 09:06

Điều này được thể hiện qua chuyến công du châu Phi từ ngày 7/8 của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngay sau các chuyến thăm tương tự của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Chuyến đi của ông Antony Blinken diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Rwanda và nước láng giềng CHDC Congo.

Mặc dù Ngoại trưởng Antony Blinken đặc biệt chú trọng và tìm cách hòa giải giữa Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) và Rwanda, nhưng mục tiêu chính của Washington là ngăn Nga và Trung Quốc gia tăng quá nhiều ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, chiến lược tổng thể của Nhà Trắng để đạt được mục tiêu đó dường như không được thuận lợi. Ông bày tỏ quan ngại về các báo cáo liên quan đến việc Rwanda viện trợ cho phiến quân Tutsi của Phong trào 23 tháng 3 (M23) đấu tranh giành độc lập khỏi DRC.

8.jpg -0
Ngoại trưởng Antony Blinken và người đồng cấp Naledi Pandor. Ảnh: BBC.

Ngoại trưởng Mỹ lưu ý rằng giải quyết xung đột là trọng tâm trong cuộc gặp của ông với Tổng thống DRC Felix Tshisekedi và cũng là nội dung chính trong chuyến thăm của ông tới Rwanda, nơi ông có cuộc gặp với Tổng thống nước chủ nhà Paul Kagame. Ông Paul Kagame là người Tutsi, cùng một nhóm dân tộc gần như bị diệt chủng ở Rwanda vào năm 1994. M23 đang chiến đấu gần biên giới với Rwanda và xung đột đã diễn ra trong 14 năm, nhưng vào tháng 3/2022, M23 đã thực hiện một nỗ lực mới về một giải pháp quân sự cho vấn đề này, dẫn đến thực tế là hàng chục nghìn cư dân địa phương và cư dân của nước láng giềng Uganda đã phải sơ tán.

Tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) dẫn lời chuyên gia Aleskey Tselunov nhận định: “Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken bắt đầu từ Nam Phi không phải là ngẫu nhiên, mà được giải thích là do các nguyên nhân khách quan: tiềm năng của lục địa đen cùng cơ hội để giành được nhiều phiếu bầu hơn tại Liên hợp quốc (LHQ) và sự cạnh tranh ngày càng tăng với Trung Quốc và Nga”. Theo chuyên gia Aleskey Tselunov, Mỹ sẽ gặp nhiều vấn đề hơn trong việc tranh giành ảnh hưởng ở lục địa này với Trung Quốc, vì nước này thực tế không có cơ sở kinh tế và thiếu nền tảng công nghiệp ở lục địa này.

“Trong khi chiến lược của Mỹ và châu Âu, nhằm 'chuyển đổi xanh' các nền kinh tế châu Phi và bảo vệ các giá trị dân chủ, không phải lúc nào họ cũng nhận được ủng hộ ở châu lục này. Điều này vẫn khiến Trung Quốc trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn, vì Bắc Kinh cung cấp các khoản đầu tư và hạn mức tín dụng không bị ràng buộc bởi các nghĩa vụ và yêu cầu chính trị”, vị chuyên gia lưu ý. Hiện quan hệ thương mại Trung Quốc - châu Phi ngày càng gia tăng.

Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại châu Phi. Trong khi đó, nhiều nước châu Phi đứng vị trí trung lập về cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Điều này khiến Mỹ cho rằng, Nga sử dụng các mối quan hệ an ninh và kinh tế, cũng như thông tin sai lệch, để giảm bớt sự phản đối của các nước châu Phi đối với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Trong động thái mới nhất, khi chuyến thăm của Ngoại trưởng Antony Blinken đang diễn ra, Nhà Trắng đã công bố tài liệu chiến lược mới cho khu vực châu Phi cận Sahara, trong đó, đặc biệt coi Nga và Trung Quốc là mối đe dọa, đồng thời cam kết mở rộng hợp tác quốc phòng với các nước châu Phi “cùng quan điểm”. Tài liệu chiến lược mới của Mỹ nhấn mạnh, Washington cùng với các đồng minh và đối tác ở châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương coi châu Phi là một phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia. Mỹ sẽ tận dụng các thể chế phòng thủ dân sự và mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược có chung giá trị và ý chí để thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu. Washington cũng sẽ làm việc để xây dựng khả năng của châu Phi trong cuộc chiến biến đổi khí hậu, cùng với các chính phủ và tổ chức khu vực, trong đó có Liên minh châu Phi để hỗ trợ phát triển bền vững.

Theo Nhà Trắng, Mỹ có lợi ích lớn trong việc đảm bảo một khu vực châu Phi mở và có thể tiếp cận được với tất cả mọi người. Tài liệu chiến lược mới của Mỹ đối với châu Phi được xem là nhằm cụ thể hóa phát biểu hồi tháng 11 năm ngoái của Ngoại trưởng Antony Blinken, trong đó lần đầu tiên đưa ra cách tiếp cận của chính quyền Tổng thống Joe Biden đối với khu vực. Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí còn thông báo đang lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh cho các nhà lãnh đạo châu Phi tại Washington từ ngày 13-15/12 để “thể hiện cam kết của Mỹ đối với châu Phi”.

Với việc liên tiếp được các nhà lãnh đạo, quan chức hàng đầu của các cường quốc đến thăm, châu Phi đang chứng minh được tầm quan trọng của châu lục này trong cán cân quyền lực toàn cầu cũng như  trong sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Vào tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng đã đến thăm Ai Cập, Uganda, Ethiopia và Cộng hòa Congo. Trong khi đó, Tổng thống Emmanuel Macron gần đây đã đến thăm Cameroon, Benin và Guinea-Bissau trong nỗ lực khôi phục mối quan hệ tại khu vực này.

Theo ông Alex Vines, Giám đốc chương trình châu Phi tại Chatham House, mục đích cơ bản của chuyến đi lần này của Ngoại trưởng Mỹ tới châu Phi là nhằm kiềm chế ảnh hưởng địa chính trị của Nga và Trung Quốc tại lục địa này. “Về cơ bản, Nam Phi là một quốc gia không có mối quan hệ gắn bó mật thiết với Hoa Kỳ. Vì vậy, chính quyền Tổng thống Biden đang tập trung làm thế nào để cải thiện mối quan hệ và ít nhất là có một cuộc đối thoại mang tính xây dựng hơn với Nam Phi”, ông Alex Vines. Đây cũng chính là lý do tại sao Nam Phi là điểm đến đầu tiên của ông Blinken và sự chú ý đặc biệt đó sẽ được tập trung vào việc điều chỉnh quan điểm của hai nước về chiến sự Nga - Ukraine.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor đã từ chối đề cập  vấn đề về cuộc xung đột Nga và Ukraine mà thay vào đó, nhấn mạnh đến những vấn đề mà hai bên quan tâm. Chuyên gia Alex Vines nhận định: “Có một sự khác biệt lớn trong cách nhìn nhận của Mỹ và Nam Phi về vấn đề Nga-Ukraine”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.