G7 thúc đẩy hợp tác với “Nam bán cầu”
Lãnh đạo Nhóm 7 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G7) nhóm họp thượng đỉnh ở Italia với nội dung thảo luận chính tiếp tục xoay quanh cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình căng thẳng trên khắp Trung Đông và cách thức tăng cường hợp tác với nhóm các quốc gia đang phát triển “Nam bán cầu”.
Thủ tướng Italia Giorgia Meloni từ ngày 13/6 đến hết ngày 15/6 đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Rishi Sunak, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới dự các sự kiện quan trọng trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 do Italia chủ trì tại khu nghỉ dưỡng ở vùng Puglia, phía Nam nước này. New York Times cho biết, bên cạnh các vấn đề quốc tế nóng như cuộc xung đột ở Ukraine, tình hình Trung Đông, lãnh đạo các nước G7 sẽ tập trung tìm giải pháp tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Chủ nhà Italia đã mời đến hội nghị lần này lãnh đạo các nước Ấn Độ, Ả Rập Saudi, Jordan, Nam Phi, Brazil, Argentina, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Kenya, Mauritania và lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU), động thái thể hiện sự quan tâm của G7 tới các nước “Nam bán cầu” (Global South). Trong thông cáo chính thức trước hội nghị, G7 cũng tuyên bố sự kiện ở Puglia là “cơ hội để các lãnh đạo G7 thể hiện cam kết mạnh mẽ duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và tăng cường hợp tác với các nước đang phát triển”.
Nhóm G7 thường xuyên mời các quốc gia ngoài khối tham dự hội nghị thượng đỉnh từ năm 2000. Tuy nhiên, G7 được đánh giá là bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới tiếng nói của các quốc gia đang phát triển “Nam bán cầu”, thuật ngữ chỉ các quốc gia đang phát triển ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ Latinh, từ vài năm gần đây, trong bối cảnh vị thế chính trị của các nước “Nam bán cầu” ngày càng được củng cố; và cuộc cạnh tranh ảnh hưởng của các cường quốc diễn ra quyết liệt hơn.
AlJazeera nhận định, với Italia và châu Âu, vấn đề cải thiện quan hệ hợp tác cùng các nước đang phát triển, nhất là ở châu Phi ngày càng trở nên cấp bách nhằm một mặt đảm bảo nguồn cung nguyên liệu thô trong bối cảnh căng thẳng với Nga gia tăng, mặt khác giúp hạ nhiệt cuộc khủng hoảng người di cư đổ về châu Âu qua ngả Địa Trung Hải. Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị, Thủ tướng Italia Meloni khẳng định bà và các lãnh đạo G7 “sẽ đặc biệt chú ý đến châu Phi”. “Chúng tôi đặt mục tiêu xây dựng mô hình hợp tác bình đẳng, bác bỏ cách tiếp cận theo kiểu bóc lột. Đó cũng là lí do chúng tôi sẽ quan tâm đến cả vấn đề di cư, mối liên quan giữa khí hậu, năng lượng và an ninh lương thực”, nữ Thủ tướng Italia nêu rõ.
Theo EUObserver, G7 dự kiến công bố một loạt sáng kiến hợp tác tại hội nghị lần này, bao gồm đề xuất giúp các nước đang phát triển nói chung và châu Phi nói riêng cải thiện an ninh lương thực gắn liền với kế hoạch khí hậu trị giá nhiều tỷ USD mà các cường quốc hàng đầu đã cam kết. Tuần trước, Thư kí báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói với các phóng viên rằng, các nhà lãnh đạo G7 cũng đồng ý “tăng cường cam kết hỗ trợ các nước đang phát triển đang tìm cách đầu tư vào tương lai của họ và giúp tăng cường an ninh lương thực và tài chính y tế”.
Bên cạnh đó, G7 có thể đồng ý kế hoạch phát triển các công cụ tài chính mới với Ngân hàng Phát triển Châu Phi để giúp thúc đẩy tăng trưởng trên lục địa này; song song với việc ủng hộ nỗ lực tái cơ cấu nợ cho các nước nghèo. Tổng thống Kenya William Ruto mới đây đề nghị G7 “thể hiện tình đoàn kết với châu Phi” thông qua tái cơ cấu và xóa nợ, cũng như đưa ra các điều khoản mới nhằm cung cấp nguồn tài chính dài hạn ưu đãi thông qua các khoản tín dụng từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như viện trợ.
Đáng chú ý, lãnh đạo các nước G7 sẽ bàn bạc về những thách thức xung quanh sự phát triển bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo (AI) với sự cân bằng toàn cầu. Theo Thủ tướng Italia Giorgia Meloni, AI tạo ra những cơ hội lớn nhưng cũng mang đến những thách thức lớn, nhất là trong lĩnh vực nguồn nhân lực. “Chúng tôi cam kết phát triển các cơ chế quản trị và đảm bảo rằng trí tuệ nhân tạo vừa lấy con người làm trung tâm vừa được kiểm soát bởi con người”, bà Meloni nhấn mạnh.
Về tình hình chiến sự Dải Gaza, các lãnh đạo G7 tiếp tục ủng hộ đề xuất ngừng bắn vĩnh viễn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cách đây vài ngày, được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ủng hộ bằng Nghị quyết số 2735 ngày 10/6. Reuters cho biết, đề xuất của Tổng thống Mỹ có 3 giai đoạn, đảm bảo việc các bên duy trì ngừng bắn lâu dài, trao đổi con tin, đảm bảo phong trào Hamas không thể tái vũ trang, cho phép tăng cường viện trợ và tái thiết Dải Gaza. Tuy nhiên, hai bên tham chiến trực tiếp là Israel và Hamas vẫn chưa cho thấy họ sẵn sàng tham gia sáng kiến của ông Biden.
Xung quanh cuộc xung đột ở Ukraine, AlJazeera cho hay, các lãnh đạo G7 có kế hoạch công bố một thỏa thuận cho phép Ukraine tiếp cận khoản vay 50 tỷ USD, được đảm bảo bằng lợi nhuận thu được từ khối tài sản trị giá khoảng 300 tỷ USD của Nga đang bị đóng băng ở các nước phương Tây. Một động thái như vậy thể hiện sự ủng hộ dành cho Ukraine, nhưng chắc chắn vấp phải phản ứng quyết liệt của Nga. Moscow những ngày qua cảnh báo bất cứ hành động nào chuyển hướng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga ở nước ngoài đều là “hành vi chiếm đoạt tài sản”, vi phạm các quy tắc và chuẩn mực của hệ thống kinh tế và tài chính quốc tế.